Thủ tục xin công văn nhập cảnh

Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ xin tất cả các loại giấy tờ cần thiết cho người nước ngoài. Vui lòng gọi hotline 1900.6671 (trong giờ hành chính) hoặc số điện thoại 0369.246.588 (ngoài giờ hành chính) để được tư vấn giải đáp miễn phí. Xin cảm ơn.

Công văn nhập cảnh là văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng ý cho cá nhân hay đoàn thể người nước ngoài được phép nhập cảnh một lần hay nhiều lần vào Việt Nam.

Để nắm rõ được các quy định về xin công văn nhập cảnh, xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây, Luật Quang Huy sẽ chỉ rõ để các bạn hiểu về điều kiện, hồ sơ và thủ tục đăng ký cấp công văn nhập cảnh.


1. Mẫu công văn xin nhập cảnh cho người nước ngoài

Căn cứ Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2015 của Bộ Công an quy định về mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, công văn xin nhập cảnh cho người nước ngoài là mẫu NA2 được quy định như sau:

TẢI MẪU CÔNG VĂN XIN NHẬP CẢNH CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI


2. Đối tượng được cấp công văn bảo lãnh nhập cảnh Việt Nam được quy định thế nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các trường hợp dưới đây được cấp công văn nhập cảnh, bao gồm:

  • Người nước ngoài đến từ nước không có cơ quan thẩm cấp visa Việt Nam;
  • Trước khi đến Việt Nam phải đi qua nhiều nước;
  • Đương đơn vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức;
  • Thuyền viên nước ngoài đang ở trên tàu đậu tại cảng biển Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu nước khác;
  • Người nước ngoài đến Việt Nam dự tang lễ thân nhân hoặc người thân đang ốm nặng;
  • Nhập cảnh Việt Nam để tham gia xử lý sự cố khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai hoặc vì một vài lý do đặc biệt theo đề nghị của cơ quan thẩm quyền Việt Nam;
  • Ngoài ra, một số đối tượng người nước ngoài khác như chuyên gia, nhà đầu tư, thân nhân của người nước ngoài,… cũng được hỗ trợ xin công văn nhập cảnh Việt Nam.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, Bộ Công an ban hành Hướng dẫn Về việc đề nghị xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo bảo lãnh của cơ quan, tổ chức trong giai đoạn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, những đối tượng được cấp công văn nhập cảnh bao gồm:

  • Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên gia); thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của chuyên gia nước ngoài; học sinh, sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam;
  • Các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam mời, đón, bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3. Điều kiện cấp công văn nhập cảnh bao gồm những gì?

3.1. Điều kiện xin cấp công văn nhập cảnh

Theo quy định tại Điều 10, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, điều kiện để cấp công văn nhập cảnh bao gồm:

  • Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
  • Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 của Luật này;
  • Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.
Thủ tục xin công văn nhập cảnh
Thủ tục xin công văn nhập cảnh

3.2. Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực (visa)

Các trường hợp phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh khi đề nghị cấp thị thực bao gồm:

  • Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;
  • Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
  • Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
  • Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.

3.3. Các trường hợp chưa cho phép nhập cảnh

Theo quy định tại Điều 21, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, các trường hợp chưa cho nhập cảnh bao gồm:

  • Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;
  • Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng;
  • Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú;
  • Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng;
  • Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực;
  • Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực;
  • Vì lý do phòng, chống dịch bệnh;
  • Vì lý do thiên tai;
  • Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phân loại công văn nhập cảnh bao gồm những gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuỳ thuộc vào mục đích nhập cảnh vào Việt Nam, địa điểm nhận công văn nhập cảnh vào Việt Nam, và thời hạn nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam nên công văn nhập cảnh được phân loại như sau:

  • Theo địa điểm nhận visa: Cửa khẩu sân bay quốc tế, cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường thuỷ, đại sứ quán/ lãnh sự quán Việt Nam tại các nước;
  • Theo mục đích vào Việt Nam: du học, du lịch, thăm thân, công tác, xuất khẩu lao động,…
  • Thời thời hạn visa và số lần ra vào Việt Nam: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm; 1 lần hoặc nhiều lần.

