Quy định quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài

Quy định quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài
Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, logo, quyền tác giả, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp,...và tất cả dịch vụ khác liên quan tới sở hữu trí tuệ. Nếu quý khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ, vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86 để được tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn.

Trong những năm qua, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không ngừng được hoàn thiện với mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng liên quan và tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật của hầu hết các quốc gia đều công nhận vấn đề này. Đặc biệt là về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài. Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn những quy định về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài.


1. Sở hữu trí tuệ là gì?

Trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định. Sở hữu trí tuệ bao gồm ba nhóm: nhóm quyền tác giả, nhóm sở hữu công nghiệp và giống cây trồng (Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019).

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền hợp pháp của chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ như sản phẩm sáng tạo trí tuệ, sử dụng và chuyển giao các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Có thể nói, quyền sở hữu trí tuệ là tập hợp các quyền đối với thành quả lao động sáng tạo hay uy tín kinh doanh của các chủ thể, được pháp luật quy định bảo hộ.

Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng.

Từ khái niệm trên, có thể rút ra một số đặc điểm của quyền sở hữu trí tuệ như sau:

  • Thứ nhất là đặc tính vô hình của tài sản trí tuệ. Tài sản nhìn chung có thể thể chia làm 02 loại là tài sản vô hình và tài sản hữu hình. Theo đó, tài sản vô hình là tài sản mà con người không thể nhận biết sự tồn tại của nó bằng giác quan, nhưng có thể nhận biết được dưới dạng thông tin và nó có khả năng sinh lợi bằng tiền và bằng các tài sản khác. Trong đó quyền sở hữu trí tuệ là một trong những tài sản mang đặc tính của tài sản vô hình. Các chủ thể có thể nhận biết tài sản thông qua nhận thức, vì vậy mà tài sản sở hữu trí tuệ có thể được nhiều người sử dụng ở nhiều nơi khác nhau trong cùng một thời điểm.
  • Thứ hai là tính xác định được. Vì quyền sở hữu trí tuệ có thể nhận biết thông qua nhận thức nên các bên có thể xác định được bản chất, phạm vi và công dụng của tài sản trí tuệ.
  • Thứ ba là tính kiểm soát được. Cụ thể là, các chủ thể bằng hành vi của mình có thể tác động lên tài sản trí tuệ bằng cách điều khiển, sản xuất, duy trì, phát triển, mua bán, trao đổi, cho thuê,…
  • Thứ tư là khả năng sinh lợi. Tài sản trí tuệ có khả năng sinh lợi thông qua việc sử dụng, mua bán, chuyển giao, cho thuê, trao đổi,…lợi ích đó có thể là vật chất hoặc tinh thần tùy vào thỏa thuận các bên.
  • Cuối cùng là tính sáng tạo và đổi mới. Đây là đặc tính riêng để phân biệt tài sản trí tuệ với các dạng tài sản vô hình khác, hoặc phân biệt với một đối tượng đã biết nhưng được đổi mới.

2. Quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài là gì?

Quyền sở hữu trí tuệ trong tư pháp quốc tế là một trong các quyền sở hữu bao gồm  quyền sở hữu công nghiệp và quyền sở hữu tác giả có yếu tố nước ngoài liên quan tới:

  • Các tác phẩm văn học khoa học, nghệ thuật;
  • Việc trình diễn của các nghệ sĩ, các chương trình phát, truyền thanh, phát và truyền hình;
  • Các sáng chế thuộc mọi lĩnh vực sáng tạo của con người và các phát minh khoa học;
  • Các kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu hàng hóa, các thương hiệu;
  • Các chỉ dẫn thương mại và bảo vệ chống cạnh tranh không lành mạnh;
  • Mọi quyền khác là kết quả từ hoạt động trí tuệ trong những lĩnh vực công nghệ, văn học, khoa học, nghệ thuật.
Quy định quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài
Quy định quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài

3. Quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài?

Quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài rất đa dạng và phức tạp. Bởi lẽ, sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài phát sinh trên cơ sở pháp luật của nước nào sẽ chỉ được bảo hộ ở nước đó. Hay nói cách khác, nếu đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được khai thác, sử dụng bất hợp pháp tại lãnh thổ một quốc gia mà quốc gia đó pháp luật không bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thì quyền sở hữu trí tuệ của đối tượng đó cũng không được bảo vệ. Đó là tính lãnh thổ đặc trưng của loại quyền này.

