Quy định về lỗi vi phạm giao thông đi vào đường cấm

Lỗi vi phạm giao thông đi vào đường cấm
Nhằm giải đáp mức xử phạt khi vi phạm quy định giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến giấy phép lưu hành giao thông, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật giao thông. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Lỗi vi phạm giao thông đi vào đường cấm được pháp luật hiện hành quy định như thế nào? Nếu có thì Mức phạt đối với lỗi vi phạm giao thông khi đi vào đường cấm là bao nhiêu? Dấu hiệu nhận biết đường cấm cũng như các loại biển báo cấm như nào? Trong bài viết này Luật Quang Huy sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.


1. Đường cấm là gì?

Đường cấm là loại đường mà không cho phép một phương tiện hoặc một số loại phương tiện đường bộ lưu thông, nếu người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi vào đường được xác định là đường cấm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Đường cấm được chia thành 02 loại là đường cấm theo giờ và đường cấm phương tiện.

  • Đường cầm theo giờ là đường cấm một, một số phương tiền trong một khung giờ nhất định. Ví dụ: Ở Hà Nội có khung giờ cấm xe tải đối với một số tuyến đường nội đô như Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương, Vũ Ngọc Phan, Thanh Nhàn, Thụy Khuê… cụ thể: Xe tải 1,25 tấn bị cấm di chuyển tại Hà Nội vào khung giờ cao điểm từ 6h00 đến 9h00 và 15h00 đến 21h00. Xe tải dưới 2,5 tấn được hoạt động trong khung giờ từ 21h00 đến 6h00 hôm sau (ngoài khung giờ này phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền). Xe tải trên 10 tấn chỉ được hoạt động trong khoảng thời gian từ 21h00 đến 6h00 và phải có giấy phép lưu hành.
  • Đường cấm phương tiện là đường cấm một hay một số loại phương tiện lưu thông. Ví dụ: Đường vành đai 3 trên cao tại Hà Nội cấm xe máy, các đường cao tốc như Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Ninh Bình… cấm xe máy.

2. Dấu hiệu nhận biết đường cấm và ý nghĩa các loại biển báo cấm

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trước các tuyến đường cấm sẽ phải cắm biển báo hiệu đường cấm.

Chính vì thế, cách tốt nhất để người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông (xe máy, xe ô tô, xe tải, taxi…) muốn nhận biết đâu là đường cấm để tránh bị xử phạt thì khi tham gia giao thông phải chú ý quan sát các biển báo cấm được đặt để cảnh báo người tham gia giao thông.

Hiện nay, các loại biển báo đường cấm, đường cấm đối với phương tiện được quy định cụ thể và chi tiết tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT.

Hiểu đơn giản, một biển báo cấm sẽ thể hiện các nội dung bao gồm:

  • Dạng hình tròn; nền trắng, màu đỏ
  • Trên nền có hình vẽ của phương tiện đó bên trong và gạch chéo trừ một số trường hợp.

Lưu ý: Để báo đường cấm nhiều loại phương tiện, sẽ kết hợp đặt các ký hiệu phương tiện bị cấm trên một biển theo quy định như sau: Các loại phương tiện cơ giới kết hợp trên một biển (ví dụ như biển số 105 và biển số 107).

Một số biển báo cấm thường gặp:

  • Biển số P.101: Đường cấm
  • Biển số P.102: Cấm đi ngược chiều
  • Biển số P.103a: Cấm xe ô tô
  • Biển số P.103b: Cấm ô tô rẽ phải
  • Biển số P.103c: Cấm ô tô rẽ trái
  • Biển số P.104: Cấm xe môtô
  • Biển số P.105: Cấm xe ô tô và môtô
  • Biển số P.106a: Cấm xe tải
  • Biển số P.106b: Cấm xe tải từ 2,5 tấn
  • Biển số P.107: Cấm ô tô khách và ô tô tải
  • Biển số P.110a: Cấm xe đạp
Lỗi vi phạm giao thông đi vào đường cấm
Lỗi vi phạm giao thông đi vào đường cấm

3. Mức phạt đối với lỗi vi phạm giao thông đi vào đường cấm

3.1. Đối với xe ô tô

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền là từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu cấm xe ô tô trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5, điểm a khoản 8 Điều 5 và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định

Ngoài ra, tại điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định ô tô đi vào đường cấm cũng sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 01-03 tháng.

3.2. Đối với xe máy

Tại điểm i khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với xe máy là từ 400.000 – 600.000 đồng đối với người điều khiển xe máy đi vào khu vực cấm hoặc đường có biển báo cấm xe máy. Trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 6 và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Ngoài ra, tại điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định này cũng quy định xe máy đi vào đường cấm cũng sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 01-03 tháng.

3.3. Đối với xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện

Tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện là từ 200.000-300.000 đồng đối với người điều khiển xe các loại phương tiện này đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện.

3.4. Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng

Căn cứ theo điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với loại phương tiện này là từ 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển đi vào khu vực cấm, đường có biển báo cấm máy kéo, xe máy chuyên dùng. Trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4; điểm a khoản 8 Điều 7 và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Ngoài ra, tại điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định này cũng quy định về việc tước Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01-03 tháng khi loại phương tiện này đi vào đường cấm.


4. Mức phạt đối với xe đi vào đường cấm theo giờ

Đối với xe ô tô đi vào khu vực, đường có biển báo cấm phương tiện đang điều khiển theo giờ thì bị xử phạt như lỗi đi vào đường cấm, khu vực cấm.

Theo Điều 27 quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT, trong trường hợp cần thiết cấm theo thời gian dưới biển cấm sẽ được đặt thêm biển phụ số S.508, có thể viết thêm chú thích bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh trong biển này (nếu khu vực đó có nhiều người nước ngoài tham gia giao thông hoặc tuyến đường đối ngoại).


5. Cơ sở pháp lý

  • Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
  • Thông tư 54/2019/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề lỗi vi phạm giao thông đi vào đường cấm theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật giao thông trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự, đất đai, hành chính,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top