5. Hồ sơ xin công văn nhập cảnh bao gồm những giấy tờ gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức cần những tài liệu trong hồ sơ xin công văn nhập cảnh bao gồm:

  • Công văn xin nhập cảnh cho người nước ngoài (theo mẫu NA2 tại Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2015 của Bộ Công an quy định về mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam);
  • Sổ hộ chiếu hoặc bản scan hộ chiếu của người nước ngoài còn hạn;
  • Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức (mẫu NA16 tại Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2015 của Bộ Công an quy định về mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam);
  • Bản chính hoặc Bản sao y công chứng Công văn chấp thuận nhập cảnh của Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố;
  • Giấy giới thiệu/ uỷ quyền người đi nộp hồ sơ;
  • Giấy tờ pháp lý của người đi nộp hồ sơ.

6. Thủ tục xin công văn nhập cảnh bao gồm những bước nào?

6.1. Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Các cá nhân, đoàn thể có nhu cầu xin công văn nhập cảnh cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như trên và nộp ở Cục quản lý xuất nhập cảnh.

6.2. Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn từ 05 – 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài phải thanh toán với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khoản cước.

6.3. Bước 3: Trả kết quả

Sau khi xác minh hồ sơ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định pháp luật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp công văn nhập cảnh cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.


7. Cơ quan nhận giải quyết hồ sơ xin công văn nhập cảnh

Theo quy định hiện nay, cá nhân, tổ chức muốn nhập cảnh vào Việt Nam nộp hồ sơ xin công văn nhập cảnh cho người nước ngoài tại Cục quản lý xuất nhập cảnh của 1 trong 3 Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ:

  • Cục quản lý xuất nhập cảnh tại Hà Nội: 44 – 46 Trần Phú, Quận Ba Đình, Hà Nội.
  • Cục quản lý xuất nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh: 254 Nguyễn Trãi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
  • Cục quản lý xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng: 7 Trần Quý Cáp, TP. Đà Nẵng.

8. Lệ phí xin công văn nhập cảnh

Lệ phí xin công văn nhập cảnh không có một mức giá cụ thể. Bởi lệ phí còn tùy thuộc vào thời gian nhập cảnh theo nhu cầu của cá nhân, tổ chức nước ngoài. Sau đây là một số loại công văn nhập cảnh với lệ phí cụ thể. Lệ phí nhà nước dán thị thực (visa) nộp bằng USD:

  • Loại có giá trị một lần: 25 USD;
  • Loại 03 tháng nhiều lần: 50 USD/chiếc;
  • Loại giá trị trên 03 đến 06 tháng: 95 USD/chiếc;
  • Loại giá trị trên 06 đến 01 năm: 135 USD/chiếc;
  • Loại giá trị trên 01 năm đến 02 năm: 145 USD/chiếc;
  • Loại giá trị trên 02 năm đến 05 năm: 155 USD/chiếc.

Trên đây là lệ phí bắt buộc phải nộp cho cơ quan Nhà nước khi tiếp nhận hồ sơ xin công văn nhập cảnh. Ngoài ra, còn có phí liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ thủ tục…

Các trường hợp đã nộp phí, lệ phí nhưng không đủ điều kiện cấp các giấy tờ liên quan hoặc từ kết quả xử lý hồ sơ, tổ chức thu phí, lệ phí sẽ không phải hoàn trả số tiền phí lệ phí đã thu.


9. Cơ sở pháp lý

  • Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014;
  • Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2015 của Bộ Công an quy định về mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về xin công văn xuất nhập cảnh. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Luật Quang Huy không chỉ cung cấp tổng đài tư vấn pháp luật liên quan đến xin công văn xuất nhập cảnh mà còn là công ty cung cấp dịch vụ xin công văn xuất nhập cảnh trọn gói.

Nếu nội dung bài viết còn chưa rõ, hoặc bạn cần tư vấn, hỏi đáp thêm về dịch vụ hỗ bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY!

Scroll to Top
Mục lục