Trục xuất là gì? Quy định về trục xuất

Trục xuất là gì? Quy định về trục xuất
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Bạn đang khó khăn trong việc tìm hiểu hình phạt trục xuất áp dụng với người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Bạn đang muốn biết trục xuất là gì? Các biện pháp áp dụng biện pháp trục xuất là gì?

Quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất bao gồm những gì? Thủ tục áp dụng hình phạt trục xuất như thế nào?

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hình phạt trục xuất này.


1. Trục xuất là gì?

Theo Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về trục xuất như sau:

Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.


2. Các trường hợp áp dụng hình phạt trục xuất

Người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

  • Bị toà án có thẩm quyền của Việt Nam xử phạt trục xuất;
  • Bị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất. Việc trục xuất người nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao trong những trường hợp:
  • Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, bị xử phạt hành chính;
  • Phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Vì lí do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

3. Quyền và nghĩa vụ người bị trục xuất

Quyền của người bị trục xuất gồm:

  • Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành;
  • Được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp;
  • Được thực hiện các chế độ ở; ăn mặc; sinh hoạt thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thông tin liên lạc, quản lý tài sản; thăm gặp; khám, chữa bệnh và chế độ đối với trẻ em là con của người bị trục xuất trong thời gian làm thủ tục trục xuất tại cơ sở lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất;
  • Được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
  • Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nghĩa vụ của người bị trục xuất gồm:

  • Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định, bản án trục xuất;
  • Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
  • Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất
  • Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có).

Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính;

  • Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trục xuất là gì? Quy định về trục xuất
Trục xuất là gì? Quy định về trục xuất

4. So sánh trục xuất là hình phạt chính với trục xuất là hình phạt bổ sung

4.1 Trục xuất là hình phạt chính với trục xuất là hình phạt bổ sung có gì giống nhau?

  • Đều là hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
  • Đều là hình phạt buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4.2 Phân biệt trục xuất là hình phạt chính với trục xuất là hình phạt bổ sung

4.2.1 Về nguyên tắc áp dụng

  • Trục xuất là hình phạt chính khi hình phạt trục xuất được tuyên độc lập, hình phạt trục xuất được vận dụng riêng rẽ chứ không đồng thời áp dụng đối với người phạm tội chỉ áp dụng một trong các hình phạt chính.

Khi tòa án áp dụng một hình phạt chính có thể áp dụng thêm một hoặc nhiều biện pháp hình phạt bổ sung.

  • Trục xuất là hình phạt bổ sung thì luôn phải đi kèm với một hình phạt chính khác.

4.2.2 Về tích chất, mức độ

Hình phạt chính trục xuất với hình phạt trục xuất bổ sung thì hình phạt chính mang tính nghiêm khắc, nặng hơn rất nhiều. Hình phạt chính đánh thẳng vào các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do, quyền sống.

Hình phạt trục xuất bổ sung thì nhẹ hơn rất nhiều so với hình phạt chính trục xuất.

Như vậy, trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tùy theo trường hợp được tòa án áp dụng.

Khi quyết định hình phạt đối với người nước ngoài, Tòa án căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của họ để quyết định trục xuất là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung.


5. Thủ tục áp dụng hình phạt trục xuất

5.1 Thông báo thi hành án phạt trục xuất

Theo Điều 119 Luật Thi hành án hình sự năm 2019:

Trường hợp ra quyết định thi hành án phạt trục xuất, Tòa án phải gửi ngay quyết định cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh và Viện kiểm sát cùng cấp, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải tống đạt quyết định thi hành án cho người chấp hành án và thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam.

Trường hợp người chấp hành án đang bị tạm giam thì phải gửi quyết định này cho trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi đang tạm giam người đó để tống đạt cho người chấp hành án.

Trường hợp phạm nhân có hình phạt bổ sung là trục xuất, trong 02 tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù, Giám thị trại giam phải thông báo bằng văn bản cho phạm nhân đó và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi trại giam đóng.

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam.

5.2 Lập hồ sơ thi hành án phạt trục xuất

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh lập hồ sơ thi hành án phạt trục xuất.

Hồ sơ thi hành án phạt trục xuất bao gồm:

  • Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật; quyết định thi hành án phạt trục xuất hoặc bản sao quyết định thi hành án phạt tù trong trường hợp trục xuất là hình phạt bổ sung;
  • Bản sao hộ chiếu hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của người chấp hành án;
  • Giấy tờ chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt, nghĩa vụ khác;
  • Tài liệu khác có liên quan.

5.3 Lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh

Trong thời gian chờ xuất cảnh, người chấp hành án phải lưu trú tại nơi được cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh chỉ định.

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Không có nơi thường trú, tạm trú;
  • Nhập cảnh trái phép hoặc phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
  • Tự ý rời khỏi nơi lưu trú được chỉ định hoặc không chấp hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền;
  • Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh;
  • Có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành án phạt trục xuất;
  • Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
  • Tự nguyện xin vào cơ sở lưu trú.

Trường hợp người chấp hành án chết trong thời gian chờ xuất cảnh thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết.

Thủ tục áp dụng hình phạt trục xuất
Thủ tục áp dụng hình phạt trục xuất

5.4 Thực hiện buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam

Đến thời hạn người chấp hành án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền tiến hành kiểm tra căn cước của người chấp hành án phạt trục xuất và áp giải người đó đến địa điểm xuất cảnh và buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Người chấp hành án phạt trục xuất được mang theo tài sản hợp pháp của mình khi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thi hành xong án phạt trục xuất, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải thông báo việc thi hành án phạt trục xuất cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Trường hợp người chấp hành án bỏ trốn thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú chỉ định phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú chỉ định.

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nhận được thông báo phải tổ chức truy bắt ngay.

Trường hợp truy bắt không có kết quả thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày người chấp hành án bỏ trốn, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã.


6. Chi phí trục xuất

Người chấp hành án phạt trục xuất phải chịu chi phí vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất không có khả năng tự chịu chi phí thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà người đó làm việc, cơ quan, tổ chức đã bảo lãnh người đó vào Việt Nam giải quyết kinh phí đưa người chấp hành án phạt trục xuất về nước.

Trường hợp đã yêu cầu mà cơ quan, tổ chức đó vẫn chưa giải quyết được kinh phí nhưng vì lý do an ninh quốc gia cần phải trục xuất ngay thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an quyết định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi trả vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu biển cho người chấp hành án phạt trục xuất.


7. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
  • Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Trên đây là toàn bộ nội dung về vấn đề xoay quanh hình phạt trục xuất trong Bộ luật Hình sự

Qua bài viết này chúng tôi mong rằng sẽ giúp bạn nắm được rõ về chủ đề này.

Luật Quang Huy là công ty có kinh nghiệm không chỉ trong việc tư vấn luật Hình sự mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là Luật sư biện hộ cho nhiều vụ án Hình sự trong cả nước.

Nếu còn điều gì chưa rõ, cần hỗ trợ, các bạn có thể liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật hình sự trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Tạ Gia Lương
Luật sư Tạ Gia Lương
Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Nguyên là Chánh tòa hình sự tòa án nhân dân Tỉnh Phú Thọ, có gần 30 năm kinh nghiệm xét xử các vụ án lớn nhỏ.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top