Nhằm giải đáp thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ hôn nhân và quan hệ trong gia đình như tảo hôn, quyền và nghĩa vụ các bên, Luật Quang Huy bổ sung đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến luật hôn nhân và gia đình hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588.
Hiện nay những bạn sinh viên, bạn trẻ có cuộc sống xa gia đình, tự lập nơi đất khách quê người thường có xu hướng cùng chung sống với người yêu để vun đắp tình cảm, chia sẻ áp lực về học hành, công việc, kinh tế hay đơn giản là nhằm tìm hiểu về đối phương để tránh việc kết hôn sai lầm. Việc sống thử trước hôn nhân diễn ra rất phổ biến tuy nhiên những hệ lụy mà sống thử đem đến cũng nên được chúng ta xem xét và cân nhắc. Hiểu được vấn đề này, Luật Quang Huy chúng tôi xin gửi tới bạn các thông tin về vấn đề có nên sống thử trước hôn nhân hay không?
Cơ sở pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Sống thử là gì?
Hiện nay không có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể sống thử là gì? Tuy nhiên có thể hiểu sống thử là việc nam nữ về sống chung với nhau như các cặp vợ chồng mà không tổ chức hôn lễ và không tiến hành đăng ký kết hôn. Việc chung sống như vợ chồng này diễn ra trước hôn nhân giữa những người đang độc thân trên cơ sở tự nguyện nhằm mục đích tìm hiểu đối phương trước khi đưa ra quyết định về chung một nhà.
Sống thử trước hôn nhân
Đối với những người trong cuộc, việc sống thử là phù hợp, là lựa chọn mà họ cho là tốt nhất. Tuy nhiên cũng bởi vì những chuẩn mực xã hội, thuần phong mỹ tục của nền văn hóa nước ta và cả những hậu quả mà vấn đề sống thử trước hôn nhân đem đến sau này nên việc sống thử luôn nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người.
Sống thử trước hôn nhân có vi phạm pháp luật không?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cấm hai người đã trưởng thành mà chưa có vợ, có chồng, chung sống cùng nhau và cư trú ở một nơi ở hợp pháp.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định về trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Sống thử trước hôn nhân không phải là hành vi bị cấm nếu cả hai bên nam nữ còn đang độc thân, không tồn tại quan hệ hôn nhân. Nếu hai người chỉ chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Có thể thấy pháp luật không cấm nhưng cũng không khuyến khích việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Việc sống thử trước hôn nhân mà không đăng ký kết hôn có thể phát sinh những hậu quả pháp lý về sau ảnh hưởng đến quyền lợi của cả hai bên nam nữ. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích của mình một cách tốt nhất, cần suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định sống thử trước hôn nhân.
Có nên sống thử trước hôn nhân hay không?
Thực trạng sống thử hiện nay diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn nơi có nhiều trường đại học hoặc các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Tuy nhiên trước khi đưa ra quyết định có nên sống thử trước hôn nhân không, chúng ta cần cân nhắc những mặt tích cực và hạn chế mà vấn đề sống thử đem đến.
Có nên sống thử trước hôn nhân hay không
Mặt tích cực của việc sống thử
Nhiều người lo lắng rằng nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng chung sống không hợp nhau nên họ quyết định sống thử trước khi đăng ký kết hôn để tìm hiểu đối phương. Họ cho rằng đây là một biện pháp hữu hiệu để xác định có tiến tới hôn nhân được hay không, đây được xem như cuộc sống tiền hôn nhân. Qua giai đoạn sống thử này họ sẽ quyết định nên hay không xác lập một mối quan hệ vợ chồng hợp pháp.
Thực trạng sống thử trước hôn nhân của sinh viên hiện nay nói riêng và giới trẻ nói chung diễn ra khá phổ biến. Việc sống thử đặc biệt lại diễn ra trong giai đoạn kinh tế chưa ổn định, chưa có sự nghiệp nên các cặp nam nữ có nhu cầu sống chung với nhau để chia sẻ gánh nặng về kinh tế, những mối lo, bận tâm trong học tập cũng như cuộc sống.
