Thuế vãng lai là gì? Quy định về thuế vãng lai

Thuế vãng lai là gì? 7 điều phải biết về thuế vãng lai
Hiện nay, từ giao dịch nhỏ đến các giao dịch lớn, người dân đều phải đóng một khoản thuế, phí nhất định. Để đảm bảo cho người dân nắm rõ mức thuế, phí phải đóng là bao nhiêu, Luật Quang Huy đã mở thêm Tổng đài tư vấn luật thuế phí. Nếu bạn cần hỗ trợ về những vấn đề này, liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588.

Không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có nghĩa vụ nộp thuế vãng lai. Vậy trường hợp nào thì bắt buộc nộp thuế vãng lai, trường hợp nào thì được miễn? Thủ tục nộp thuế vãng lai là gì? Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về thuế vãng lai và những vấn đề liên quan nhé.


1. Thuế vãng lai là gì?

Theo quy định của pháp luật, thuế vãng lai (còn được gọi với nhiều cái tên khác như thuế giá trị gia tăng vãng lai; thuế vãng lai ngoại tỉnh) là thuế mà người nộp thuế phải nộp khi phát sinh hoạt động kinh doanh, lắp đặt, xây dựng mà không cần thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh (không thuộc tỉnh đặt trụ sở chính).

Thuế vãng lai về cơ bản giống như một hình thức thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thuế vãng lai khác với thuế giá trị gia tăng ở điểm đó là các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi không diễn ra tại đúng nơi doanh nghiệp lập giấy đăng ký kinh doanh thì sẽ phải đóng loại thuế này vào ngân sách nhà nước.


2. Thuế vãng lai tiếng anh là gì?

Thuế vãng lai tiếng Anh gọi là: Current Tax. Theo đó, thuế vãng lai được hiểu là một khoản tiền với mức giá trị gia tăng thường vào khoản 2% trên tổng doanh thu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và theo quy định của cơ quan chức năng thì đây là một loại thuế bình thường trong các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Kể cả đó là các lĩnh vực về xây dựng, bất động sản.


3. Các trường hợp phải nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ tài chính, các trường hợp phải nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh bao gồm những trường hợp sau đây:

  • Nếu có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà có giá trị gồm cả thuế giá trị gia tăng từ 1 tỷ đồng trở lên thì phải kê khai thuế giá trị gia tăng vãng lai tại địa phương đó;
  • Nếu có hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương đó (không phân biệt lớn hơn hay nhỏ hơn 1 tỷ) thì phải kê khai thuế giá trị gia tăng vãng lai tại địa phương đó.

Ví dụ:

Công ty T có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng với Công ty X chỉ để thực hiện tư vấn, khảo sát, thiết kế công trình được xây dựng tại Bình Dương mà Công ty X là chủ đầu tư thì hoạt động này không phải hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt ngoại tỉnh.

Công ty T thực hiện khai thuế giá trị gia tăng đối với hợp đồng này tại trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, không phải thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng tại Bình Dương.

Công ty T có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng với Công ty Y để thực hiện công trình được xây dựng (trong đó có bao gồm cả hoạt động khảo sát, thiết kế) tại Đồng Nai mà Công ty Y là chủ đầu tư, giá trị công trình bao gồm cả thuế giá trị gia tăng trên 1 tỷ đồng thì Công ty T thực hiện khai thuế giá trị gia tăng xây dựng ngoại tỉnh đối với hợp đồng này tại Đồng Nai.

Công ty T có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng với Công ty Z để thực hiện công trình được xây dựng (trong đó có bao gồm cả hoạt động khảo sát, thiết kế) tại Long An mà Công ty C là chủ đầu tư, giá trị công trình bao gồm cả thuế giá trị gia tăng là 800 triệu đồng thì Công ty T không phải thực hiện khai thuế giá trị gia tăng xây dựng ngoại tỉnh đối với hợp đồng này tại Long An.

