Hướng dẫn thủ tục thành lập công ty mỹ phẩm

Nếu bạn có nhu cầu sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh trọn gói với chi phí hợp lý và thời gian siêu tốc, vui lòng gọi hotline 1900.6671 (trong giờ hành chính) hoặc số điện thoại 0369.246.588 (ngoài giờ hành chính) để được tư vấn hoàn toàn miễn phí. Trân trọng.

Bạn đang mong muốn thành lập công ty kinh doanh mỹ phẩm mà không biết điều kiện thành lập công ty là gì?

Để mở công ty mỹ phẩm thì cần phải có những giấy tờ gì?

Thủ tục để thành lập công ty mỹ phẩm bao gồm các bước như thế nào?

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giải đáp các thắc mắc trên của bạn.


1. Điều kiện thành lập công ty mỹ phẩm

1.1 Điều kiện về chủ sở hữu

Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc trường hợp pháp luật cấm (đang thi hành án phạt tù, tâm thần..) thì đều có thể đứng ra thành lập công ty. Ngoại trừ: Chủ sở hữu là người đại diện theo pháp luật của công ty cần có những yêu cầu riêng như: Người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài thì cần có bản sao công chứng trong vòng 06 tháng của Hộ chiếu và Sổ đăng ký tạm trú (KT3) của người nước ngoài đó.

Chủ sở hữu công ty mỹ phẩm cũng không được là đối tượng bị Nhà nước cấm thành lập hoặc tham gia doanh nghiệp, bao gồm các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, như: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;.v.v.

Lưu ý: Cá nhân trước đây là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khác và hiện tại, doanh nghiệp đó đang trong trạng thái nợ thuế thì không được là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự kiến thành lập.

1.2 Điều kiện về ngành nghề khi đăng ký

Công ty mỹ phẩm cần phải đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm. Bạn có thể tìm các ngành nghề phù hợp theo Quyết định Quyết định số 27/2018/QĐ-Ttg.

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm cũng cần đáp ứng điều kiện về hoạt động sản xuất mỹ phẩm và điều kiện về hệ thống quản lý chất lượng như nguyên vật liệu, phụ liệu, bán thành phẩm, nguồn nước sử dụng trong quy trình sản xuất, có quy trình sản xuất chi tiết và hệ thống lưu giữ tài liệu rõ ràng,.v.v.

1.3 Điều kiện về tên công ty

Căn cứ Điều 37, Điều 38, Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020:

Tên doanh nghiệp phải bao gồm 2 thành tố: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng.

Lưu ý khi đặt tên công ty:

Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; tương tự đối với các loại hình khác.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:

  • Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký
  • Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
  • Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp

  • Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
  • Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
  • Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài

Các trường hợp được bị coi là gây nhầm lẫn với công ty khác bao gồm:

  • Tên tiếng Việt phát âm giống nhau;
  • Tên viết tắt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài trùng nhau;
  • Tên riêng chỉ khác bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

Đây là trường hợp rất dễ khiến cho tên công ty bạn dự kiến đặt gây nhầm lẫn với công ty khác.

Ví dụ: Nếu đã có doanh nghiệp đăng ký tên: CÔNG TY TNHH MỸ PHẨM HISUNG thì HISUNG được xác định là tên riêng của công ty đó, nên khi bạn muốn đăng ký tên HISUN/HISUNGE… (chỉ khác với tên riêng bởi các chữ cái) thì sẽ không thể đặt được.

  • Tên riêng chỉ khác nhau bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
  • Tên riêng chỉ khác nhau bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng chỉ khác nhau bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.

1.4 Điều kiện về trụ sở chính

Căn cứ Điều 42 Luật doanh nghiệp 2020 thì địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quốc gia; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Doanh nghiệp không được đặt địa chỉ tại chung cư, nhà tập thể (Điều 3, Điều 6 Luật nhà ở năm 2014)

Ngoài ra, lựa chọn trụ sở doanh nghiệp cần lưu ý lựa chọn trụ sở là nhà có sổ đỏ và hợp đồng thuê trụ sở nếu là trụ sở thuê nhằm chứng minh quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu hợp pháp đối với trụ sở khi cơ quan thuế xuống kiểm tra trụ sở.

