Điều kiện, thủ tục hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19

Điều kiện thủ tục hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19
Nếu có vấn đề cần giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội, bạn vui lòng liên hệ ngay qua số điện thoại Tổng đài hỏi đáp bảo luật hiểm xã hội 19006573 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và có xu hướng kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Ngày 24/04/2020 thủ tướng ban hành quyết định 15/2020/QĐ-TTg thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 chính thức đưa ra thủ tục hồ sơ đầy đủ để tiến hành hưởng chế độ hỗ trợ này.

Sau đây Luật Quang Huy chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu hơn cho bạn đọc về Điều kiện thủ tục hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19.


1. Đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 theo nghị quyết 42 NĐ/CP

Theo Nghị quyết của chính phủ số 42/NQ-CP thì có 6 đối tượng được hưởng trợ cấp Covid-19 sẽ được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ như sau:

  • Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
  • Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần
  • Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.
  • Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng.
  • Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc
  • Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.
  • Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Lưu ý: Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc điện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết này chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Điều kiện thủ tục hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19

Dưới đây Luật Quang Huy chúng tôi sẽ hướng dẫn về điều kiện thủ tục hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19.


2. Đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương

2.1 Điều kiện hưởng

Đối với đối tượng này thì người lao động được nhận hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

  • Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 01 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01 tháng 04 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 06 năm 2020.
  • Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
  • Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31 tháng 03 năm 2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

2.2 Hồ sơ, thủ tục hưởng

Chuẩn bị hồ sơ đề nghị để hưởng chế độ theo Nghị quyết 42 được thực hiện kèm theo phụ lục của quyết định 15/2020/QĐ-TTg như sau:

  • Doanh nghiệp tiến hành kê khai theo mẫu số 01: Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương;
  • Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hằng nghỉ việc không lương;
  • Bản sao báo cáo tài chính năm 2019, quý I năm 2020 và các giấy tờ chứng minh tài chính khác của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lập danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đảm bảo điều kiện theo quy định trên, đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách này.

Trong 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được danh sách theo đề nghị của doanh nghiệp cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động có liên tục tính đến thời điểm trước khi bị tạm hoãn hợp đồng lao động và gửi doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đến Uỷ Ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.


3. Đối tượng hộ kinh doanh

3.1 Điều kiện hưởng

Đối với đối tượng này thì hộ gia đình được nhận hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

  • Doanh thu do cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với hộ kinh doanh năm 2020 dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15 tháng 01 năm 2020 theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
  • Tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 04 năm 2020 theo quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện chỉ thị số 15/CT/TTg ngày 27 tháng 03 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

3.2 Hồ sơ, thủ tục hưởng

Hồ sơ đề nghị để hưởng chế độ theo Nghị quyết 42 được thực hiện kèm theo phụ lục của quyết định 15/2020/QĐ-TTg bao gồm các mẫu tờ khai:

  • Chủ hộ kinh doanh tiến hành kê khai theo mẫu số 02: Đề nghị hỗ trợ (dành cho hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm).
  • Bản sao Thông báo nộp thuế theo Mẫu số 01/TBT-CNKD ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC

Nộp hồ sơ tại: Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong 05 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận vè việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh, niêm yết công khai, tổng hợp báo cáo gửi Chi cục thuế. Trong 02 ngày làm việc, chi cục Thuế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp.

Trong thời gian 03 ngày, Ủy ban Nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp, tỉnh Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định danh sách và kinh phí hỗ trợ đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.


4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

4.1 Điều kiện hưởng

Đối với đối tượng này thì người lao động được nhận hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

  • Có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 01 tháng 04 năm 2020 và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  • Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 04 năm 2020 đến hết ngày 15 tháng 06 năm 2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định;
  • Không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ.

4.2 Hồ sơ, thủ tục hưởng

Người lao động tiến hành kê khai theo mẫu 03 Đề nghị hỗ trợ (Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp) và chuẩn bị bản sao 1 trong các giấy tờ sau:

  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết thời hạn hoặc hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
  • Quyết định thôi việc;
  • Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
  • Bản sao Sổ bảo hiểm xã hội hoặc xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp không có Sổ bảo hiểm xã hội thì người lao động nêu rõ lý do trong giấy đề nghị.

