Các trường hợp giới hạn quyền tác giả

Các trường hợp giới hạn quyền tác giả
Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, logo, quyền tác giả, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp,...và tất cả dịch vụ khác liên quan tới sở hữu trí tuệ. Nếu quý khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ, vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86 để được tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn.

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Vậy có trường hợp nào quyền tác giả bị hạn chế, giới hạn không? Để nắm rõ được các quy định về giới hạn quyền tác giả, xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Quang Huy.


1. Giới hạn quyền tác giả là gì?

Giới hạn quyền tác giả là những hạn chế về quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hay còn được hiểu như là các ngoại lệ của quyền tác giả. Giới hạn quyền tác giả là quy định liên quan tới việc khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bảng ghi âm hình, chương trình sóng các trường hợp đặc biệt, cụ thể nhằm đáp ứng các nhu cầu chính đáng phục vụ công tác thông tin, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và chính sách xã hội.


2. Các trường hợp giới hạn quyền tác giả

2.1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

Theo Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2009, 2019, các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

  • Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân (luật quy định cụ thể số lượng sao chép là một bản và nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân, không nhằm mục đích thương mại);
  • Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; Việc trích dẫn tác phẩm phải đáp ứng điều kiện: Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình và phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn;
  • Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
  • Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;
  • Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu; (Đây là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số;
  • Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;
  • Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;
  • Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;
  • Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
  • Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng (chỉ áp dụng cho trường hợp nhập khẩu không quá một bản).

2.2. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao quy định tại Điều 26 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2009, 2019 gồm:

  • Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận;
  • Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Các trường hợp giới hạn quyền tác giả
Các trường hợp giới hạn quyền tác giả

3. Quy định về giới hạn quyền tác giả trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm

Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Nghị định 22/2018/NĐ-CP, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản như sau:

Các đồng tác giả cùng được hưởng quyền nhân thân:

  • Quyền đặt tên cho tác phẩm;
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm;
  • Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Các đồng tác giả cùng được hưởng quyền tài sản:

  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính;
  • Độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền nêu trên;
  • Cá nhân, tổ chức khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho các đồng tác giả.

Lưu ý: Nếu tác phẩm được hình thành theo nhiệm vụ hoặc theo hợp đồng thì các đồng tác giả không có quyền tài sản.

Trong các trường hợp dưới đây, quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm giữa các đồng tác giả được điều chỉnh như sau:

  • Tác phẩm được coi là đồng sở hữu chung duy nhất: Các phần riêng biệt do từng tác giả sáng tạo là không thể tách rời hoặc việc sử dụng độc lập từng phần riêng biệt làm phương hại đến quyền lợi của các tác giả khác.

Nếu tác phẩm được coi là đồng sở hữu và không có thỏa thuận khác thì việc sử dụng, định đoạt tác phẩm phải được sự thỏa thuận của tất cả các đồng sở hữu, trong  trường hợp có đồng sở hữu chết thì phải được sự thỏa thuận của những người thừa kế hợp pháp.

  • Tác phẩm được coi là sở hữu chung từng phần: Các đồng tác giả sáng tạo ra tác phẩm nếu có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác thì có các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với phần riêng biệt đó.

4. Ý nghĩa của việc quy định giới hạn quyền tác giả

Bản chất của nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và lợi ích xã hội là sự dung hòa quyền lợi giữa các bên nhằm tạo ra điều kiện tồn tại và phát triển cho chính các bên. Mỗi bên sẽ phải hy sinh một phần quyền lợi của mình để hướng tới lợi ích chung lớn hơn, mà sâu xa hơn chính là tạo ra một xã hội phát triển bền vững, công bằng và bình đẳng.

Vì thế, việc quy định giới hạn quyền tác giả có các ý nghĩa sau:

  • Cần đảm bảo một cơ chế bảo hộ quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các sản phẩm trí tuệ.
  • Cần đảm bảo cho công chúng được tiếp cận tri thức rộng rãi.

Đáp ứng được hai yêu cầu này, thì một quốc gia đã giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu trí tuệ và công chúng, cuối cùng nhằm hướng tới mục đích bảo vệ lợi ích cho cả hai bên để hướng tới một xã hội tri thức.