Ví dụ: một tác phẩm đăng ký bảo hộ tại Việt Nam sẽ chỉ được pháp luật Việt Nam bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, còn tại Mỹ thì tác phẩm đó lại không được bảo hộ. Song dưới góc độ lợi ích của chủ sở hữu quyền, điều đó là hết sức bất công và vô lý, nếu không giải quyết được bất cập này chắc chắn sự sáng tạo sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, để quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể được bảo hộ trong phạm vi quốc tế, các quốc gia có thể tham gia các điều ước quốc tế, để thỏa thuận về trách nhiệm cùng nhau bảo vệ chủ sở hữu quyền, ngăn chặn sự vi phạm tại các vùng lãnh thổ mà pháp luật quốc gia gốc không có hiệu lực.

Về phía pháp luật quốc gia, thông thường các quốc gia sẽ tự xây dựng pháp luật của mình trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật quốc gia còn ghi nhận các quy định của các điều ước quốc tế mà các quốc gia tham gia bằng cách nội luật hóa hoặc dẫn chiếu áp dụng điều ước quốc tế. Như vậy, khi một đối tượng sở hữu trí tuệ của công dân nước sở tại phát sinh tại nước đó sẽ được bảo hộ tại chính nước đó bằng luật quốc gia nước mình.

Nhưng nếu quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài thì sự bảo hộ sẽ như thế nào? Chẳng hạn như một tác phẩm văn học của tác giả người nước ngoài đã bị dịch và in tại Việt Nam mà không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền được bảo hộ ở Việt Nam hay không và bằng luật nào?

Ở ví dụ trên, tác giả chủ sở hữu của tác phẩm đó có được bảo hộ hay không ở Việt Nam không thể trả lời ngay được mà phải căn cứ vào pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tức là căn cứ vào pháp luật của nước nơi sự bảo hộ được yêu cầu.

Chính vì cho rằng, việc áp dụng pháp luật của nước nơi sự bảo hộ được yêu cầu là đương nhiên nên trong các văn bản pháp luật trước đây của Việt Nam, Bộ luật dân sự hay Luật sở hữu trí tuệ trước đây đều không hề quy định về việc pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh vấn đề này mà mặc nhiên sẽ là pháp luật của nước nơi có yêu cầu bảo hộ.

Tuy nhiên, Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2015 lại có một quy phạm quy định về việc xác định pháp luật áp dụng trong lĩnh vực này, cụ thể là quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đổi tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.

Với quy định này khi tổ chức, cá nhân nước ngoài có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam thì pháp luật được áp dụng là pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Với quy định như vậy Bộ luật dân sự năm 2015 đã thừa nhận quan điểm có xung đột pháp luật trong quan hệ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng và chuyển nhượng quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Có thể hiểu Việt Nam thiên về sử dụng hệ thuộc luật của nước nơi quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.

Tuy nhiên, cần lưu ý quy định này chỉ xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, còn các quan hệ khác có liên quan đến sở hữu trí tuệ ví dụ các quan hệ về hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ, hoặc quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy phạm quy định tại Điều 679 mà sẽ được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác.

Ngoài ra theo quy định tại Điều 679 Bộ luật dân sự năm 2015, chủ sở hữu của tài sản trí tuệ có thể đăng ký bảo hộ ở nhiều quốc gia khác nhau. Theo quy định này thì yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở đâu thì áp dụng pháp luật nước đó. Một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ có thể được bảo hộ ở nhiều quốc gia khác nhau, và cơ chế bảo hộ tùy thuộc vào quy định pháp luật của các quốc gia đó, nó thể giống hoặc khác nhau.

Ví dụ: đối với nhãn hiệu Coca-Cola được đăng ký bảo hộ tại Mỹ, thì pháp luật của Mỹ sẽ bảo hộ trong phạm vi nước Mỹ. Sau này khi phát triển ra thị trường thế giới Coca-Cola đăng ký bảo hộ tại nhiều nước khác nhau trong đó có Việt Nam. Lúc này pháp luật Việt Nam cũng sẽ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu này trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Tương tự với các quốc gia mà khác mà Coca-Cola đăng ký bảo hộ cũng vậy. Tuy nhiên nếu Coca-Cola không đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì sẽ không được pháp luật Việt Nam bảo hộ, trừ trường hợp đây được xem là nhãn hiệu nổi tiếng (theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019) thì sẽ đương nhiên được bảo hộ mà không cần đăng ký.


4. Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, số 50/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015, số 91/2015/QH13 ban hành ngày 24/11/2015.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài.

Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn Luật Bảo hiểm xã hội của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top