Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!
Bộ Luật Hình sự quy định về xử lý người phạm tội dưới 18 tuổi như thế nào? Các hình phạt nào được áp dụng với người dưới 18 tuổi? Trong bài viết dưới đây, Luật Quang Huy sẽ giải đáp cho quý khách về vấn đề người phạm tội dưới 18 tuổi theo quy định pháp luật hiện hành.
Mọi người cũng xem:
1. Khái niệm người phạm tội dưới 18 tuổi
Người phạm tội dưới 18 tuổi (hay còn gọi là người chưa thành niên phạm tội) là khái niệm dùng để chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Hiện nay trong các văn bản pháp luật Việt Nam cũng chưa có một quy định hay định nghĩa cụ thể về người chưa thành niên. Tuy nhiên trong thực tiễn đời sống, người chưa thành niên được hiểu là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng nhận thức, kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình.
Đây là nhóm đối tượng dễ bị chi phối bởi tác động bên ngoài và thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ chín chắn.
Từ các đặc thù nêu trên của người phạm tội dưới 18 tuổi mà pháp luật Việt Nam có những quy định phù hợp để bảo vệ, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm trẻ em hoặc xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật.
Mọi người cũng xem:
2. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Căn cứ theo Điều 91 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm:
Nguyên tắc thứ nhất, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Đây là quy định mang tính xuyên suốt trong quá trình xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Bảo đảm lợi ích tốt nhất và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội trong mọi tình huống, mọi trường hợp thì Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tạo mọi điều kiện và áp dụng các biện pháp phi hình phạt đối với họ.
Các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử phải xác định độ tuổi của người phạm tội. Theo như lập luận, tuổi người dưới 18 tuổi phạm tội càng ít thì khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội càng hạn chế, ngay cả khi đối với những người cùng độ tuổi, không phải người nào cũng có khả năng nhận thức như nhau.
Ví dụ: Người dưới 18 tuổi phạm tội ở thành phố nhận thức khác người dưới 18 tuổi phạm tội ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp xúc với khoa học công nghệ, cơ sở vật chất… người dưới 18 tuổi phạm tội có trình độ văn hóa cao nhận thức khác người dưới 18 tuổi phạm tội có trình độ văn hóa thấp. Ngoài ra, tùy từng độ tuổi mà khả năng nhận thức vấn đề cũng khác nhau thì hành vi gây nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau.
Nguyên tắc thứ hai, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này.
Theo như Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về các trường hợp được miễn hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự đối với bất cứ người nào mà không phân biệt người dưới 18 tuổi hay đã trên 18 tuổi.
Tuy nhiên, đối với người dưới 18 tuổi thì việc miễn trách nhiệm hình sự ngoài các quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định của Bộ luật hình sự:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Nguyên tắc thứ ba, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Người dưới 18 tuổi là chủ thể đặc biệt của pháp luật. Trong trường hợp họ phạm tội nghiêm trọng nhất định thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên phải xem xét về nhân thân xấu sẽ tác động đến nhận thức làm ảnh hưởng đến hành vi của người dưới 18 tuổi gây nguy hiểm cho xã hội. Từ đó, tìm biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm.
Nguyên tắc thứ tư, khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
Nội dung của nguyên tắc này đòi hỏi Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng một trong các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại trường giáo dưỡng (quy định tại Mục 3 Bộ luật hình sự) nhưng không có hiệu quả. Như vậy, trước khi Tòa án áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi thì Tòa án sẽ ưu tiên áp dụng các biện pháp không phải là hình phạt, mang tính giáo dục và gần như không mang tính cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Nguyên tắc thứ năm, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định nguyên tắc này đã thể hiện thái độ của Nhà nước dứt khoát không áp dụng hình phạt tử hình và chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Quy định này thể hiện được nguyên tắc không lấy trừng trị là mục đích của hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tù chung thân và tử hình là hai hình phạt mang tính trừng trị nghiêm khắc nhất đối một người phạm tội, nó tước đi quyền sống, quyền con người của người phạm tội (tử hình) cũng như giới hạn quyền của họ.
Chính vì tính nghiêm khắc đó mà hai hình phạt này không được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Nguyên tắc thứ sáu, tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và thời hạn thích hợp ngắn nhất. Ngoài ra, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Nguyên tắc này cho thấy Tòa án có biện pháp xử lý khi không thể áp dụng các biện pháp giáo dục, răn đe, phòng ngừa đối với người phạm tội dưới 18 tuổi. Dù áp dụng hình phạt tù có thời hạn nhưng vẫn thấy được sự khoan hồng của pháp luật dành cho người phạm tội dưới 18 tuổi.
Nguyên tắc thứ bảy, án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Việc xác định một người tái phạm hay tái phạm nguy hiểm là một tình tiết tăng nặng đối với người phạm tội. Nguyên tắc này không tính việc án đã tuyên dùng để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm với người chưa đủ 16 tuổi nhằm tạo điều kiện cho các em phát triển bình thường trong cuộc sống.
Từ đó có thể thấy, việc áp dụng pháp luật xử lý đối với người phạm tội dưới 18 tuổi nhằm mục răn đe, giáo dục để giúp các em có định hướng hoàn thiện bản thân phát triển tương lai.
Mọi người cũng xem:
3. Các hình phạt được áp dụng với người dưới 18 tuổi
Theo pháp luật hình sự, chỉ được áp dụng một trong bốn hình phạt sau đây đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
(1) Cảnh cáo
(2) Phạt tiền
Theo Điều 99 Bộ luật Hình sự, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định.
(3) Cải tạo không giam giữ
Căn cứ Điều 100 Bộ luật Hình sự, cải tạo không giam giữ là hình phạt được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định.
(4) Tù có thời hạn
Điều 101 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
- Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi:
- Nếu áp dụng điều luật quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù;
- Nếu là tù có thời hạn thì hình mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
- Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi:
- Nếu áp dụng điều luật quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù;
- Nếu là tù có thời hạn thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Mọi người cũng xem:
4. Giảm mức hình phạt đã tuyên với người dưới 18 tuổi
Ngoài quy định về việc người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và không có hình phạt bổ sung.
Căn cứ theo điều 63 Bộ Luật Hình sự, Tòa án có thể ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền khi người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định có nhiều tiến bộ, biết ăn năn hối lỗi, có ý thức cải tạo tốt và đã bồi thường một phần nghĩa vụ dân sự.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 1/3 thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù có thời hạn.
Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được 1/2 mức hình phạt đã tuyên.
Mọi người cũng xem:
5. Tha tù trước thời hạn có điều kiện với người dưới 18 tuổi
Trường hợp người dưới 18 tuổi đang chấp hành phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Phạm tội lần đầu;
- Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
- Có nơi cư trú rõ ràng;
- Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;
- Đã chấp hành được ít nhất 1/2 mức phạt tù có thời hạn;
- Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh Quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Người phạm tội dưới 18 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương, nên cần có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của gia đình và xã hội. Chính sách hình sự và chính sách thi hành án hình sự đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để hoàn lương.
Vì vậy, việc ban hành ra các quy định của pháp luật xử lý người phạm tội dưới 18 tuổi không hướng đến xử lý nghiêm khắc như người phạm tội trên 18 tuổi mà muốn răn đe, phòng ngừa tội phạm cũng như giúp các em có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mọi người cũng xem:
6. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về người phạm tội dưới 18 tuổi.
Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật hình sự trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./