Thuế là gì? Đặc điểm và vai trò của các loại thuế

Thuế là gì? 5 điều phải biết về các loại thuế
Hiện nay, từ giao dịch nhỏ đến các giao dịch lớn, người dân đều phải đóng một khoản thuế, phí nhất định. Để đảm bảo cho người dân nắm rõ mức thuế, phí phải đóng là bao nhiêu, Luật Quang Huy đã mở thêm Tổng đài tư vấn luật thuế phí. Nếu bạn cần hỗ trợ về những vấn đề này, liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588.

Hiện nay có rất nhiều cách hiểu về khái niệm của thuế. Vậy thuế là gì, đặc điểm và vai trò của thế ra sao? Hiện nay có các loại thuế thông dụng nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Quang Huy để hiểu rõ hơn về vấn đề này.


1. Thuế là gì?

Đến nay vẫn chưa có một khái niệm nào thống nhất về thuế. Đứng ở các góc độ khác nhau của các nhà kinh tế khác nhau lại có một khái niệm khác nhau về thuế.

Một trong những khái niệm về thuế phổ biến đó là: Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung.

Ngoài ra còn có khái niệm khác: Thuế là hình thức phân phối thu nhập tài chính của nhà nước để thực hiện chức năng của mình, dựa vào quyền lực chính trị, tiến hành phân phối sản phẩm thặng dư của xã hội một cách cưỡng chế và không hoàn lại.

Về cơ bản có thể hiểu, thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định.


2. Các loại thuế thông dụng hiện nay

2.1. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = (Doanh thu – Thu nhập được miễn thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước) x Thuế suất

Tính thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên thu nhập tính thuế và thuế suất theo quy định của Thông tư 78/2014/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/13/2013 của của chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể:

                                          Lĩnh vực hoạt động Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Thăm dò, tìm kiếm, khai thác dầu khí tại Việt Nam 32% – 50%
Tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm (gồm: vàng, bạc, bạch kim, thiếc, vonfram, antimon, đá quý, đất hiếm trừ dầu khí) 50%
Nếu tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích được giao trở lên ở các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 40%
Các lĩnh vực còn lại (áp dụng với cả mức doanh thu <20 tỷ và >=20 tỷ) 20%

Ngoài các lĩnh vực hoạt động trong bảng, các doanh nghiệp đặc biệt thuộc những ngành nghề được khuyến khích phát triển doanh nghiệp đặt tại địa bàn khó khăn sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế.

Mức thuế suất bị áp của các doanh nghiệp này có thể là thuế thu nhập doanh nghiệp 10%; miễn phí thuế hoặc giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Thông tin chi tiết về những doanh nghiệp đặc biệt được hưởng ưu đãi về thuế xem tại Thông tư 78/2014/TT-BTC và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung 2013.

Thuế là gì? 5 điều phải biết về các loại thuế
Thuế là gì? 5 điều phải biết về các loại thuế

2.2. Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng được tính trên giá trị gia tăng của dịch vụ/hàng hóa phát sinh từ quá trình sản xuất đến lưu thông đến tiêu dùng.

Thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp phải nộp được tính theo công thức:

Thuế giá trị gia tăng phải nộp = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ bán ra x Thuế suất thuế giá trị gia tăng Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ

Theo công thức này, thuế suất thuế giá trị gia tăng lần lượt là là 0%, 5% và 10% đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Chi tiết về các mức thuế suất thuế giá trị gia tăng được quy định tại điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008; khoản 3 điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013 và khoản 2, 3 điều 3 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014.

Công thức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

Thuế giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng

Doanh thu trong công thức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm cả khoản phụ thu, phí thu thêm mà doanh nghiệp được hưởng.

