Nhằm giải đáp mức xử phạt khi vi phạm quy định giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến giấy phép lưu hành giao thông, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật giao thông. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006588.
Theo quy định của pháp luật, lỗi đeo tai nghe khi tham gia giao thông bị xử phạt bao nhiêu? Ai là người có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với lỗi đeo tai nghe khi tham gia giao thông? Trong bài viết này Luật Quang Huy sẽ giúp bạn giải đáp.
1. Có được đeo tai nghe khi tham gia giao thông không?
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người điều khiển xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính khi tham gia giao thông.
Như vậy, người tham gia giao thông không được đeo tai nghe khi lái xe (trừ thiết bị trợ thính). Sở dĩ, pháp luật cho phép thiết bị trợ thính được sử dụng bởi lẽ: Đây là một thiết bị điện tử nhỏ có thể đặt trong tai hoặc phía sau tai. Nó khuếch đại âm thanh giúp cho người nghe kém có thể giao tiếp, hoạt động bình thường. Có thể giúp người bị mất thính lực nghe rõ trong không gian tĩnh lặng cũng như khi ồn ào.
Pháp luật quy định không được đeo tai nghe khi tham gia giao thông vì những lý do sau đây:
- Đeo tai nghe khi tham gia lái xe sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều khiển phương tiện giao thông. Bởi vì khi điều khiển xe cần có sự tập trung cao;
- Đeo tai nghe có thể khiến bạn bị phân tâm và dễ gây ra tai nạn không đáng có;
- Chắn bớt âm thanh làm người lái xe không chú ý được xung quanh;
- Không kịp nghe thấy tín hiệu xin đường, tiếng còi xe hay hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; dẫn đến những tai nạn bất ngờ và đáng tiếc;
- Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về tai nạn giao thông.
2. Đeo tai nghe chỉ đường khi lái ô tô có bị phạt không?
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, yêu cầu không sử dụng thiết bị âm thanh khi tham gia giao thông chỉ được đặt ra đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy.
Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt lại không có quy định xử phạt đối với người điều khiển ô tô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh. Vì vậy, sử dụng tai nghe khi điều khiển ô tô không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, lỗi đeo tai nghe khi tham gia giao thông bằng ô tô sẽ không bị coi là hành vi vi phạm hành chính. Do đó, hành vi đeo tai nghe chỉ đường khi lái ô tô sẽ không bị phạt.
Tuy nhiên, dù không bị xử phạt những việc đeo tai nghe cũng ít nhiều gây sao nhãng đối với người tham gia giao thông. Do vậy, người lái xe cũng cần hạn chế sử dụng tai nghe khi điều khiển ô tô.

3. Mức phạt lỗi đeo tai nghe khi tham gia giao thông
Điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Như vậy, khi lôi đeo tai nghe khi tham gia giao thông hướng dẫn chỉ đường, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (theo điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ).
4. Thẩm quyền xử lý vi phạm đối với lỗi đeo tai nghe khi tham gia giao thông
Những người sau sẽ có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với lỗi đeo tai nghe khi tham gia giao thông:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt trong phạm vi quản lý của địa phương;
- Cảnh sát giao thông;
- Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;
- Trưởng Công an cấp xã;
- Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ;
- Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa;
- Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt;
- Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường.
5. Cơ sở pháp lý
- Luật giao thông đường bộ 2008;
- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020;
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
- Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề lỗi đeo tai nghe khi tham gia giao thông theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật giao thông trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.
Trân trọng./.