Những vấn đề pháp lý thường ngày như đăng ký khai sinh, đăng ký cư trú,... tưởng chừng đơn giản nhưng khi người dân thực hiện lại có nhiều vướng mắc. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi đã triển khai đường dây nóng tư vấn luật hộ tịch. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí.
Trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu hoặc tách khẩu,… người dân thường gặp vướng mắc về việc ghi các thông tin trong phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu theo mẫu HK02. Vậy, cách ghi các nội dung trong mẫu HK02 ra sao để đảm bảo quy định của pháp luật? Hiểu được những khó khăn này, Luật Quang Huy chúng tôi hướng dẫn bạn cách ghi mẫu phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu thông qua bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
- Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2013
- Thông tư 36/2014/TT-BCA Quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu là gì?
Một trong những giấy tờ cần cung cấp khi người dân thực hiện các thủ tục về vấn đề hộ khẩu như thủ tục chuyển hộ khẩu, thủ tục đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú,.. là phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 36/2014/TT-BCA, mẫu phiếu HK02 này được sử dụng khi có thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu.
Những nội dung trong mẫu HK02 nhằm cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý về vấn đề hộ khẩu nắm bắt được các thông tin thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; đảm bảo các giấy tờ cần thiết trong hồ sơ làm các thủ tục về hộ khẩu như thủ tục tách hộ khẩu, thủ tục chuyển hộ khẩu,…theo đúng quy định của pháp luật.
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu dùng trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 3 Thông tư 36/2014/TT-BCA Quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu dùng trong trường hợp nào
- Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú;
- Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
- Thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú;
- Xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú;
- Tách sổ hộ khẩu;
- Đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
- Cấp giấy chuyển hộ khẩu;
- Xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú;
- Gia hạn tạm trú;
- …
Mẫu phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu năm 2020
Hiện nay, mẫu phiếu báo thay đổi thay đổi hộ khẩu nhân khẩu được sử dụng là mẫu HK02 Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA. Trong mẫu phiếu HK02 này cần đảm bảo các nội dung sau đây:
Bạn có thể tiến hành tải mẫu phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu tại đây:
Thông tin về người viết phiếu báo
- Thông tin cá nhân: Họ tên, ngày sinh,…
- Thông tin về chỗ ở: nơi đăng ký thường trú và chỗ ở hiện tại;
- Số điện thoại liên hệ.
Thông tin về người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
- Thông tin cá nhân: họ tên, ngày sinh, Số CMND/Căn cước công dân,…
- Thông tin về chỗ ở: nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại;
- Thông tin của chủ hộ;
- Quan hệ với chủ hộ;
- Nội dung thay đổi hộ khẩu nhân khẩu;
- Ngoài ra, trong phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu cần phải có xác nhận của công an.
Khi tiến hành hành ghi các thông tin trong mẫu HK02, người dân cần đảm bảo đầy đủ các nội dung nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
- mẫu phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu
Cách viết phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu
Đối với những thông tin cá nhân
- Mục “Họ và tên”: Ghi bằng chữ in hoa, đủ dấu.
- Mục “Giới tính”: Nếu giới tính nam thì ghi là Nam, nếu giới tính nữ thì ghi là Nữ.
- Mục “Ngày, tháng, năm sinh”: Xác định theo ngày, tháng, năm dương lịch và được ghi đầy đủ 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số cho các tháng sinh là tháng 01 và tháng 02, 04 chữ số cho năm sinh.
- Mục “Dân tộc”: Ghi dân tộc, tôn giáo theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh thì ghi theo sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Mục “Quốc tịch”: Ghi quốc tịch Việt Nam, quốc tịch khác (nếu có).
- Mục “CMND số” và mục “Hộ chiếu số”: Ghi đầy đủ số chứng minh nhân dân và số hộ chiếu (nếu có cả hai giấy tờ này).
- Mục “Nơi sinh”: Ghi nơi sinh theo giấy khai sinh.
- Mục “Nguyên quán”: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.
Đối với mục “Họ và tên chủ hộ” và “Quan hệ với chủ hộ”
- Trường hợp đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp, được cấp sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thì mục họ và tên chủ hộ ghi họ, tên người đến đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú, mục quan hệ với chủ hộ ghi là chủ hộ.
- Trường hợp được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thì họ và tên chủ hộ ghi họ, tên chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, mục quan hệ với chủ hộ ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đó.
- Trường hợp điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; tách sổ hộ khẩu; đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp giấy chuyển hộ khẩu hoặc xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú thì ghi họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Đối với mục “Nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”
- Đối với mục này, người khai phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu cần ghi tóm tắt nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Đối với mục “Ý kiến của chủ hộ”
- Ghi rõ ý kiến của chủ hộ là đồng ý cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc đồng ý cho tách sổ hộ khẩu; chủ hộ ký và ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm.
Đối với mục “Xác nhận của Công an”
- Trường hợp xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú thì cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký thường trú xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú. Nội dung xác nhận gồm: các thông tin cơ bản của từng nhân khẩu; địa chỉ đã đăng ký thường trú; họ và tên chủ hộ đã đăng ký thường trú (nếu có); ngày, tháng, năm chuyển đi hoặc xóa đăng ký thường trú.
- Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu do bị mất thì Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú của công dân xác nhận việc bị mất đó. Nội dung xác nhận gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ nơi thường trú của chủ hộ đề nghị cấp lại sổ hộ khẩu.
Một điểm cần lưu ý khi ghi những thông tin trong mẫu HK02, trong trường hợp người viết phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu cũng là người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu thì công dân chỉ cần kê khai những nội dung quy định tại mục “Thông tin về người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu”.
Bạn có thể tiến hành tải mẫu phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu tại đây:
Trên đây là cách ghi những thông tin trong mẫu phiếu HK02 mới nhất mà chúng tôi cung cấp đến bạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp cụ thể.
Trân trọng ./.