Nguyên quán là gì? Quê quán là gì? Nguyên quán và quê quán có giống nhau không? –

Nguyên quán là gì quê quán là gì nguyên quán và quê quán có giống nhau không
Nhằm giải đáp thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ hôn nhân và quan hệ trong gia đình như tảo hôn, quyền và nghĩa vụ các bên, Luật Quang Huy bổ sung đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến luật hôn nhân và gia đình hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Hiện nay, trong các loại giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu….. đều có mục nguyên quán hoặc quê quán. Vậy nguyên quán và quê quán khác nhau không và khác như thế nào? Để giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này, Luật Quang Huy chúng tôi xin tư vấn về vấn đề phân biệt nguyên quán và quê quán theo quy định của pháp luật.


Cơ sở pháp lý

  • Luật Hộ tịch năm 2014
  • Thông tư 36/2014/TT-BCA quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký quản lý cư trú
  • Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân 

Nguyên quán là gì?

      Nguyên quán là thuật ngữ chỉ nguồn gốc của cá nhân, được xác định bằng các căn cứ nhất định. Trên thực tế, có nhiều cách hiểu khác nhau về nguyên quán. Vậy nguyên quán là gì? Căn cứ xác định nguyên quán như thế nào? Cách hiểu về nguyên quán như thế nào là chính xác?

      Thông thường, đa số quan điểm cho rằng, nguyên quán là nơi ộng/bà nội sinh (nếu khai sinh theo họ cha), là nơi ông/bà ngoại sinh (nếu khai sinh theo họ mẹ).

      Dưới góc độ pháp lý, điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA hướng dẫn cách ghi nguyên quán trong các giấy tờ chứng minh nơi cư trú của cá nhân quy định như sau:

Mục “Nguyên quán”: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.

      Như vậy, quy định về cách ghi mục nguyên quán trong các giấy tờ về cư trú cũng xác định nguyên quán theo Giấy khai sinh hoặc theo nguồn gốc của ông/bà nội hoặc ông/bà ngoại, hoặc theo nguồn gốc của cha hoặc mẹ.


Quê quán là gì?

      Hiện nay, quê quán được hiểu là nơi sinh trưởng của người cha hoặc người mẹ. Đó là nơi mà người cha hoặc mẹ của cá nhân kê khai làm hộ tịch…đã ra đời.Cùng với cách hiểu này, pháp luật Việt Nam cũng có quy định về cách xác định quê quán.

     Theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

      Như vậy, quê quán được xác định căn cứ vào quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha mẹ hoặc xác định theo tập quán. Cha và mẹ có thể thỏa thuận với nhau về việc lựa chọn quê quán của con theo cha hoặc theo mẹ.

      Trường hợp nếu cha, mẹ không thỏa thuận được với nhau về lựa chọn quê quán thì quê quán được sẽ được xác định theo tập quán. Thông thường, khi xác định quê quán theo tập quán, đa phần các địa phương ở Việt Nam sẽ xác định theo quê quán của cha, chỉ có một số ít xác định theo quê quán của mẹ.

Quê quán là gì

Nguyên quán và quê quán có gì khác nhau?

      Nguyên quán và quê quán đều được xác định là nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Tuy nhiên việc xác định nguyên quán, quê quán lại không hoàn toàn giống nhau.

      Ta có thể thấy rằng căn cứ xác định nguyên quán phức tạp, sâu xa hơn so với quê quán.

      Thực tiễn cũng như quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, nguyên quán của một người là nơi xuất xứ của ông/bà nội hoặc ông/bà ngoại người đó và không phụ thuộc người cha của họ có lớn lên ở đó hay không. Còn quê quán của một người là nơi sinh ra và lớn lên (sinh trưởng) của cha người đó.

      Hiện nay hai thuật ngữ nguyên quán, quê quán vẫn chưa được sử dụng đồng nhất trong các văn bản pháp luật. Cụ thể:

  • Đối với sổ hộ khẩu: Thông tư 52/2010/TT-BCA có hiệu lực, trên sổ hộ khẩu mục nguyên quán được thay bằng quê quán. Trong khi đó mục quê quán được đổi lại là nguyên quán theo Thông tư 36/2014/TT-BCA.
  • Đối với chứng minh nhân dân/Căn cước công dân: Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 05/1999/NĐ-CP, trên mẫu chứng minh nhân dân (9 số) mới không còn ghi nguyên quán mà được thay bằng quê quán. Sau đó, chứng minh nhân dân 12 số (từ ngày 01/7/2012) và thẻ Căn cước công dân (từ ngày 01/01/2016) đều dùng là quê quán.

Nguyên quán là gì quê quán là gì nguyên quán và quê quán có giống nhau không

      Cho tới ngày nay, nguyên quán, quê quán vẫn là hai thuật ngữ được sử dụng song song, và chưa có sự đồng nhất khi sử dụng trong hai thuật ngữ này. Về cơ bản, những giấy tờ theo mẫu cũ được ghi là nguyên quán vẫn có giá trị pháp lý còn những giấy tờ theo mẫu mới được ghi là quê quán.


      Trên đây là toàn bộ các quy định của pháp luật về phân biệt nguyên quán và quê quán theo quy định của pháp luật. Nếu có gì còn thắc mắc, vui lòng liên hệ TỔNG ĐÀI 19006588 gặp Luật sư tư vấn hôn nhân gia đình của Luật Quang Huy.

      Trân trọng./.


 

5/5 - (1 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top