Theo Thông tư 219/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng được quy định với các ngành, nghề cụ thể như sau:

  • Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
  • Dịch vụ, xây dựng không bao gồm nguyên vật liệu: 5%;
  • Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu cả nguyên vật liệu: 3%;
  • Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

2.3. Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân được biết đến là thuế mà doanh nghiệp sẽ nộp thay cho người lao động. Sẽ được tính theo tháng, sau đó kê khai theo tháng hoặc quý, đến cuối năm sẽ kết toán. Hàng năm chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tính thuế, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân phát sinh hay không phát sinh khấu trừ thuế trong năm và quyết toán thuế thay cho các cá nhân có ủy quyền.

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân như sau:

Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập nhập chịu thuế thu nhập cá nhân Các khoản giảm trừ gia cảnh

2.4. Thuế xuất nhập khẩu

Thuế xuất nhập khẩu này chỉ áp dụng với các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực nhập xuất nhập khẩu.

Tùy theo từng mặt hàng mà có cách tính thuế khác nhau.

Đối với các mặt hàng áp dụng thuế suất %:

Thuế xuất nhập khẩu = Số lượng đơn vị mặt hàng thực tế xuất nhập khẩu x Giá tính thuế x Thuế suất

Thuế tài nguyên

Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tài nguyên năm 2009 có sửa đổi bổ sung. Thuế tài nguyên được áp dụng chỉ với các công ty có thực hiện hoạt động khai thác tài nguyên.

Thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường chính là loại thuế gián thu, thu vào các hàng hóa/ sản phẩm nếu sử dụng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường.

Công thức tính thuế bảo vệ môi trường như sau:

Thuế bảo vệ môi trường = Số lượng hàng hóa tính thuế x Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hóa

2.5. Thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi, bổ sung 2014; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2016 và Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ được áp dụng với các công ty kinh doanh dịch vụ/hàng hóa nằm trong đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế tiêu thụ đặc biệt được căn cứ tính dựa trên thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ/ hàng hóa chịu thuế và giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Công thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt là:

Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp = Thuế suất tiêu thụ đặc biệt x Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt

2.6. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp

Là mức lệ phí mà khi đi đăng ký thành lập doanh nghiệp mới bạn phải nộp 1 lần.

Lệ phí đăng ký kinh kinh doanh đối với công ty

  • Với các yêu cầu: đăng ký thành lập công ty, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi nội dung trong đăng ký doanh nghiệp;
  • Mức phí khi nộp trực tiếp tại phòng đăng ký kinh doanh: 100.000 VNĐ/ lần
  • Mức phí khi nộp qua ứng dụng đăng ký doanh nghiệp trực tuyến trên Cổng thông tin quốc giá: miễn phí.

Lệ phí đối với các bên phụ thuộc:

  • Với các yêu cầu: thay đổi/cấp lại/làm mới với giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng/chi nhánh/địa điểm kinh doanh của công ty;
  • Mức phí khi nộp trực tiếp tại phòng đăng ký kinh doanh: 50.000 VNĐ/lần;
  • Mức phí khi nộp qua ứng dụng đăng ký doanh nghiệp trực tuyến trên Cổng thông tin quốc giá: miễn phí.

2.7. Thuế môn bài

Theo Điều 5 Thông tư 302/2016/TT-BTC thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quy định như sau:

TT Trường hợp Thời hạn khai lệ phí Thời hạn nộp lệ phí môn bài
Tổ chức Khai lệ phí môn bài một lần khi tổ chức mới ra hoạt động kinh doanh. Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Chậm nhất là 30/1 hàng năm
  • Trường hợp tổ chức mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài.
Cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Hộ gia đình, cá nhân Nộp thuế theo phương pháp khoán. Không phải khai lệ phí môn bài.
  • Chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra sản xuất, kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng có phát sinh nghĩa vụ khai thuế.
Cho thuê bất động sản.

 

Khai lệ phí môn bài một lần theo từng hợp đồng cho thuê bất động sản.

