Với mong muốn giải đáp ngay lập tức các vướng mắc về kết hôn cho người Việt Nam và người nước ngoài, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn luật kết hôn. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi thông qua Tổng đài 19006588.
Đăng ký kết hôn là một thủ tục quen thuộc trong đời sống chúng ta.
Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều những vướng mắc liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là về thủ tục kết hôn với bộ đội.
Để giúp bạn có những thông tin đầy đủ về vấn đề này, Luật Quang Huy chúng tôi xin tư vấn về thủ tục kết hôn với bộ đội theo quy định của pháp luật hiện hành.
1. Điều kiện kết hôn với bộ đội
Theo quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, các điều kiện kết hôn cụ thể như sau:
Thứ nhất, để có thể kết hôn hai bên nam nữ trước hết phải đáp ứng đủ số tuổi theo quy định.
Theo đó, độ tuổi của nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ phải đủ từ 18 tuổi trở lên.
Thứ hai, việc kết hôn của nam và nữ phải xuất phát từ sự tự nguyện, việc họ xác lập quan hệ vợ chồng hoàn toàn tự do và xuất phát từ ý chí của họ;
Thứ ba, nam nữ khi kết hôn phải là những người không bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Cuối cùng là việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn bao gồm:
- Kết hôn giả tạo: Là việc nam, nữ kết hôn trên cơ sở một thỏa thuận hoặc một hợp đồng nào đó nhằm mục đích khác lớn hơn là lý do xây dựng gia đình.
- Tảo hôn: Đây là việc lấy vợ, lấy chồng khi một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Cưỡng ép kết hôn: Đây là việc một người dùng hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
- Lừa dối kết hôn: Đây là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.
- Cản trở kết hôn: Đây là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn.
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn với người đang có chồng, có vợ.
- Kết hôn giữa những người có quan hệ thân thích.
Ngoài những trường hợp cấm kết hôn nêu trên, khi kết hôn với bộ đội cũng có những trường hợp cấm kết hôn riêng:
- Thứ nhất, gia đình của bên bạn nữ đã có người làm tay sai cho chế độ phong kiến hoặc tham gia quân đội, chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.
- Thứ hai, bản thân hoặc người thân là bố mẹ là người đang phải chấp hành án hình sự hoặc có tiền án theo quy định của pháp luật.
- Thứ ba, gia đình hoặc bản thân là người theo tôn giáo: Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành, Đạo hồi;
- Thứ tư, gia đình hoặc bản thân người kết hôn với bộ đội có gốc là người Hoa (Trung Quốc);
- Thứ năm, chính bản thân người kết hôn với bộ đội hoặc bố mẹ họ là người nước ngoài (Kể cả khi đã nhập tịch tại Việt Nam).
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên trở lên là bạn đã không đủ điều kiện kết hôn với bộ đội.
Vì đây là lực lượng đặc thù, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Theo quy định nội bộ ngành, người muốn kết hôn bộ đội cần đảm bảo các tiêu chí khi thẩm tra xét lý lịch và thân nhân gia đình trong phạm vi ba đời và đáp ứng được các điều kiện nêu trên.
2. Thẩm quyền đăng ký kết hôn với bộ đội
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch.
Như vậy, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn với bộ đội.
3. Thủ tục đăng ký kết hôn với bộ đội
3.1 Nộp đơn yêu cầu thẩm tra lý lịch
Việc nộp đơn yêu cầu thẩm tra lý lịch là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất trong thủ tục kết hôn với bộ đội.
Phía bên bạn nam cần chủ động nộp đơn tìm hiểu để kết hôn và Đơn xin kết hôn gửi đến phòng Tổ chức cán bộ của đơn vị công tác.
Sau đó, phòng này sẽ thực hiện việc thẩm tra lý lịch của bên bạn nữ cũng như những người thân trong gia đình trong phạm vi 3 đời.
Theo quy định của khối ngành quân đội, nếu thuộc một trong các trường hợp sau bạn nữ sẽ không được kết hôn với bộ đội:
- Gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, ngụy quân, ngụy quyền;
- Bố mẹ hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành…;
- Gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa;
- Bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả đã nhập tịch).
Như vậy, có thể thấy thủ tục kết hôn với bộ đội có những quy định riêng biệt và đòi hỏi khắt khe hơn so với thủ tục kết hôn thông thường.
3.2 Phòng tổ chức cán bộ xem xét quyết định kết hôn
Sau khi nhận được đơn yêu cầu thẩm tra lý lịch, Phòng tổ chức cán bộ tiến hành thẩm tra, xem xét lý lịch nếu đủ điều kiện thì Phòng tổ chức cán bộ ra quyết định có cho phép hai bên kết hôn hay không.
Nếu đồng ý thì Phòng tổ chức cán bộ gửi quyết định cho phép kết hôn và Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bộ đội.
3.3 Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với bộ đội
Hồ sơ cần chuẩn bị để đăng ký kết hôn với bộ đội cũng tương tự như các hồ sơ đăng ký kết hôn khác.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014, Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu
- Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của hai bên nam, nữ. Trường hợp kết hôn với bộ đội thì Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bộ đội sẽ do Thủ trưởng đơn vị bên đơn vị bộ đội đang công tác cấp ( có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp).
Kèm theo các giấy tờ nêu trên, khi đến đăng ký kết hôn hai bên cần đem theo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hay giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân và sổ hộ khẩu của hai bên.
Như đã nêu ở trên, hai bạn sẽ nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên.
Ngay khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam nữ ký tên vào Sổ hộ tịch.
Cuối cùng, hai bạn cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
4. Căn cứ pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Luật hộ tịch năm 2014;
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;
- Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Trên đây là toàn bộ lời tư vấn của chúng tôi về vấn đề thủ tục kết hôn với bộ đội của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài Tư vấn kết hôn trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng./.