Thuế vãng lai là gì? 7 điều phải biết về thuế vãng lai
Thuế vãng lai là gì? 7 điều phải biết về thuế vãng lai

4. Cách kê khai thuế vãng lai ngoại tỉnh?

Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc kê khai thuế vãng lai được quy định cụ thể như sau:

4.1. Hồ sơ khai thuế vãng lai ngoại tỉnh

Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, hồ sơ khai thuế vãng lai ngoại tỉnh bao gồm những giấy tờ như sau:

  • Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh là Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo Mẫu số 05/GTGT được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh được nộp theo từng lần phát sinh doanh thu. Trường hợp phát sinh nhiều lần nộp hồ sơ khai thuế trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với Cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế để nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.

Lưu ý: Người nộp thuế kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh thì khai thuế như sau:

  • Khai thuế giá trị gia tăng tạm tính theo tỷ lệ 2% đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%;
  • Khai thuế theo tỷ lệ 1% đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% trên doanh thu hàng hoá chưa có thuế giá trị gia tăng.

4.2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế vãng lai ngoại tỉnh

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế vãng lai ngoại tỉnh được quy định như sau:

  • Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế vãng lai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười), kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế (sau khi xuất hóa đơn);
  • Trường hợp phát sinh nhiều lần nộp hồ sơ khai thuế trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với Cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế để nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, hạn chót là ngày 20 hàng tháng.

4.3. Nơi nộp hồ sơ khai thuế vãng lai ngoại tỉnh

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các bạn có thể kê khai nộp tờ khai thuế vãng lai qua mạng hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế địa phương nơi công ty bạn có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh. Cụ thể như sau:

  • Nếu nộp hồ sơ trực tiếp: căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh;
  • Nếu nộp hồ sơ qua mạng: nộp hồ sơ qua trang web của Tổng cục thuế.

Cụ thể các bước như thế nào chúng tôi sẽ hướng dẫn ở nội dung tiếp theo đây.

4.4. Trình tự kê khai nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thực hiện kê khai thuế vãng lai có thể thực hiện lần lượt tại nơi kinh doanh rồi khấu trừ tại trụ sở chính. Cụ thể bạn thực hiện kê khai nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh theo các bước như sau:

4.4.1. Bước 1: Kê khai thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh tại nơi hoạt động kinh doanh

Kê khai thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh tại nơi hoạt động kinh doanh bao gồm hai việc: kê khai thuế vãng lai và đăng ký nộp thuế vãng lai. Hai bước này đều thực hiện qua mạng, cụ thể như sau:

4.4.1.1. Kê khai thuế vãng lai trên phần mềm Hệ thống kê khai

Ở bước này các bạn làm tờ khai thuế vãng lai ngoại tỉnh trên phần mềm Hệ thống kê khai như sau:

  • Trước tiên, bạn tiến hành đăng nhập vào phần mềm Hệ thống kê khai, sau đó vào phần Thông tin doanh nghiệp/Người nộp thuế, chuyển cơ quan thuế nơi nộp tờ khai về địa bàn mà bạn muốn nộp tờ khai vãng lai.
  • Tiếp đó, chọn Tờ khai thuế vãng lai ngoại tỉnh (theo Mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, bấm chọn Tờ khai lần phát sinh.
  • Sau khi điền đầy đủ thông tin vào tờ khai xong các bạn kết xuất XML để làm bước tiếp theo là nộp qua mạng nhé.

Lưu ý:

  • Cách kê khai thuế giá trị gia tăng vãng lai trên phần mềm Hệ thống kê khai chỉ thực hiện được khi doanh nghiệp đã có chữ ký số (USB TOKEN);
  • Khi xuất hóa đơn tức là doanh nghiệp đã phát sinh doanh thu, lúc đó bạn phải kê khai thuế chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn. Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
4.4.1.1. Đăng ký nộp thuế vãng lai qua mạng

Bạn tiến hành đăng ký nộp thuế vãng lai tại trang web của Tổng cục thuế theo các bước như sau:

