Những hậu quả của hôn nhân cận huyết thống chúng ta cần lưu ý

Những hậu quả của hôn nhân cận huyết thống
Nhằm giải đáp thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ hôn nhân và quan hệ trong gia đình như tảo hôn, quyền và nghĩa vụ các bên, Luật Quang Huy bổ sung đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến luật hôn nhân và gia đình hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Bên cạnh tình trạng tảo hôn thì hôn nhân cận huyết thống đang xảy ra phổ biến, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn và có xu hướng gia tăng. Có thể người dân chưa hiểu rõ hậu quả hôn nhân cận huyết đến cuộc sống sau này như thế nào? Hôn nhân cận huyết thống xử lý như thế nào? Với bài viết sau đây, Luật Quang Huy chúng tôi cung cấp thông tin xoay quanh hôn nhân cận huyết thống để giúp mọi người hiểu rõ hơn hậu quả của hôn nhân cận huyết thống:


Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014
  • Nghị định 110/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
  • Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP
  • Văn bản hợp nhất 01/2017/ VBHN-VPQH Bộ luật Hình sự

Hôn nhân cận huyết thống là gì?

      Hôn nhân cận huyết thống là thuật ngữ được nhắc đến khá nhiều trên thực tế. Nhưng không phải ai cũng hiểu chính xác về khái niệm này. Vậy hôn nhân cận huyết thống là gì? Vì sao vấn đề này lại được quan tâm đến thế?

      Hôn nhân cận huyết thống là khái niệm chung để chỉ mối quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc, có quan hệ huyết thống cận kề. Đó có thể là quan hệ hôn nhân giữa những người có cùng huyết thống trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời.

      Theo quy định khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, người cùng huyết thống trực hệ được hiểu là:

Những người cùng huyết thống trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.

      Theo quy định khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, người có họ trong phạm vi ba đời là:

Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Hôn nhân cận huyết thống là gì

      Hai bên nam nữ có cùng huyết thống trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời kết hôn với nhau sẽ đưa đến kết quả là cuộc hôn nhân cận huyết thống. Hôn nhân cận huyết thống để lại hậu quả rất nặng nề cho những đứa trẻ được sinh ra. Chúng ta cần nhìn nhận rõ hơn về quan hệ này cũng như hậu quả của nó để có lựa chọn phù hợp.


Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống

      Ngoài những khó khăn về đời sống kinh tế – xã hội cùng với những suy nghĩ lạc hậu, sai lầm, quan hệ hôn nhân cận huyết thống đang là nguyên nhân làm suy giảm sức khoẻ, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi ở một số dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương vùng miền núi.

      Hôn nhân cận huyết thống để lại những hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

  • Đối với vấn đề sức khỏe của những đứa trẻ sinh ra

      Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có mối quan hệ họ hàng gần gũi với nhau và gây nguy cơ suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi. Những trẻ em được sinh ra từ cha mẹ có quan hệ hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, suy giảm sức khỏe, vì hôn nhân cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gen lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau.

      Những bệnh mà đứa trẻ sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống thường mắc phải như: tan máu bẩm sinh, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, bệnh hồng cầu liềm, các bệnh dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, lùn, ốm yếu mù màu, bạch tạng, da vảy cá mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh lại di truyền tiếp cho thế hệ sau làm cho suy thoái giống nòi dần.

      Những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống thì có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh bệnh tan máu bẩm sinh di truyền (Thalassemia). Việt Nam được xếp vào khu vực có nguy cơ cao với trên 5 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Tỷ lệ mang gen bệnh cao tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh Thalassemia, người bệnh cần phải điều trị suốt cả cuộc đời với chi phí rất tốn kém, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, để lại những hậu quả rất nặng nề cho thế hệ tương lai.

      Kết hôn cận huyết thống làm cho các chủ thể rơi vào vòng luẩn quẩn: Đói nghèo – thất học – đói nghèo. Thực tế cho thấy, các tỉnh có tỷ lệ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao thì cũng là tỉnh có tỷ lệ hộ đói nghèo cao và ngược lại.

Những hậu quả của hôn nhân cận huyết thống

  • Đối với xã hội

      Bên cạnh hậu quả đối với cá nhân đứa trẻ sinh ra, hôn nhân cận huyết còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến văn hóa, đạo đức gia đình, phá vỡ các mối quan hệ đang tồn tại giữa các dòng tộc, gia đình và làm xói mòn, biến đổi giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

      Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực của của vùng dân tộc thiểu số nói riêng và của cả nước nói chung. Đó là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số, của một quốc gia. Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi; thêm nữa là tăng áp lực và chi phí của xã hội để chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền, bệnh tật…

      Có thể nói, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện nay vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.


Hôn nhân cận huyết thống bị xử lý như thế nào?

   Hủy kết hôn trái pháp luật

       Hôn nhân cận huyết thống xây dựng trên cơ sở việc kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Đây là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Do đó, cuộc hôn nhân cận huyết thống bị coi là kết hôn trái pháp luật và sẽ bị hủy theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

      Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống để lại rất nghiêm trọng. Khi thực hiện hành vi bị cấm thì sẽ bị áp dụng chế tài xử lý. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả của nó mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

   Về mức xử phạt vi phạm hành chính

      Theo quy định điểm d Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, việc kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

  Về xử lý hình sự

      Bộ luật hình sự không quy định về tội xây dựng hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, khi xác định kết hôn với nhau, để duy trì hạnh phúc gia đình, không thể không có đời sống tình dục chung. Và từ đó, có thể dẫn tới hành vi cấu thành tội loạn luân quy định tại Điều 184 Bộ luật hình sự năm 2015:

Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

      Như vậy, tùy vào từng trường hợp đối với hôn nhân cận huyết thống, sẽ có hình thức xử phạt khác nhau, Có thể xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Nếu hành vi và hậu quả để lại có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự với hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.


      Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề xoay quanh hôn nhân cận huyết thống, hậu quả và cách thức xử lý. Nếu có thắc mắc về vấn đề nà3y, bạn vui lòng liên hệ tới Luật sư tư vấn hôn nhân và gia đình chúng tôi qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.

      Trân trọng./.


5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Thị Kim Lan
Luật sư Nguyễn Thị Kim Lan
Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Nguyên là Chánh tòa kinh tế, phó chánh tòa hình sự tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top