Mức lệ phí môn bài đối với Doanh nghiệp:

Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư Mức lệ phí môn bài cả năm
Trên 10 tỷ đồng. 3.000.000 đồng/năm
Từ 10 tỷ đồng trở xuống. 2.000.000 đồng/năm
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác. 1.000.000 đồng/năm

Mức lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình:

Doanh thu bình quân năm Mức lệ phí môn bài cả năm
Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm. 1.000.000 đồng/năm
Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm. 500.000 đồng/năm
Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm. 300.000 đồng/năm.

3. Vai trò của thuế

Thuế có các vai trò sau đây:

  • Thuế tạo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước, Thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất, mang tính chất ổn định lâu dài và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tăng;
  • Công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô: Góp phần thực hiện chức năng kiểm kê, kiểm soát, quản lý hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông đối với tất cả các thành phần kinh tế theo hướng phát triển của kế hoạch nhà nước, góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mặt mất cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân;
  • Thuế giúp điều tiết nền kinh tế. Thuế tham gia điều tiết nền kinh tế gồm hai mặt: Kích thích và hạn chế. Thông qua thuế, nhà nước đã linh hoạt điều chỉnh các chính sách thuế trong từng thời kỳ nhất định, nhằm tác động vào cung-cầu giúp điều chỉnh chu kỳ kinh tế – một đặc trưng vốn có của nền kinh tế thị trường;
  • Thuế giúp đảm bảo công bằng xã hội. Thông qua thuế, nhà nước sẽ điều tiết phần chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo, bằng việc việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng.

4. Đặc điểm của thuế

Thứ nhất, thuế là khoản thu nộp bắt buộc vào ngân sách.

  • Tính bắt buộc thể hiện ở chỗ, đối với người nộp thuế, đây là nghĩa vụ chuyển giao tài sản của họ cho nhà nước khi có đủ điều kiện mà không phải là quan hệ thanh toán dù trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Đối với các cơ quan thu thuế, khi thay mặt nhà nước thực hiện các hành vi nhất định cũng không được phép lựa chọn thực hiện hay không thực hiện hành vi thu thuế, có sự phân biệt đối xử đối với người nộp thuế;
  • Đặc tính bắt buộc của thuế là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt thuế với Các khoản thu trên cơ sở tự nguyện hình thành nên ngân sách nhà nước. Điều này có ý nghĩa pháp lý quan trọng khi ban hành pháp luật về thuế và chi phối phương pháp thực hiện thu thuế của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Tính bắt buộc của thuế có mối quan hệ mật thiết với tính không hoàn trà. Do thuế không có tính hoàn trả, về lý thuyết, khó tìm thấy sự tự nguyện khi nộp thuế – hành vi chuyển giao một khối lượng tài sản cho nhà nước và chắc chắn sẽ không nhận lại được chúng trong tương lai. Vì vậy, để thực hiện thu thuế ổn định, phải sử dụng biện pháp bắt buộc như là một thuộc tính cơ bản của thuế.

Thứ hai, thuế gắn với yếu tố quyền lực.

  • Tính quyền lực của thuê được xuất phát bởi lý do xuất hiện các khoản thu về thuế của nhà nước. Thuế xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước, thực hiện việc cung cấp cơ sở vật chất cho nhà nước thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Các nhà kinh tế, chính trị đều thống nhất cho rằng thuế là biện pháp chủ yếu của nhà nước để nhà nước điều tiết hoặc can thiệp vào nền kinh tế. Bằng quyền lực chính trị, nhà nước tạo ra cho thuê, tính cố định, sự tuân thủ của đối tượng nộp thuế. Các yếu tố như đối tượng nộp thuế, thuế suất… được quy định trước và mang tính ổn định trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ gắn với yếu tố quyền lực, thuế mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tạo nguồn thu nhập tài chính cho nhà nước;
  • Đế gắn được yếu tố quyền lực nhà nước cho thuế, các quốc gia, không phân biệt mức độ phát triển, đều có xu hướng ghi nhận thuế ở văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất – các luật thuế. Điều đó cũng gián tiếp đảm bảo tính ổn định trong việc xác định nguồn thu nhập tài chính của nhà nước và đảm bảo tính ổn định của thuế.

