Uỷ quyền là gì? Quy định của pháp luật về uỷ quyền

Ủy quyền là gì?Quy định pháp luật về ủy quyền
Với mong muốn giúp người dân tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro pháp lý trong quan hệ dân sự, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn pháp luật dân sự, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Cuộc sống ngày càng phát triển, chúng ta càng thêm bận rộn.

Vì thế không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian để thực hiện mọi công việc mà phải ủy quyền cho người khác.

Vậy quy định về ủy quyền được pháp luật quy định ra sao?

Say đây, Luật Quang Huy xin cung cấp nội dung pháp lý đối với quy định về ủy quyền như sau:


1. Ủy quyền là gì?

Ủy quyền là việc giao cho một người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp.

Quan hệ ủy quyền thường là quan hệ giữa cá nhân với nhau mang tính chất tương trợ, giúp đỡ.


2. Một số trường hợp không được ủy quyền

Theo quy định của pháp luật những trường hợp sau không được ủy quyền:

  • Đăng ký kết hôn (khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch 2014)
  • Ly hôn. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì họ là người đại diện (Khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
  • Công chứng di chúc của mình (Điều 56 Luật Công chứng 2014).
  • Gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng. (Điểm a, khoản 1, Điều 8 Quy chế về tiền tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN)
  • Quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc. Người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền (Điểm a Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
  • Đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền. Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho đương sự khác mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc (Điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015) v.v

3. Thời hạn ủy quyền

Căn cứ theo Điều 563 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hạn ủy quyền do hai bên thỏa thuận hoặc do pháp luật định.

Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định thì thời hạn là một năm kể từ ngày xác lập ủy quyền.

“Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.”

Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền nhưng trong một số trường hợp thì thời hạn này có thể kết thúc khác so với thỏa thuận.

Ví dụ:

  • Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
  • Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
  • Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết;
  • Người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
  • Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định;
  • Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

4. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền

4.1 Quyền của bên ủy quyền

Theo Điều 568 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên ủy quyền có các quyền sau đây:

“1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.”

Bên ủy quyền có quyền kiểm soát các hành vi thực hiện giao dịch của bên được ủy quyền.

Nếu bên được ủy quyền thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc có thể gây thiệt hại, bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền bồi thường thiệt hại.

4.2 Nghĩa vụ của bên ủy quyền

Bên ủy quyền có những nghĩa vụ sau:

  • Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.
  • Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
  • Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

5. Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền

5.1 Quyền của bên được ủy quyền

Các quyền của bên được ủy quyền:

  •  Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.
  • Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.
  • Được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp có sự đồng ý của bên ủy quyền hoặc Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

Cần chú ý rằng khi ủy quyền lại thì việc ủy quyền không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu và hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

5.2 Nghĩa vụ của bên được ủy quyền

Điều 565 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định nghĩa vụ của bên được ủy quyền như sau:

“1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.”

Như vậy, bên cạnh nghĩa vụ của bên ủy quyền, bên nhận ủy quyền phải:

  • Thực hiện công việc đã được ủy quyền;
  • Bảo quản gìn giữ tài liệu được giao;
  • Giữ bí mật thông tin cho bên ủy quyền;
  • Bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền nếu gây ra thiệt hại.

Có thể thấy rằng, quyền của bên ủy quyền gắn liền với nghĩa vụ của bên được ủy quyền.

Đây chính là quy định ràng buộc trách nhiệm các bên trong quan hệ ủy quyền.


6. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015

Trên đây là toàn bộ quy định về ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nếu có thắc mắc cần được giải đáp hoặc mong muốn trợ giúp bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật dân sự qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top