Người lao động nộp hồ sơ tại: Ủy ban nhân dân cấp xã

Uỷ ban nhân dân cấp xã rà soát và xác nhận mức thu nhập, tổng hợp danh sách trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong 02 ngày làm việc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.


Điều kiện thủ tục hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19
Điều kiện thủ tục hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19

5. Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm

5.1 Điều kiện hưởng

Đối với đối tượng này thì người lao động được nhận hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

  • Mất việc làm và có mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ, trong thời gian từ ngày 01 tháng 04 năm 2020 đến ngày 30 tháng 06 năm 2020.
  • Cư trú hợp pháp tại địa phương ( có xác nhận tạm trú hoặc là nơi có hộ khẩu thường trú).
  • Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom rác phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách, bán lẻ sổ số lưu dộng, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh việc ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các đối tượng được hỗ trợ ngoài các đối tượng trên từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Nguồn kinh phí hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động được ảo đảm từ các nguồn tài chính hợp pháp của các công ty xổ số kiến thiết và được hạch toán vào chi phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5.2 Hồ sơ, thủ tục hưởng

Người lao động tiến hành kê khai và nộp hồ sơ theo mẫu số 04 Đơn đề nghị (dành cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm).

Nơi nộp hồ sơ: Người lao động gửi hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp xã sau ngày 15 hàng tháng. Trường hợp người lao động có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách này và ngược lại.

Trong 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị – xã hội công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 02 ngày làm việc, tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.


6. Đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội

6.1 Điều kiện hưởng

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (bao gồm cả người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hằng tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4 năm 2020.

Đối với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 của địa phương cấp có thẩm quyền quyết định công nhận theo chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định số 59/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính Phủ, trong thời gian từ ngày 01 tháng 04 năm 2020 đến ngày 30 tháng 06 năm 2020. Danh sách được lập theo mẫu 08 Danh sách người thuộc hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ và mẫu số 09 Danh sách người thuộc hộ cận nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ

Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng, trong danh sách hưởng trợ cấp xã hội tháng 4 năm 2020 theo mẫu 07 danh sách hỗ trợ người có công gặp khó khăn do đại dịch COVID 19.

6.2 Thủ tục hưởng

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, xem xét, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ theo mẫu số 06 danh sách hỗ trợ người có công gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do cấp tỉnh lập đồng thời thực hiện chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.


7. Đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động

7.1 Điều kiện để được vay vốn

Điều kiện để người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động như sau:

  • Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng trở lên. Đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 04 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 06 năm 2020;
  • Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc;
  • Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2019.

7.2 Hồ sơ thủ tục xác nhận phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện được vay vốn

Người sử dụng lao động phải kê khai các mẫu đơn sau:

  • Mẫu đơn số 11 đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.
  • Mẫu số 12 danh sách người lao động ngừng làm việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Chậm nhất 05 ngày hằng tháng, người sử dụng lao động có nhu cầu gửi hồ sơ đề nghị đến ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú( đối với hộ kinh doanh, cá nhân).

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định tổng hợp danh sách theo mẫu số 13 danh sách người lao động được vay vốn trả lương cho người lao động ngừng việc, trình chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp huyện Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh sách theo mẫu 14: Danh sách người lao động ngừng việc gửi chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và người sử dụng lao động trong danh sách. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.


8. Cơ sở pháp lý

  • Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
  • Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Trên đây là các vấn đề pháp lý về Điều kiện thủ tục hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch Covid-19 cũng như các lưu ý cần thiết mà người lao động phải nắm được khi đi hưởng chế độ theo nghị quyết 42. Nếu còn bất kỳ vấn đề gì chưa rõ hoặc thắc mắc, vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ giải đáp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Mục lục
Scroll to Top