Thứ ba, thuế không mang tính đối giá, không hoàn trả trực tiếp.

  • Thuế không phải là khoản phải trả khi các đối tượng nộp thuế đã nhận được một lợi ích hay quyền lợi cụ thể nào từ phía nhà nước. Bất kỳ “ai”, khỉ đủ điều kiện đều phải hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, không phân biệt họ đã nhận được những lợi ích công cộng nào. Điều này cho phép phân biệt thuế với các khoản thu nộp do đối tượng nộp chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình đã nhận được một lợi ích nhất định từ phía nhà nước. Đó là các khoản thu từ phí, lệ phí;
  • Thuế xuất hiện do nhu cầu chi tiêu của nhà nước, của các chủ thể quản lý xã hội. Kết quả của việc sử dụng các khoản thu từ thuế chủ yếu là các sản phẩm công (những lợi ích không thể xác định chính xác được theo giá trị vật chất). Điều đó lí giải vì sao thuế phải là các khoản thu không có tính hoàn trả. Tuy vậy, kết quả những sản phẩm do nhà nước sử dụng các khoản thu từ thuế lại được thụ hưởng bởi chính những đối tượng nộp thuế, đó là sự yên bình xã hội, sự phát triển và thịnh vượng, chế độ phúc lợi công cộng… Nói khác đi, người nộp thuế được hoàn trả một cách gián tiếp những khoản tiền nộp cho nhà nước.

5. Phân loại thuế

Căn cứ vào nhiều tiêu thức khác nhau mà người ta phân thuế ra thành nhiều loại để có thể dễ dàng quản lý.

5.1. Phân loại theo hình thức thu

Phân loại theo hình thức thu gồm có thuế trực thu và thuế gián thu.

                      Thuế trực thu                           Thuế gián thu
Là loại thuế thu trực tiếp vào khoản thu nhập, lợi ích thu được của các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân. Ví dụ: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế chuyển nhượng quyền sở hữu đất. Là loại thuế do các nhà sản xuất, thương nhân hoặc người cung cấp dịch vụ nộp cho Nhà nước thông qua việc cộng số thuế này vào giá bán cho người tiêu dùng chịu. Ví dụ: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu.
Thuế trực thu có ưu điểm đảm bảo sự công bằng trong việc điều tiết thu nhập thặng dư của người nộp thuế nhưng thường gây ra sự phản ứng về thuế của người nộp thuế do không có sự chuyển dịch về thuế và có một sự đảm bảo chắc chắn rằng phải thực hiện một nghĩa vụ nộp tiền. Thuế gián thu có ưu điểm thường hạn chế sự phản ứng thuế từ người gánh chịu thuế nhưng lại không tạo ra sự bình đẳng về điều tiết thu nhập của những đối tượng có thu nhập chênh lệch.

Xác định thuế trực thu và thuế gián thu có ý nghĩa pháp lý quan trọng. Để đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thu nhập, cần gia tăng (ban hành luật điều chỉnh) các loại thuế trực thu. Tuy vậy, việc tăng các loại thuế trực thu lại đứng trước nguy cơ không thu hút, khuyến khích việc công khai thu nhập và gây ra sự phản ứng từ người nộp thuế.

Để đảm bảo nguồn thu cho nhà nước, cần gia tăng (ban hành luật điều chỉnh) các loại thuế gián thu nhưng sẽ làm tăng khoảng cách thu nhập và trong chừng mực nào đó, sẽ hạn chế tiêu dùng xã hội. Cho dù vậy, thực tế ở các quốc gia (trong đó có Việt Nam), các loại thuế trực thu thường không phổ biến bằng thuế gián thu do sự dễ dàng chấp nhận hơn từ phía khách hàng đối với các loại thuế gián thu.

