Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!
Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, pháp luật hình sự Việt Nam còn gián tiếp ghi nhận các biện pháp phòng ngừa tội phạm. Vậy phòng ngừa tội phạm là gì? Mục đích, nội dung, phân loại phòng ngừa tội phạm như thế nào? Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ giúp bạn đọc trả lời những thắc mắc trên.
1. Phòng ngừa tội phạm là gì?
Phòng ngừa tội phạm được hiểu là hoạt động nhằm không cho tội phạm xảy ra. Mục đích phòng ngừa tội phạm không phải là hoạt động hướng tới tội phạm đã xảy ra – tội phạm hiện thực mà là nhằm không cho tội phạm xảy ra.
Đây là hoạt động do các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan Nhà nước khác và tổ chức xã hội, mọi công dân áp dụng tổng hợp và đồng bộ hệ thống các biện pháp khác nhau nhằm thủ tiêu những nguyên nhân và điều kiện của tội phạm nhằm ngăn chặn, kiềm chế làm giảm và từng bước đẩy lùi và tiến tới loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.
Theo nghiên cứu chung, định nghĩa phòng ngừa tội phạm như sau:
Phòng ngừa tội phạm là hoạt động có tính chủ động và tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và của mọi công dân hướng tới việc hạn chế, ngăn ngừa sự hình thành các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm hoặc làm cho các thành tố này không phát huy được tác dụng để loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm, ngăn ngừa tội phạm xảy ra.
2. Mục đích và nội dung của phòng ngừa tội phạm
2.1. Mục đích của phòng ngừa tội phạm
Nhìn chung, phòng ngừa tội phạm nhằm mục đích kiềm chế sự gia tăng, hạn chế dần mức độ và tính chất nghiêm trọng của tội phạm và ngăn ngừa tội phạm xảy ra.
Theo đó, mục đích của phòng ngừa tội phạm có các mức độ khác nhau từ kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, hạn chế dần mức độ và tính chất nghiêm trọng của tội phạm đến ngăn ngừa tội phạm xảy ra.
Để có thể đạt được mục đích này đòi hỏi phải đưa ra được hệ thống các biện pháp phòng ngừa phù hợp với thực trạng và diễn biến của tội phạm và có tính khả thi cũng như phải tổ chức triển khai thực hiện được các biện pháp phòng ngừa này một cách đồng bộ và hợp lý.
Cụ thể hơn, việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm mang những mục đích sau:
- Thứ nhất, loại trừ và xóa bỏ các tác nhân là điều kiện tạo thuận lợi việc phát sinh ra tội phạm.
- Thứ hai, việc nghiên cứu môi trường sống xung quanh các nguyên nhân và điều kiện phạm tội và người phạm tội, qua đó hạn chế, ngăn ngừa những hiện tượng có ảnh hưởng bất lợi và không đúng đến việc hình thành các phẩm chất cá nhân tiêu cực chống đối xã hội của bản thân người phạm tội.
- Thứ ba, từ các phân tích đó có căn cứ đưa ra các giải pháp tổng thể và có hệ thống phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực và tội phạm, các tác nhân ảnh hưởng và những thiếu sót trong cơ chế quản lý về các mặt trong đời sống và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và các ngành luật khác.
2.2. Nội dung của phòng ngừa tội phạm
Bên cạnh việc tìm hiểu khái niệm phòng ngừa tội phạm là gì thì chúng ta sẽ phân tích đặc điểm các biện pháp phòng ngừa tội phạm để hiểu rõ hơn về nội dung này:
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm phải được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình tội phạm đã xảy ra, dự báo tình hình tội phạm sẽ xảy ra, xuất phát từ các giải thích về nguyên nhân của tội phạm.
- Việc ngăn ngừa sự hình thành cũng như loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm là một trong số các biện pháp phòng ngừa tội phạm được xây dựng trên cơ sở xác định đúng nguyên nhân của tội phạm.
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm được đưa ra cũng đòi hỏi phải phù hợp với điều kiện thực tế cho phép để đảm bảo tính khả thi.
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm cần hướng tới những người có nguy cơ phạm tội như người đã phạm tội, người đã có hành vi vi phạm hướng tới những người hoặc tổ chức có khả năng trở thành nạn nhân của tội phạm.
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm hướng tới những người có nguy cơ phạm tội là nhằm kiểm soát, hạn chế, loại trừ điều kiện phạm tội cũng như nhằm giáo dục, răn đe để kiềm chế ý định phạm tội của họ.
- Với mục đích hướng tới những người hoặc tổ chức có khả năng trở thành nạn nhân của tội phạm bao gồm các biện pháp ngăn ngừa được thực hiện bởi Nhà nước và xã hội nhằm bảo vệ các đối tượng này cũng như các biện pháp cảnh báo để chính họ có các biện pháp ngăn ngừa, tự bảo vệ mình.
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm hướng tới khả năng phát sinh “tình huống tiêu cực” của môi trường bao gồm các biện pháp phòng ngừa bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giảm thiểu các “tình huống tiêu cực” mà các tình huống này có thể góp phần tạo ra các phẩm chất tiêu cực của con người cũng như góp phần thúc đẩy việc phạm tội.

3. Phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm
Biện pháp phòng ngừa tội phạm là hệ thống các biện pháp, cách thức do các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các tổ chức xã hội và công dân thực hiện nhằm hạn chế, ngăn chặn, loại trừ nguyên nhân điều kiện phạm tội. Các biện pháp phòng ngừa tội phạm được phân loại như sau:
Biện pháp phòng ngừa tội phạm cơ bản – gián tiếp:
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm cơ bản – gián tiếp là các biện pháp tuy hướng tới các nguyên nhân “gốc rễ” của tội phạm nói chung nhưng đó không phải là mục đích trực tiếp.
- Đây là các biện pháp nhằm tới mục đích trực tiếp là các vấn đề kinh tế-xã hội nhưng gián tiếp lại là các biện pháp bao trùm, có ý nghĩa đối với tất cả các tội phạm, đối với tất cả mọi người và có tính triệt để, giải quyết tận gốc vấn đề nguyên nhân của tội phạm. Các biện pháp này là các biện pháp có tính lâu dài, có tác dụng dần dần từng bước.
- Các biện pháp này bao gồm: các biện pháp phát triển kinh tế, ổn định xã hội, khắc phục những hạn chế, cải thiện tình hình kinh tế-xã hội như vấn đề thất nghiệp hay thất học, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp dân cư; các biện pháp lành mạnh hoá các môi trường giáo dục, nâng cao trình độ văn hoá, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm của công dân; các biện pháp nâng cao “tính giáo dục” của pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự…
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm cơ bản – gián tiếp tuy không tác động trực tiếp, tức thời đến nguyên nhân của tội phạm nhưng được coi là các biện pháp có tính chủ động, tích cực theo đúng nghĩa nhất và cũng là các biện pháp giải quyết vấn đề nguyên nhân của tội phạm một cách bền vững.
Biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp:
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp là các biện pháp hướng tới các “nguy cơ phạm tội” cụ thể, tác động đến các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm với nội dung cụ thế và trực tiếp là hạn chế, triệt tiêu hoặc “trung hoà” các thành tố này.
- Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp bao gồm: các biện pháp tăng hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như lĩnh vực kinh tế- xã hội, lĩnh vực an ninh, quốc phòng, lĩnh vực văn hoá, trật tự, an toàn xã hội … Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa này còn có thể là các biện pháp tăng cường giám sát, quản lý các đối tượng có nguy cơ phạm tội hay phạm tội lại; là các biện pháp cảnh báo, hướng dẫn tránh trở thành nạn nhân của tội phạm như tội phạm về tình dục hay tội mua bán người …
- Căn cứ vào mục đích cụ thể, đối tượng hướng tới và phạm vi ảnh hưởng có thể chia các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp thành: Nhóm biện pháp phòng ngừa tội phạm đối với người phạm tội đã bị phát hiện; nhóm biện pháp phòng ngừa tội phạm đối với nhóm người có nguy cơ phạm tội; nhóm biện pháp phòng ngừa có tính cảnh báo đối với nhóm chủ thể (cá nhân hoặc đơn vị) có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm và nhóm biện pháp phòng ngừa cụ thể do chính những chủ thể này thực hiện tự giác hoặc tự phát.
- Thuộc về nhóm biện pháp phòng ngừa tội phạm đối với người phạm tội bao gồm không chỉ các biện pháp trách nhiệm hình sự được áp dụng cho người bị kết án mà theo nghĩa rộng còn bao gồm cả các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm (Theo hướng phòng ngừa tội phạm này thì giữa biện pháp chống tội phạm và biện pháp phòng ngừa tội phạm có sự đồng nhất nhưng chưa thật đầy đủ và cũng chưa được chú trọng đúng mực trong việc theo dõi, giám sát việc chấp hành các hình phạt này.).
- Các biện pháp này không chỉ nhằm ngăn chặn kịp thời không cho người phạm tội tiếp tục phạm tội mà còn nhằm răn đe, giáo dục họ cũng như nhằm hạn chế khả năng, điều kiện mà người phạm tội có thể sử dụng để phạm tội lại. Để đáp ứng được điều này đòi hỏi các biện pháp hình sự cần được mở rộng, không được phép chỉ bó hẹp là hệ thống các hình phạt truyền thống với mục đích thiên về trừng trị. Trừng trị cũng như qua trừng trị để răn đe, giáo dục là cần thiết và là một hướng phòng ngừa tội phạm nhưng bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp hình sự khác, có thể là hình phạt hoặc chỉ là biện pháp hỗ trợ mà những biện pháp này có tác dụng trực tiếp là góp phần phòng ngừa việc phạm tội lại của người bị kết án như quản chế; cấm cư trú; cấm hành nghề; cấm điều khiển phương tiện giao thông cơ giới … Trong Bộ luật hình sự Việt Nam đã có một số hình phạt có mục đích trực tiếp là phòng ngừa.
4. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề phòng ngừa tội phạm theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn luật hình sự trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.