Có thể thấy đây là giai đoạn giúp cho những bạn trẻ yêu nhau có không gian, thời gian để tìm hiểu về đối phương, để thấu hiểu những tâm tư tình cảm của nhau cũng như có thể dễ dàng vun đắp tình cảm.
Một điều không thể phủ nhận rằng sống chung với nhau trước khi kết hôn chính là cơ hội để những người trong cuộc có thể thực tập, có thể trải nghiệm trước những vấn đề của cuộc hôn nhân như: Tài chính, công việc, sinh hoạt, gia đình,… để việc chung sống sau khi kết hôn sẽ thuận lợi hơn, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc sống hôn nhân.
Mặt tiêu cực của việc sống thử
- Về vấn đề truyền thống, xã hội
Người dân nước ta từ trước đến nay luôn có quan niệm rằng việc nam nữ kết hôn danh chính ngôn thuận thì mới có thể về chung sống cùng nhau. Việc sống trước khi kết hôn là đi ngược lại với những giá trị văn hóa truyền thống xưa nay của dân tộc.
Hơn nữa hiện nay nhiều người vẫn còn định kiến, có cái nhìn khắt khe đối với những người sống thử, đặc biệt là với nữ giới. Họ cho rằng việc người phụ nữ chưa kết hôn mà về chung sống cùng với một người đàn ông khác là quá dễ dãi, làm xấu đi hình ảnh của người phụ nữ.
- Về vấn đề sức khỏe và tâm lý
Trên thực tế xảy ra không ít trường hợp nam nữ sống chung cùng nhau, rồi xuất hiện những xung đột, mâu thuẫn không thể giải quyết êm đẹp dẫn đến xô xát, đánh đập. Đây chính là nguyên nhân cũng như cơ hội khiến các hành vi phạm tội được hình thành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tâm lý những người trong cuộc.
Trong trường hợp sống thử, người phụ nữ dễ gặp phải những tổn thương khó hàn gắn. Nếu sống thử tan vỡ, hai bên không thể cùng nhau bước đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì họ sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc về tinh thần và sức khỏe. Đặc biết đối với những trường hợp mang thai hoặc có con thì gánh nặng, sức ép đặt lên đôi vai người phụ nữ là quá lớn.
Thực ra, nếu đôi bên cùng nhận ra họ không hợp nhau, quyết định đường ai nấy đi trong êm đẹp, thanh thản thì không có gì cần bàn cãi. Tuy nhiên, nếu một bên nam nữ quá bi lụy, quá phụ thuộc vào người còn lại thì hậu quả của việc sống thử là đáng lo ngại.
- Về y tế
Rõ ràng việc sống thử trước hôn nhân sẽ làm gia tăng các trường hợp phá thai vì có thai ngoài ý muốn, vì mới chỉ là sống thử, chưa sẵn sàng làm cha, làm mẹ và vô vàn lý do khác. Không chỉ có thế, việc này còn dẫn đến sức khỏe của người phụ nữ bị suy giảm, nhiều trường hợp có thể dẫn đến vô sinh sau này.
- Về pháp luật
Như đã nói ở trên, pháp luật hiện nay không cấm nhưng cũng không khuyến khích việc nam nữ sống thử trước hôn nhân. Việc chung sống với nhau như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn có thể tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các hành vi phạm tội, vấn đề về con cái, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con (trong trường hợp có con), giải quyết các quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng,…
Bất kì một vấn đề gì của xã hội đều có hai mặt tốt xấu, sống thử cũng vậy. Việc bạn có lựa chọn có nên sống thử hay không là tùy thuộc vào hoàn cảnh và quan điểm của mỗi người. Nếu bạn quyết định sống thử thì bạn phải xác định, lường trước được hệ lụy mà nó đem lại cũng như sẵn sàng chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình. Hãy cân nhắc và đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp nhất cho riêng bản thân mình để có được cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Trên đây là toàn bộ những thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn. Nếu còn bất kì thắc mắc nào về vấn đề sống thử trước hôn nhân, bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình qua HOTLINE19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp cụ thể hơn.
Trân trọng ./.