Những vấn đề pháp lý thường ngày như đăng ký khai sinh, đăng ký cư trú,... tưởng chừng đơn giản nhưng khi người dân thực hiện lại có nhiều vướng mắc. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi đã triển khai đường dây nóng tư vấn luật hộ tịch. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí.
Chào Luật sư, tôi có một vấn đề muốn hỏi Luật sư như sau: Năm 2017 vợ chồng tôi đám cưới nhưng do tôi chưa đủ 18 tuổi nên chưa đăng ký kết hôn. Cuối năm 2017 tôi sinh một bé gái, khi đi đăng ký khai sinh cho con do chưa có giấy đăng ký kết hôn nên trong giấy khai sinh con theo họ tôi và chỉ có thông tin của tôi trong giấy khai sinh của con. Hiện nay tôi và chồng đã đăng ký kết hôn. Tôi muốn bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con có được không? Thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh như thế nào?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thắc mắc của mình đến chúng tôi. Về vấn đề thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con, Luật Quang Huy chúng tôi xin được giải đáp cụ thể bằng bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
- Luật Hộ tịch năm 2014
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch 2014
- Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP
Có được bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con không?
Căn cứ theo Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định:
Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh không có thông tin về người cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
Như vậy, trong trường hợp của bạn con được sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, trong giấy khai sinh không có thông tin của chồng bạn mà chỉ có thông tin của mẹ do đó hai vợ chồng bạn có thể yêu cầu làm thủ tục bổ sung hộ tịch. Với thủ tục bổ sung hộ tịch, sẽ bổ sung thông tin của chồng bạn vào Giấy khai sinh của con và vào Sổ đăng ký khai sinh của địa phương. Với quy định trên thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con được đơn giản, rút ngắn tạo thuận lợi cho người yêu cầu thực hiện bổ sung hộ tịch, đồng thời cũng giúp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của con.
Tuy nhiên, một số trường hợp có tranh chấp về việc xác định cha cho con thì cần giải quyết tranh chấp đó, xác định đúng cha cho con thì mới tiếp tục tiến hành việc bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của trẻ.
Thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con
Hồ sơ cần chuẩn bị
Khi tiến hành thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký bổ sung tên cha và giấy khai sinh của con (theo mẫu);
- Văn bản thừa nhận con chung của vợ, chồng hoặc văn bản xác định cha cho con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Bản chính giấy khai sinh của con;
- Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con.
Hồ sơ cần chuẩn bị
Ngoài ra, khi thực hiện thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con cần xuất trình: hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con.
Trình tự thực hiện
Bước 1: Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ nêu trên, bạn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã đã đăng ký khai sinh cho con trước đây hoặc nơi cư trú của con để tiến hành bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con.
Bước 2: Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình. Sau đó đối chiếu thông tin trong Tờ khai với giấy tờ trong hồ sơ.
Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định;. Trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm tên của người tiếp nhận.
Hồ sơ sau khi đã được hướng dẫn theo quy định mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối, người tiếp nhận ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên.
Bước 3: Trong 3 ngày làm việc, nếu thấy việc bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì ký Trích lục bổ sung hộ tịch cấp cho người yêu cầu. Công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào Sổ hộ tịch và cùng người yêu cầu ký vào sổ. Đồng thời, công chức tư pháp – hộ tịch bổ sung thông tin cha vào mục tương ứng và đóng dấu nội dung bổ sung vào Giấy khai sinh.
Lệ phí bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con
Lệ phí hộ tịch là khoản thu đối với người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc về hộ tịch theo quy định của pháp luật. Theo Điểm c Khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC quy định tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương mà đặt ra mức thu lệ phí hộ tịch cho phù hợp trên từng địa bàn, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc miễn lệ phí hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.
Như vậy, lệ phí thực hiện thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh sẽ được miễn đối với những người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật. Trường hợp không được miễn lệ phí thì mức lệ phí sẽ phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương, do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi và các thông tin liên quan tới thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con. Nếu có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ tới Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua TỔNG ĐÀI 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng./.