  • Trước tiên, bạn tiến hành đăng nhập vào website của Tổng cục thuế theo đường link sau đây: http://kekhaithue.gdt.gov.vn;
  • Tiếp theo, bạn truy cập vào trình chức năng Tài khoản, sau đó bấm chọn đăng ký địa bàn vãng lai, bấm chọn Cơ quan thuế cần nộp tờ khai vãng lai, bấm chọn Cục thuế/Chi cục Thuế. Sau đó bạn bấm vào ô Đăng ký;
  • Tiếp đó, hệ thống hiển thị Danh sách cơ quan thuế vãng lai đã đăng ký (trong trường hợp hệ thống không hiển thị danh sách cơ quan thuế vãng lai đã đăng ký, các bạn vào lại Tài khoản\Đăng ký địa bàn vãng lai);
  • Từ màn hình Danh sách cơ quan thuế vãng lai đã đăng ký, các bạn bấm vào nút Đăng ký tờ khai tại cơ quan thuế vãng lai tương ứng;
  • Sau khi đã đăng ký xong, các bạn vào chức năng Nộp tờ khai\Nộp tờ khai XML. Sau đó bạn chọn tờ khai XML kết xuất từ ứng dụng Hệ thống kê khai, bấm chọn Ký điện tử. Cuối cùng bạn bấm chọn Nộp tờ khai là hoàn thành.

Lưu ý:

  • Sau khi nộp xong Tờ khai thuế vãng lai 05/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, tiếp đó các bạn nộp tiền thuế giá trị gia tăng vào kho bạc nhà nước tại địa phương đó hoặc có thể nộp điện tử qua mạng vẫn được;
  • Nộp xong sẽ được cấp cho 1 chứng từ khấu trừ thuế, các bạn phải lưu lại chứng từ này để chứng minh công ty đã nộp thuế và để kê khai tại trụ sở chính nhé.

4.4.2. Bước 2: Kê khai tại trụ sở chính

Sau khi nhận được chứng từ khấu trừ thuế, các bạn sẽ tiến hành kê khai tại trụ sở chính theo trình tự thủ tục như sau:

  • Sau khi đã nhận được chứng từ khấu trừ thuế, tại trụ sở chính bạn đăng nhập vào phần mềm Hệ thống kê khai -> Tờ khai giá trị gia tăng khấu trừ (01/GTGT) -> Chọn: 01/GTGT Tờ khai thuế giá trị gia tăng khấu trừ -> Lựa chọn phụ lục 01-1/GTGT, 01-2/GTGT và 01-5/GTGT;
  • Tiếp đó, trong phụ lục 01-5/GTGT, điền đầy đủ thông tin dựa vào chứng từ khấu trừ thuế và ấn Ghi. Sau đó, phần mềm sẽ tự động cập nhật số tiền thuế đó (được khấu trừ) vào Chỉ tiêu số 39 – Số thuế đã nộp vãng lai ngoại tỉnh trên Tờ khai giá trị gia tăng khấu trừ (01/GTGT);
  • Cuối cùng, bạn nộp lại toàn bộ tiền thuế vãng lai ngoại tỉnh vào kho bạc nhà nước. Lúc này, bạn sẽ được cấp lại chứng từ khấu trừ thuế. Bạn cần giữ lại tài liệu này nếu cơ quan chức năng có yêu cầu chứng mình để có thể được giảm trừ khoản này trong các lần tiếp sau.

5. Hạch toán thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh?

Khi tiến hành hạch toán thuế vãng lai, các kế toán viên cần căn cứ vào hóa đơn, tờ khai thuế và thực hiện theo các nghiệp vụ sau:

Khi kê khai thuế vãng lai, hạch toán:

  • Nợ TK 333111
  • Có TK 333112: Chi tiết cơ quan thuế tại tỉnh phát sinh.

Thanh toán tiền thuế giá trị gia tăng vãng lai, hạch toán:

  • Nợ TK 333112: Chi tiết cơ quan thuế tại tỉnh phát sinh
  • Có TK 112,111, 13 (nếu chủ đầu tư thanh toán hộ).