Nếu nhà nước không có cơ chế bảo hộ thích hợp quyền của chủ sở hữu trí tuệ thì không thể khuyến khích sự sáng tạo; tuy nhiên nếu chỉ hướng tới bảo vệ tác giả thì có thể dẫn đến sự lạm dụng độc quyền và ảnh hưởng đến việc tiếp cận tri thức của đông đảo công chúng, chưa kể nếu bảo hộ quá lâu sẽ dẫn đến sự cản trở của giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Do đó, việc giới hạn quyền tác giả đem lại ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình bảo vệ và khai thác quyền tác giả.


5. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 có thể xác định về thời hạn bảo hộ như sau:

5.1. Bảo hộ vô thời hạn

Các quyền được pháp luật bảo hộ vô thời hạn được hiểu là các quyền nhân thân đã gắn liền với tác giả và các quyền đó không thể chuyển dịch, bao gồm các quyền cụ thể như sau: Quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả…

5.2. Bảo hộ có thời hạn

Các quyền đối với tác phẩm được pháp luật bảo hộ có thời hạn theo quy định bao gồm quyền nhân thân có thể chuyển dịch (quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm) và các quyền tài sản. Theo quy định cụ thể tại Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ có hai cách tính thời hạn bảo hộ quyền tác giả cụ thể như sau:

  • Đối với tác phẩm điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh: là những tác phẩm có thời hạn bảo hộ không tính theo nguyên tắc đời người.

Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO cũng như tham gia ký kết một số điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến quyền tác giả. Do đó, các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này phải phù hợp và tương thích với các cam kết quốc tế.

  • Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn bảo hộ được tính từ khi tác phẩm đó được định hình. Nếu đã hết năm mươi năm đó tác phẩm mới được công bố thì sẽ không được bảo hộ nữa.

  • Đối với tác phẩm khuyết danh là tác phẩm mà tác giả không đứng tên trên tác phẩm đó hoặc hoặc chỉ đề kí hiệu trên tác phẩm nhưng ký hiệu đó không đủ cơ sở để xác định chính xác về tác giả của tác phẩm.

Trong thời hạn được nêu trên, các chủ thể là người được hưởng quyền đối với tác phẩm khuyết danh là Nhà nước, trong trường hợp tác phẩm khuyết danh cho các tổ chức, cá nhân đang quản lý thì tổ chức, cá nhân đó được hưởng quyền đối với tác phẩm.

Trong trường hợp khi các thông tin về tác giả xuất hiện trong thời hạn năm mươi năm kể từ khi tác phẩm khuyết danh được công bố lần đầu tiên đủ để xác định danh tính của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm khuyết danh thì các quyền đối với tác phẩm đó thuộc về họ và sẽ được bảo hộ kể từ ngày danh tính của các chủ thể đó được xác định cho đến năm mươi năm sau khi họ chết (nếu tác phẩm khuyết danh đó không thuộc tác phẩm điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng).

  • Đối với tác phẩm di cảo thì pháp luật quy định thời hạn bảo hộ là năm mươi năm kể từ khi tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên. Di cảo được hiểu là bản thảo tác phẩm của người chết để lại.

Theo đó, ta có thể hiểu tác phẩm di cảo là tác phẩm chỉ được phát hiện sau khi tác giả của tác phẩm đã chết. Do vậy, khi tác giả của tác phẩm đó còn sống thì tác phẩm đã được định hình theo hình thái vật chất nhất định nhưng chưa ai biết về tác phẩm đó nên thời hạn được bảo hộ đối với tác phẩm này không được xác định theo thời điểm tác phẩm được định hình;

  • Còn đối với tác phẩm thuộc các loại hình khác thì thời hạn bảo hộ được quy định là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết. Trong đó, đối với tác phẩm do một tác giả sáng tạo thì thời điểm bắt đầu để tính năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết là thời điểm tác giả đó chết hoặc được coi là đã chết.

Đối với tác phẩm do các đồng tác giả cùng sáng tạo ra thì pháp luật quy định thời điểm bắt đầu để tính năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết là thời điểm tác giả cuối cùng chết hoặc được coi là đã chết.


6. Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2009, 2019;
  • Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về giới hạn quyền tác giả. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Nếu nội dung bài viết còn chưa rõ, hoặc bạn cần tư vấn, hỏi đáp thêm về giới hạn quyền tác giả, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật sở hữu trí tuệ qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

Đánh giá
Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top