Khi nào bị hạn chế quyền thăm nom con sau ly hôn?

Hạn chế quyền thăm nom con sau ly hôn
Bạn muốn ly hôn nhanh chóng và đơn giản?

Nếu quá mệt mỏi với thủ tục ly hôn, bạn có thể sử dụng dịch vụ luật sư hỗ trợ ly hôn nhanh chỉ trong O1 ngày với chi phí chỉ từ 9.999.999đ. Liên hệ ngay hotline 0369.246.588 để được báo giá chi tiết. Trân trọng.

Chào Luật sư!

Vợ chồng tôi kết hôn từ năm 2015, có một cháu 3 tuổi và đã ly hôn từ tháng 1.

Tòa án đã quyết định giao con cho tôi nuôi.

Chồng tôi bảo rằng anh ta vẫn có quyền thăm con sau ly hôn nên nhiều lần đã tự ý đón con về bên nhà chồng mà không có sự đồng ý của tôi.

Hơn nữa, anh ta còn không chăm sóc được cho cháu nên mỗi lần đón về cháu đều bị ốm.

Tôi sợ nếu anh ta tiếp tục tự ý đón con về nhà như thế thì sẽ ảnh hưởng đến con.

Trong trường hợp này có thể hạn chế quyền thăm con nom con sau ly hôn của anh ta được không?

Mong Luật sư giải đáp giúp, tôi xin cảm ơn.


Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi.

Vấn đề cha mẹ tự ý đón con về nhà mà không được sự đồng ý của người trực tiếp nuôi con thường xuyên diễn ra trên thực tế. Hiểu được thực trạng này, Luật Quang Huy chúng tôi xin cung cấp đến bạn những quy định của pháp luật về việc hạn chế quyền thăm con sau ly hôn.


1. Quyền thăm nom con sau ly hôn

Sau ly hôn, Tòa án giao con cho một bên cha hoặc mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc.

Người còn lại vẫn có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau:

  • Tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
  • Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  • Được thăm nom con mà không bị ai cản trở.

Như vậy, sau khi ly hôn, chồng bạn vẫn có quyền thăm nom con, được đón con về nhà mà không bị ai cản trở.

Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo quyền của người không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con nhưng vẫn được thăm nom, gần gũi con.


2. Có thể hạn chế quyền thăm nom con sau ly hôn không?

Thăm nom con là quyền của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và không ai có quyền cản trở việc thăm nom con đó.

Tuy nhiên, quyền này không phải là tuyệt đối.

Và cha mẹ không trực tiếp nuôi con có thể bị cản trở quyền thăm nom con nếu gây ảnh hưởng đến quyền lợi của con.

Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định như sau:

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Theo quy định này, quyền thăm nom con sau ly hôn bị hạn chế trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con mà lạm dụng việc thăm nom con với mục đích:

  • Cản trở việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
  • Gây ảnh hưởng xấu đến đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con: ví dụ như xúi dục con làm những điều vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; có những hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe của con,…

Đối với trường hợp của bạn, nếu chồng bạn lạm dụng quyền thăm nom con, tự ý đón con về nhà mà không được sự đồng ý của bạn dẫn đến việc con bị ốm, gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hạn chế quyền thăm nom con sau ly hôn của chồng.


3. Thủ tục yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con sau ly hôn

3.1 Chuẩn bị hồ sơ

Khi yêu cầu Tòa án xem xét hạn chế quyền thăm nom con sau khi ly hôn, bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Đơn yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con sau ly hôn.
  • Bản sao có công chứng quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án.
  • Bản sao chứng minh nhân dân của người có yêu cầu.
  • Bản sao sổ hộ khẩu hoặc xác nhận cư trú của người bị yêu cầu.
  • Các giấy tờ, căn cứ chứng minh việc người không trực tiếp nuôi con lạm dụng quyền thăm nom con gây cản trở hoặc ảnh hưởng xấu tới việc chăm sóc, giáo dục con.

3.2 Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Điểm k khoản 2 điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ quy định như sau:

Tòa án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.

Như vậy, sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ trong hồ sơ, bạn gửi hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bạn hoặc chồng bạn đang cư trú để được giải quyết.

3.3 Tòa án giải quyết yêu cầu

Sau khi bạn nộp đơn lên tòa, trong thời gian 03 ngày làm việc, Tòa án phân công thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.

Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bạn tiến hành sửa đổi, bổ sung đơn.

Khi đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ đã đủ điều kiện để thụ lý, thẩm phán sẽ thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí giải quyết việc dân sự và tiến hành thụ lý đơn yêu cầu hạn chế quyền thăm con.

Thủ tục chuẩn bị xét đơn yêu cầu sẽ được tiến hành và Thẩm phán được phân công thực hiện các hoạt động lấy ý kiến hai bên và hòa giải.

Sau thời hạn 01 tháng chuẩn bị xét đơn yêu cầu, tòa án ra quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự nếu không hòa giải được.

Sau 15 ngày kể từ ngày ra quyết định này, Tòa án mở phiên họp để xem xét.

Nếu thấy có căn cứ cho thấy việc thăm nom con làm cản trở hoặc ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của con thì Thẩm phán ra quyết định hạn chế quyền thăm nom con.

Như vậy, thời gian giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con sau khi ly hôn sẽ kéo dài từ 02 – 03 tháng.


4. Lệ phí giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con sau ly hôn

Căn cứ theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 Quy định về mức, thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu hạn chế quyền thăm con sau ly hôn là 300.000 đồng.


5. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
  • Nghị quyết 326/2014/UBTVQH14 Về mức, thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Trên đây là toàn bộ quy định của pháp luật về vấn đề hạn chế quyền thăm nom con sau khi ly hôn mà chúng tôi cung cấp đến bạn.

Mọi thắc mắc bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn hôn nhân và gia đình qua Tổng đài 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp cụ thể hơn.

Trân trọng ./.

5/5 - (3 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top