Lưu ý: Đối với ngành nghề sản xuất mỹ phẩm, để doanh nghiệp có thể thực hiện hoạt động sản xuất tại trụ sở chính thì phải thực hiện các việc sau:

  • Sau khi có giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin phép được hoạt động ngành sản xuất mỹ phẩm tại trụ sở (Hồ sơ nộp tại UBND quận, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính);
  • Đồng thời, xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (Hồ sơ nộp tại Sở Y tế, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính).

1.5 Điều kiện về vốn điều lệ

Thành lập doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm không có quy định về mức vốn điều lệ. Do đó, tùy vào quy mô kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ phù hợp.

Nhưng vốn điều lệ bạn đăng ký ảnh hưởng đến mức thuế môn bài mà bạn phải nộp hàng năm: quy định của pháp luật về thu thuế môn bài

  • Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm
  • Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm

1.6 Điều kiện về con dấu

Mẫu con dấu công ty được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.

Trong nội dung mẫu con dấu phải có thông tin về mã số doanh nghiệp và tên doanh nghiệp.

Ngoài thông tin nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc bổ sung này không được vi phạm các điều cấm được quy định tại Điều 14 Nghị định 96/2015/NĐ-CP.

Doanh nghiệp không được sử dụng những hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu sau đây trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu:

  • Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Hình ảnh, biểu tượng, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
  • Từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khi sử dụng hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu.

Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 quy định trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo cho Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc địa chỉ hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện để đăng tải mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.


2. Hồ sơ đăng ký thành lập công ty mỹ phẩm

2.1 Hồ sơ đăng ký thành lập công ty

Để thành lập công ty, bạn phải chuẩn bị các giấy tờ như sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ Công ty.
  • Danh sách cổ đông sáng lập/ Danh sách thành viên (Danh sách này được áp dụng đối với Công ty cổ phần và Công ty TNHH 2 thành viên trở lên).
  • Bản sao chứng thực cá nhân (Chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu) của thành viên công ty.
  • Đối với thành viên công ty là tổ chức:
    • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố) và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức;
    • Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức
    • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2.2 Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (nếu doanh nghiệp hoạt động sản xuất mỹ phẩm)

Nếu bạn muốn xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, bạn phải chuẩn bị các giấy tờ như sau:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 93/2016/NĐ-CP.
  • Sơ đồ mặt bằng và thiết kế của cơ sở sản xuất
  • Danh mục thiết bị hiện có của cơ sở sản xuất
  • Danh mục các mặt hàng đang sản xuất hoặc dự kiến sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng của từng mặt hàng.

2.3 Hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm mỹ phẩm

Để mỹ phẩm được lưu thông trên thị trường thì ngoài đăng ký thành lập công ty mỹ phẩm thì doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục công bố mỹ phẩm theo quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT. Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm bao gồm:

  • Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của Phiếu công bố);
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam (áp dụng đối với mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất). Đối với sản phẩm nhập khẩu thì Giấy uỷ quyền phải là bản có chứng thực chữ ký và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giấy uỷ quyền phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 6 Thông tư này.
  • Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Chỉ áp dụng đối với trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và đáp ứng các yêu cầu sau:
    • CFS do nước sở tại cấp là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.
    • CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc công bố sản phẩm tại Việt Nam cũng nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Hướng dẫn thủ tục thành lập công ty mỹ phẩm
Hướng dẫn thủ tục thành lập công ty mỹ phẩm

3. Thủ tục đăng ký thành lập công ty mỹ phẩm

3.1 Thủ tục đăng ký thành lập công ty

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại sở kế hoạch đầu tư xin cấp đăng ký kinh doanh

Bước 2: Nộp hồ sơ qua mạng điện tử

Sau khi soạn thảo đầy đủ hồ sơ, người đại diện theo pháp luật và các thành viên trong công ty ký xác thực trên các loại giấy tờ. Doanh nghiệp thực hiện việc kê khai thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Người thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ tạo lập tài khoản Đăng ký kinh doanh tại Website: dangkykinhdoanh.gov.vn

Sau đó, tiến hành việc kê khai các thông tin như sau:

  • Hình thức đăng ký
  • Địa chỉ trụ sở của công ty
  • Tên doanh nghiệp
  • Thông tin về chủ sở hữu/ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
  • Thông tin về vốn
  • Thông tin về thuế

Hoàn thành xong việc kê khai, người thực hiện thủ tục sẽ ký xác nhận và nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh (trên hệ thống)

Thời gian xử lý hồ sơ: 03 ngày làm việc

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sau thời gian xử lý hồ sơ, bộ phận tiếp nhận sẽ trả lời bằng văn bản về hệ thống và Email đã đăng ký.