Đồng thời, hạch toán khấu trừ tại trụ sở chính:

  • Nợ TK 1331
  • Có TK 333111.

6. Một số trường hợp không nộp thuế thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, một số trường hợp không nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm:

  • Bán hàng chuyển trực tiếp từ kho của công ty tại trụ sở chính đến công trình của bên mua không được coi là bán hàng vãng lai ngoại tỉnh.
  • Sửa chữa các máy móc của tỉnh được miễn thuế: Đối với máy sửa chữa dịch vụ cho các dự án thuộc tỉnh, theo Tổng cục thuế thì không phải hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng xa khỏi tỉnh. Do đó được miễn khai nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai, chỉ cần khai nộp thuế tập trung tại trụ sở chính.
  • Bán hàng tại các kho ngoại tỉnh: sử dụng dịch vụ bán hàng, sửa chữa máy móc thuộc dự án ở ngoài tỉnh, hoạt động này không phải xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh nên chỉ cần kê khai thuế tại trụ sở chính và được miễn nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai.
  • Dự án xây dựng ngoại tỉnh nếu doanh nghiệp thành lập chi nhánh hoặc quản lý dự án đầu tư xây dựng tại địa phương đó thì không phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai.
  • Cho thuê máy móc được miễn nộp thuế vãng lai: hoạt động cho thuê máy móc, thiết bị sang địa phương khác không phải là hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt hay bán hàng vãng lai theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC do đó được miễn kê khai thuế giá trị gia tăng vãng lai.
  • Mua bán tại chỗ không bị xem là bán hàng vãng lai: trường hợp mua và bán nguyên vật liệu tại địa phương đó thì không phải là hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh.
  • Bán suất ăn ca ra ngoài tỉnh được miễn thuế vãng lai: đối với hoạt động cung cấp suất ăn ca cho công nhân (bao gồm cung cấp thực phẩm và nhân công đến chế biến trực tiếp) tại các nhà máy ngoài tỉnh, Tổng cục thuế cho rằng đây không phải là hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tình. Do đó được khai thuế giá trị gia tăng tập trung tại trụ sở chính, miễn khai nộp thuế vãng lai theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
  • Giá trị công trình dưới 1 tỷ đồng được miễn thuế giá trị gia tăng vãng lai: theo quy định tại khoản 1 điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

7. Trường hợp bắt buộc phải nộp thuế vãng lai?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, một số trường hợp bắt buộc phải nộp thuế vãng lai ngoại tỉnh bao gồm các trường hợp sau đây:

  • Hoạt động lắp đặt cho các công trình ngoại tỉnh: Trong trường hợp công ty cung cấp và lắp đặt các thiết bị công trình tại các địa phương khác, công ty sẽ phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai;
  • Tiến hành chuyển nhượng bất động sản tại nơi chưa có chi nhánh: Trường hợp doanh nghiệp có thực hiện hoạt động chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh khi chưa có chi nhánh;
  • Tất cả các hạng mục xây dựng ngoại tỉnh có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên: các công trình ngoại tỉnh có giá trị trên 1 tỷ đồng thì phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai;
  • Chuyển nhượng bất động sản (kể cả chuyển nhượng bất động sản có giá trị dưới 1 tỷ đồng): căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định doanh thu dưới 1 tỷ đồng sẽ được miễn nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai. Tuy nhiên không áp dụng với lĩnh vực bất động sản;
  • Thuê mặt bằng kinh doanh tại tỉnh khác: căn cứ theo quy định tại điểm a và điểm e khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong trường hợp doanh nghiệp đi thuê mặt bằng tại các tỉnh khác để thuê mặt bằng kinh doanh và không thành lập đơn vị trực thuộc thì phải nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai.

8. Cơ sở pháp lý

  • Luật quản lý thuế năm 2019
  • Thông tư 60/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;
  • Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế có hiệu lực thi hành;
  • Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: thuế vãng lai là gì.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn về thuế trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top
Mục lục