Bán thực phẩm chức năng có cần giấy phép?

Bán thực phẩm chức năng có cần giấy phép?
Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ xin tất cả các loại giấy phép con, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh mà bạn cần. Vui lòng gọi hotline 1900.6671 (trong giờ hành chính) hoặc số điện thoại 09.678910.86 (ngoài giờ hành chính) để được tư vấn giải đáp miễn phí. Xin cảm ơn.

Bạn không biết bán thực phẩm chức năng có cần giấy phép hay không? Bạn không nắm rõ điều kiện, thủ tục hay hồ sơ liên quan đến thực phẩm chức năng được cấp phép như thế nào?

Bài viết dưới đây, Luật Quang Huy hy vọng sẽ cung cấp đến bạn đầy đủ và chính xác thông tin về vấn đề này để bạn có thể tham khảo.


1. Thực phẩm chức năng là gì?

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.


2. Điều kiện về ngành nghề bán thực phẩm chức năng bao gồm những gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện đối với địa điểm cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng bao gồm:

  • Đối với cơ sở nhập khẩu phải có kho hoặc khu vực bảo quản riêng phù hợp yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất;
  • Việc kinh doanh thực phẩm chức năng trong cơ sở bán lẻ thuốc phải bố trí có khu bày bán riêng, chỉ dẫn khu vực và biển tên đối với thực phẩm chức năng;
  • Có đủ diện tích để bố trí các khu vực bày bán thực phẩm, khu vực chứa đựng, bảo quản và thuận tiện để vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm;
  • Không bị ngập nước, đọng nước;
  • Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác;
  • Kết cấu cơ sở kinh doanh phù hợp với tính chất, quy mô; xây dựng bằng vật liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn;
  • Tường, trần nhà nhẵn, sáng màu, làm bằng vật liệu bền, chắc, không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc, đọng nước và dính bám các chất bẩn;
  • Khu vực vệ sinh phải được bố trí ngăn cách với khu vực kinh doanh thực phẩm; cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm;
  • Có hệ thống sổ sách hoặc phần mềm quản lý thực phẩm trong suốt quá trình kinh doanh.

Bên cạnh đó, điều kiện đối với thiết bị, dụng cụ kinh doanh thực phẩm chức năng bao gồm:

  • Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được thiết kế chế tạo bảo đảm an toàn; được làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm thực phẩm; phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng. Đối với trang thiết bị, dụng cụ sản xuất cơ động phải bền, dễ di chuyển, tháo lắp và dễ làm vệ sinh;
  • Có đủ thiết bị phục vụ kinh doanh, bảo quản và kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm phù hợp theo yêu cầu của nhà sản xuất; có quy định về quy trình, chế độ vệ sinh đối với cơ sở;
  • Có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên.

3. Những giấy phép cần thiết để kinh doanh thực phẩm chức năng bao gồm những gì?

Tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh muốn kinh doanh thực phẩm chức năng cần có những giấy phép sau:

  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm;
  • Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.

4. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng bao gồm những bước gì?

Tổ chức, cá nhân khi muốn thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng cần phải thực hiện 2 bước sau đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh thực phẩm chức năng tại phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 1 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
  • Điều lệ doanh nghiệp;
  • Bản sao CMND, hộ chiếu hay giấy chứng nhận có hoạt động của tổ chức;
  • Danh sách thành viên;
  • Giấy ủy quyền nếu chủ doanh nghiệp không trực tiếp tiến hành.

Bước 2: Các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, thành lập công ty kinh doanh thực phẩm chức năng:

  • Mở tài khoản ngân hàng, xác nhận và đăng ký với cơ quan pháp luật;
  • Kê khai, nộp thuế đầy đủ và đăng ký chữ ký số nhằm mục đích nộp thuế online;
  • Phát hành, in, mua hóa đơn mà doanh nghiệp sẽ sử dụng;
  • Khắc dấu, con dấu cần có đủ thông tin của công ty và công bố trên hệ thống thông tin.

5. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm những bước gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm những bước như sau:

  • Tổ chức, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:
  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng (bản sao có xác nhận của cơ sở);
  • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở);
  • Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;
  • Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
  • Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 35 của Luật An toàn thực phẩm;
  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bán thực phẩm chức năng có cần giấy phép?
Bán thực phẩm chức năng có cần giấy phép?