Nếu hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ chỉ rõ những điểm thiếu sót cần bổ sung thông tin, doanh nghiệp điều chỉnh và nộp lại hồ sơ như Bước 2.

Nếu hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được Thông báo hồ sơ hợp lệ từ Phòng đăng ký kinh doanh.

Khi này, doanh nghiệp sẽ tiến hành việc nộp 01 bộ hồ sơ tại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ (bản giấy) của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét hẹn ngày trả Giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

Sau đó, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ Công bố thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 4: Hoàn thiện thủ tục sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Về cơ bản, công ty sẽ có đủ tư cách hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, để tránh những rủi ro pháp lý sau này, doanh nghiệp nên hoàn tất những thủ tục sau:

  • Khắc dấu và công bố mẫu dấu
  • Đăng ký tài khoản ngân hàng
  • Mua Token, mua hóa đơn
  • Nộp phí, lệ phí môn bài theo quy định

3.2 Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm

Để xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, bạn phải thực hiện các công việc như sau:

  • Bước 1: Nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh
  • Bước 2: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện một trong những hoạt động sau:
    • Cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
    • Thông báo bằng văn bản các nội dung chưa đầy đủ, hợp lệ

3.3 Thủ tục đăng ký công bố sản phẩm mỹ phẩm

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký công bố tại Cục Quản lý Dược – Bộ Y Tế.
  • Bước 2: Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và lệ phí công bố theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Trường hợp hồ sơ công bố chưa đáp ứng theo quy định thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố biết cụ thể các nội dung chưa đáp ứng để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.


4. Lệ phí thành lập công ty mỹ phẩm

Theo quy định của Thông tư số 47/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính khi doanh nghiệp đăng ký thành lập công ty phải nộp một số các loại lệ phí như sau:

  • Chi phí nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư: 50.000 đồng/lần
  • Chi phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp : 100.000 đồng/lần

Ngoài ra, khi thành lập doanh nghiệp, công ty cũng cần chuẩn bị chi phí cho việc khắc dấu, đặt bảng hiệu công ty, chi phí mua chữ ký, chi phí nộp ký quỹ tài khoản ngân hàng, chi phí sử dụng hóa đơn,.v.v.,…

Ngoài ra: Khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm còn phải nộp các khoản lệ phí sau: Theo quy định tại Thông tư số 277/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm (Lệ phí có xuất hóa đơn cho doanh nghiệp)

  • Lệ phí công bố sản phẩm mỹ phẩm: 500.000 VNĐ/ bộ công bố (năm trăm nghìn đồng).
  • Lệ phí thẩm định điều kiện sản xuất mỹ phẩm và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm là 6.000.000đ/cơ sở.

5. Thời gian thành lập công ty mỹ phẩm

Sau khi chuẩn bị, hoàn thành hồ sơ nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh, thời gian thành lập công ty mỹ phẩm thông thường sau 03 – 05 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, công ty sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn có thể mất 1 – 2 tuần tuỳ thuộc vào việc hồ sơ của bạn có hợp lệ hay không.

Ngoài ra, trên thực tế doanh nghiệp cũng cần thêm thời gian để chuẩn bị thông tin công ty và hoàn tất các thủ tục khác sau khi công ty đi vào hoạt động như: Làm tài khoản ngân hàng, khắc con dấu, làm mã số thuế,…

Để có thể thuận tiện cũng như nhanh chóng trong việc thành lập công ty mỹ phẩm, các bạn có thể tham khảo dịch vụ thành lập công ty tại Luật Quang Huy.


Trên đây là toàn bộ nội dung về “Thành lập công ty mỹ phẩm/mở công ty kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm”.

Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ đến Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

4.5/5 - (2 bình chọn)
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

TƯ VẤN MIỄN PHÍ NGAY!

Scroll to Top
Mục lục