Lỗi vi phạm xe không chính chủ bị xử phạt thế nào?

Lỗi vi phạm xe không chính chủ
Nhằm giải đáp mức xử phạt khi vi phạm quy định giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến giấy phép lưu hành giao thông, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật giao thông. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Pháp luật quy định như thế nào về xe không chính chủ? Nếu có thì đi xe đứng tên người khác có bị phạt lỗi vi phạm xe không chính chủ hay không? Mức phạt đối với lỗi vi phạm xe không chính chủ là bao nhiêu? Trong bài viết này Luật Quang Huy sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.


1. Thế nào là xe không chính chủ?

Xe không chính chủ hay còn gọi là không thực hiện sang tên xe đúng quy định trong các trường hợp mua bán, tặng cho, thừa kế, điều chuyển, phân bổ…

Theo đó, tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có đặt ra yêu cầu đối với việc chuyển quyền sở hữu xe phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số. Nếu không thực hiện sang tên trong thời hạn 30 ngày, người sử dụng xe sẽ bị phạt vi phạm.


2. Đi xe đứng tên người khác có bị phạt lỗi không chính chủ?

Hiện nay không có văn bản pháp luật nào giải thích chính xác về lỗi xe không chính chủ. Cùng với đó, do việc đưa tin không chính xác từ một số tờ báo khiến nhiều người hiểu nhầm rằng “đi xe chính chủ” nghĩa là cá nhân, tổ chức chỉ được điều khiển phương tiện giao thông đăng ký dưới tên của mình, nếu không sẽ bị phạt. Tuy nhiên, việc hiểu như vậy là chưa chính xác. Bởi căn cứ theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, chỉ những trường hợp cá nhân mua, được tặng cho, thừa kế,… xe mà không làm thủ tục sang tên mới bị xử phạt.

Như vậy, có thể khẳng định, trường hợp tham gia giao thông bằng xe đứng tên của người khác mà do mượn hợp pháp từ bạn bè, người thân thì sẽ không bị phạt về lỗi xe không chính chủ.

Lỗi vi phạm xe không chính chủ
Lỗi vi phạm xe không chính chủ

3. Cảnh sát giao thông có được phạt khi kiểm tra giấy tờ thấy đi xe không chính chủ?

Căn cứ khoản 10 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, việc xác minh để phát hiện vi phạm về lỗi không sang tên xe sau khi chuyển quyền sở hữu chỉ được thực hiện qua 02 cách sau:

  • Công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;
  • Công tác đăng ký xe.

Điều này đồng nghĩa rằng, nếu trong quá trình giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện chủ xe đã chuyển quyền sở hữu nhưng chưa sang tên hoặc đi sang tên sau thời hạn 30 ngày, chủ xe mới bị phạt lỗi không chính chủ. Do đó, khi tham gia giao thông mà bị Cảnh sát giao thông gọi vào kiểm tra hành chính, người điều khiển chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ gồm:

  • Giấy đăng ký xe;
  • Bằng lái xe;
  • Bảo hiểm bắt buộc xe máy hoặc xe ô tô;
  • Giấy đăng kiểm xe (chỉ áp dụng đối với ô tô);

Dù thấy tên trên giấy đăng ký xe không phải là người điều khiển phương tiện, cảnh sát giao thông cũng không được phép xử phạt vi phạm lỗi không chính chủ. Nếu cố tình xử phạt, cảnh sát giao thông sẽ bị coi là thực hiện trái quy định.


4. Mức phạt lỗi vi phạm xe không chính chủ

Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định về mức phạt đối với lỗi vi phạm xe không chính chủ như sau:

  • Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

5. Cơ sở pháp lý

  • Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
  • Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề lỗi vi phạm xe không chính chủ theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật giao thông trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự, đất đai, hành chính,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top