Nhằm giải đáp mức xử phạt khi vi phạm quy định giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến giấy phép lưu hành giao thông, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật giao thông. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006588.
Hiện nay, có rất nhiều người vẫn chưa nắm rõ được quy định về việc phải nộp phạt vi phạm giao thông, dẫn đến việc nộp phạt vi phạm giao thông muộn. Chính vì vậy, trong bài viết dưới đây, Luật Quang Huy sẽ giúp bạn đọc giải quyết những vấn đề liên quan tới vấn đề này.
Mọi người cũng xem:
1. Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông?
Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông đã được quy định một cách cụ thể tại Luật xử lý vi phạm hành chính như sau:
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
- Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật
Như vậy có thể hiểu, thời hạn nộp vi phạm giao thông là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp quyết định xử phạt có thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì sẽ được thực hiện theo thời hạn của quyết định.
- Trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần: Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
- Trường hợp xử phạt tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
- Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
Nếu không rơi vào các trường hợp trên thì thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Mọi người cũng xem:
2. Cách tính ngày nộp phạt vi phạm giao thông muộn?
Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Nếu người vi phạm thuộc trường hợp được phép đóng phạt nhiều lần (mức phạt trên 15 triệu đối với cá nhân, có khó khăn về kinh tế được Uỷ ban Nhân dân cấp xã xác nhận) thì sẽ được nộp phạt trong thời hạn 6 tháng.
Cụ thể được hiểu như sau:
- Hiện nay, nếu quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, tổ chức, cá nhân không nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Đồng thời, căn cứ Thông tư 153/2013/TT-BTC sửa đổi bổ sung tại Điểm a Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 105/2014/TT-BTC cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
- Theo đó:
Tiền nộp phạt = | Tiền phạt chưa nộp + | (Tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp) |
- Và nếu người vi phạm không chịu nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm:
- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập;
- Khấu trừ tiền từ tài khoản tại Ngân hàng;
- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
- Thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản…

Mọi người cũng xem:
3. Xử lý khi nộp phạt vi phạm giao thông muộn?
Trước tiên, cần biết pháp luật quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Thông tư 153/2013 của Bộ Tài chính quy định quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Nếu người vi phạm thuộc trường hợp được phép đóng phạt nhiều lần (mức phạt trên 15 triệu đối với cá nhân, có khó khăn về kinh tế được Uỷ ban Nhân dân cấp xã xác nhận) thì sẽ được nộp phạt trong thời hạn 6 tháng.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên sẽ có hai mốc thời gian người vi phạm hành chính bị coi là đóng phạt quá hạn.
- Thứ nhất, nếu thuộc trường hợp được đóng phạt nhiều lần thì thời hạn là không quá 6 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
- Thứ hai, các trường hợp còn lại thì thời hạn nộp phạt là không quá 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
Trong trường hợp của bạn, nếu bạn không thuộc trường hợp được phép đóng phạt nhiều lần mà đã quá 10 ngày vẫn chưa đi đóng phạt thì sẽ bị cho là quá hạn, phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Mọi người cũng xem:
4. Nộp phạt vi phạm giao thông muộn ở đâu?
Thực tế thì đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều địa điểm và hình thức nộp phạt thuận tiện hơn cho người vi phạm. Nếu như trước đây, người vi phạm phải trải qua ít nhất 04 lần đi lại, gồm: Đến trụ sở công an làm việc, đến kho bạc để nộp tiền, sau đó trở lại trụ sở công an để nhận giấy hẹn và cuối cùng là lại quay lại trụ sở công an để nhận lại giấy tờ.
Khi hình thức nộp phạt vi phạm giao thông online được chính thức áp dụng, người dân không cần đi đến bất cứ cơ quan nào, có thể tự ngồi ở nhà để làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt.
Theo đó, số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt.
Trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vi phạm giao thông là vấn đề khá phổ biến trong đời sống nhằm trốn tránh trách nhiệm khi vi phạm quy định pháp luật. Cách thức xử lý vấn đề này được quy định tại khoản 12 điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện (xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết, thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, thực hiện kiểm định theo quy định đối với phương tiện, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.
Sau khi người vi phạm đã đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định, thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với phương tiện.
Mọi người cũng xem:
5. Cơ sở pháp lý
- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
- Thông tư số 105/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 153/2013/TT-BTC về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
- Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về những thắc mắc liên quan đến nộp phạt vi phạm giao thông muộn theo quy định pháp luật hiện hành.
Có thể thấy, nếu không chấp hành đúng thời hạn giải quyết hoặc quyết định xử phạt, bạn có thể gặp các vấn đề pháp lý nghiêm trọng hơn. Do đó, mỗi người trước hết cần tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Đặc biệt, nếu thuộc trường hợp vi phạm cần chấp hành đúng quyết định để giảm thiểu rủi ro về mặt pháp lý.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn luật giao thông trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.
Tầm bao lâu thì thì giấy phạt nguội về nhà ạ khi vượt quad tốc độ
Quá 1 tuần mà ko thấy giấy về nhà là sẽ ko bị phải ko ạ