Nhằm giải đáp mức xử phạt khi vi phạm quy định giao thông cũng như các vấn đề liên quan đến giấy phép lưu hành giao thông, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật giao thông. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn về vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006588.
Xin chào luật sư, hiện tôi đang có vấn đề rất cấp bách cần nhờ luật sư tư vấn như sau: Em trai tôi trên đường đi làm về không may đâm xe vào một người đang băng qua đường, khiến người đó bất tỉnh ngay tại chỗ. Mặc dù em tôi không hề có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nào cả nhưng bởi vì quá hoảng loạn cho nên em tôi đã bỏ trốn mà không ở lại xem xét tình hình của người đó. Bây giờ chúng tôi đang rất bối rối và tôi đã khuyên em tôi nên ra phòng cảnh sát để trình báo, tuy nhiên chúng tôi không biết trường hợp gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn phạt bao nhiêu tiền để chúng tôi có thể chuẩn bị trước. Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ phía luật sư!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Quang Huy. Về thắc mắc của bạn liên quan tới vấn đề mức xử phạt lỗi gây tai nạn bỏ trốn, bởi vì bạn không trình bày rõ phương tiện mà bạn sử dụng là ô tô hay xe máy cho nên chúng tôi tư vấn cho bạn cụ thể như sau:
Mọi người cũng xem:
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Giao thông đường bộ năm 2008
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
Mọi người cũng xem:
2. Quy định của pháp luật về hành vi gây tai nạn bỏ trốn
Tai nạn giao thông là một trường hợp không may xảy ra và để lại hậu quả nghiêm trọng cho những người bị tai nạn, trong đó người gây ra tai nạn có trách nhiệm rất lớn. Tuy nhiên, xuất phát từ tâm lý sợ hãi, hèn nhát mà nhiều người lại lựa chọn bỏ trốn sau khi gây tai nạn, thậm chí trường hợp gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn cũng không phải là chuyện hiếm gặp.
Đây là một việc làm không hợp tình, hợp lẽ cũng như hợp pháp. Theo đó, Khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về vấn đề này như sau:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
17. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.
Như vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi gây tai nạn bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm của mình. Cho dù tai nạn xảy ra có phải do lỗi của người điều khiển phương tiện hay không nhưng nếu bỏ đi mà không ở lại cứu giúp người bị nạn thì người đó cũng đã vi phạm quy định của pháp luật và chắc chắn sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí là bị truy tố hình sự.
Trong trường hợp của em bạn, gây ra tai nạn cho người khác mà sau đó lại bỏ trốn, không tham gia cấp cứu người bị nạn, không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền thì cũng sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên như bạn trình bày thì em bạn không vi phạm quy định nào của pháp luật giao thông cho nên ngoài việc bồi thường cho phía nạn nhân, em bạn sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
gây tai nạn bỏ trốn
Mọi người cũng xem:
3. Mức xử phạt xe ô tô gây tai nạn bỏ trốn
Trường hợp phương tiện tham gia giao thông là xe ô tô và gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn thì theo quy định tại điểm b Khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt trong trường hợp này là:
Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
8. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Ngoài ra, trường hợp này còn được quy định thêm tại điểm đ Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng;
Như vậy, nếu em bạn điều khiển phương tiện là xe ô tô thì sẽ bị áp dụng các hình phạt như sau:
- Bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng;
- Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng.
Mọi người cũng xem:
4. Mức xử phạt xe máy gây tai nạn bỏ trốn
Đối với phương tiện điều khiển là xe máy, hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn được điểm đ Khoản 8 và điểm d Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 6; điểm đ khoản 8; khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;
Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn
Như vậy, nếu trường hợp của em bạn sử dụng phương tiện điều khiển là xe máy thì sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt sau đây:
- Bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
- Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề gây tai nạn bỏ trốn của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật giao thông qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy.
Trân trọng ./.500