6. Thủ tục xin cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định kiện an toàn thực phẩm bao gồm những bước gì?

6.1. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị 02 bộ hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định kiện an toàn thực phẩm bao gồm:

  • Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng;
  • Phiếu kết quả kiểm nghiệm (về chỉ tiêu lý hóa, chỉ tiêu vi sinh và các chỉ tiêu kim loại nặng);
  • Nhãn sản phẩm hoặc ảnh chụp nhãn sản phẩm và dự thảo nội dung ghi nhãn (có đóng dấu của thương nhân); Mẫu có gắn nhãn (nếu có yêu cầu);
  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Công bố thực phẩm chức năng nhập khẩu từ nước ngoài;
  • Phiếu kết quả kiểm nghiệm (về chỉ tiêu lý hóa, chỉ tiêu vi sinh và các chỉ tiêu kim loại nặng) – Certificate of Analysis của nhà sản xuất được cấp bởi cơ quan kiểm định độc lập tại nước xuất xứ;
  • Bản sao có công chứng nước ngoài hoặc trong nước của một trong các giấy chứng nhận sau: GMP (thực hành sản xuất tốt); HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn); hoặc giấy chứng nhận tương đương;
  • Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale) và Giấy chứng nhận y tế (Health Certificate) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất xứ.

6.2. Bước 2: Nộp hồ sơ

Cơ sở sản xuất, kinh doanh nộp hồ sơ đến Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

Nộp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi;

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm của cả Bộ Y tế và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn nộp hồ sơ đến Bộ Y tế hoặc sản phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký của cơ quan nào thì nộp hồ sơ đăng ký đến cơ quan tiếp nhận đó.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ làm thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn (trừ những sản phẩm đăng ký tại Bộ Y tế). Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để đăng ký thì các lần đăng ký tiếp theo phải đăng ký tại cơ quan đã lựa chọn.

6.3. Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi và 21 ngày làm việc đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cơ quan tiếp nhận quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm.

Thời gian thẩm định hồ sơ tính từ thời điểm hồ sơ được nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc theo dấu đến của cơ quan tiếp nhận (trong trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp).

Trong trường hợp không đồng ý với hồ sơ công bố sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời. Sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.

Trường hợp sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải công bố lại sản phẩm. Các trường hợp có sự thay đổi khác, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm có trách nhiệm nộp phí thẩm định hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

6.4. Bước 4: Trả kết quả

Sau khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hợp lê, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm có trách nhiệm thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.


7. Bán thực phẩm chức năng online có cần giấy phép không?

Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh thực phẩm chức năng online cần có giấy phép đăng ký kinh doanh thực phẩm chức năng. Điều này áp dụng với cả các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể đã thành lập trước đó.

Điều kiện để cấp giấy đăng ký kinh doanh thực phẩm chức năng dành cho tổ chức, cá nhân kinh doanh online bao gồm:

  • Có mã ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp, không vi phạm các ngành cấm của pháp luật;
  • Đảm bảo các yếu tố về cơ sở vật chất và trang thiết bị;
  • Có giấy chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm;
  • Để có thể đảm bảo điều kiện đăng ký kinh doanh TPCN, chủ kinh doanh cần phải có giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm (được quy định tại Thông tư số 26/2021/TT-BYT ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt);
  • Thực hiện đăng ký công bố sản phẩm;
  • Thực hiện tại Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế hoặc Sở y tế;
  • Thực hiện thông báo Bộ Công thương về website thương mại dùng để bán hàng online.

8. Cơ sở pháp lý

  • Luật An toàn thực phẩm năm 2018;
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 1 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm;
  • Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về xin cấp giấy phép bán thực phẩm chức năng cũng như các vấn đề pháp lý liên quan.

Luật Quang Huy không chỉ là địa chỉ uy tín trong việc tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà còn có bề dày kinh nghiệm trong việc xin các giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trong quá trình giải quyết vấn đề nếu còn có thắc mắc hay chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi tới Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp, hướng dẫn chi tiết.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

GỌI BÁO GIÁ CHI TIẾT

Scroll to Top