5.2. Phân loại theo tính chất hành chính

Dựa vào tính chất hành hành hành chính sẽ gồm có:

  • Thuế nhà nước (quốc gia): nộp vào ngân sách trung ương
  • Thuế địa phương: nộp vào ngân sách chính quyền địa phương

Cách phân loại này thường được sử dụng trong kế toán quốc gia, dựa vào cách tổ chức quản lý thu và cấp ngân sách thụ hưởng chúng.

5.3. Phân loại theo đối tượng tính thuế

Nếu căn cứ vào đối tượng tính thuế, có thuế đánh vào tài sản, thuế đánh vào thu nhập và thuế tiêu dùng.

  • Thuế tài sản là thuế đánh vào bản thân tài sản chứ không phải đánh vào phần thu nhập phát sinh từ tài sản đó. Các loại thuế như thuế nhà đất, thuế vốn, thuế chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng vốn là loại thuế tài sản. Các quốc gia có thể dựa vào đối tượng tài sản để tách hoặc gộp thuê phù hợp với điều kiện cụ thể.
  • Thuế đánh vào thu nhập chỉ thực hiện đối với những đối tượng có giá trị thặng dư phát sinh từ tài sản của họ. Các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân có đối tượng tính thuế là những phần thu nhập phát sinh trong quá trình sử dụng tài sản của mình hay do kết quả của lao động…
  • Thuế tiêu dùng, phần lớn là các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đặc điểm của các loại thuế trong nhóm thuế này đối tượng tính thuế chính là phần thu nhập của người chịu thuế được mang tiêu dùng vào thời điểm chịu thuế.

Việc phân chia thuế dựa trên đối tượng tính thuế có ý nghĩa pháp lý khi xác định mục tiêu điều chỉnh và mức độ điều chỉnh về thuế đối với từng nhóm thuế và gắn với các chính sách kinh tế-xã hội khác nhằm tối ưu hoá hiệu quả. Ví dụ, việc gia tăng thuế tiêu dùng sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi quốc gia ban hành luật thuế áp dụng đồng thời với các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong dân cư.

5.4. Phân loại theo đối tượng nộp thuế

Nếu căn cứ vào đối tượng nộp thuế, thuế bao gồm:

  • Thuế đánh vào các chủ thể có yếu tố nước ngoài;
  • Thuế đối với các tổ chức và cá nhân trong nước.

Cách phân chia này có ý nghĩa pháp lý quan trọng khi nhà nước cần thể hiện chính sách đối với các nhà đầu tư trong từng thời kỳ. Chẳng hạn, đối với trường hợp cần thiết phải hạn chế sự tham gia của các chủ thể có vốn đầu tư nước ngoài tại một quốc gia, chính sách thuế khoá ngặt nghèo có thể xác định là một trong những rào cản quan trọng đối với đầu tư nước ngoài.

Ngược lại, chính sách mở cửa cũng đồng nghĩa với sự nới rộng đến tối đa ưu đãi về thuế đổi với các đối tượng này. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng cách phân biệt thuế theo đối tượng nộp nếu không được giải quyết hợp lý, những tác động ngược chiều của chúng hoàn toàn không nhỏ đối với nền kinh tế, đối với tình hình xã hội.

Ngoài các tiêu chí và nội dung phân loại trên đây, còn có rất nhiều tiêu chí phân loại và nội dung phân loại thuế, tuỳ theo mục đích của người nghiên cứu đánh giá.


6. Cơ sở pháp lý

  • Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung 2013;
  • Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013;
  • Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014;
  • Luật Thuế tài nguyên năm 2009;
  • Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2016;
  • Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng hướng dẫn thi hành luật thu nhập nhập doanh nghiệp;
  • Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài;
  • Thông tư 219/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng;
  • Thông tư 78/2014/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/13/2013 của của chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề thuế là gì theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn thuế trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Cố vấn Nguyễn Quỳnh Trang
Kiểm toán viên (CPA) – Hiện là cố vấn thuế cao cấp cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn quốc với 20 năm kinh nghiệm thực tiễn
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top