Tội phạm tham nhũng là gì? Cấu thành tội phạm quy định thế nào?

Tham nhũng là gì? Phân loại tội tham nhũng?
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Thời gian gần đây, tham nhũng luôn là vấn đề nhức nhối và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Vậy tham nhũng là gì? Có bao nhiêu tội tham nhũng? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Quang Huy để được giải đáp.


1. Tham nhũng là gì?

Định nghĩa về tham nhũng được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 như sau: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Trong đó:

  • Cán bộ, công chức, viên chức là một trong những đối tượng của người có chức vụ, quyền hạn. Đối tượng này là người được bổ nhiệm, bầu cử, tuyển dụng, ký hợp đồng… có hoặc không có hưởng lương, có quyền hạn nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định được giao.
  • Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng.

Như vậy, theo định nghĩa này, đối tượng tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn và người này phải lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được một lợi ích nào đó không chính đáng.

Các hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức được nêu tại Điều 2 của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ; nhũng nhiễu vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi…


2. Tham ô là gì?

Tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức Nhà nước thành tài sản riêng của mình và do mình quản lý riêng, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp.

Tham ô là một trong số hành vi của tham nhũng, do đó người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước chiếm đoạt tài sản công và gây ra nhũng nhiễu dân.


3. Những hành vi nào bị coi là tham nhũng?

Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

  • Tham ô tài sản:
  • Thủ đoạn phạm tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Nghĩa là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như một phương tiện phạm tội để biến tài sản của Nhà nước thành tài sản của mình.
  • Hành vi khách quan của tội phạm: Là hành vi chiếm đoạt tài sản, được thực hiện một cách công khai hoặc bí mật. Thông thường, để che dấu hành vi chiếm đoạt, kẻ phạm tội thường có hành vi sửa chữa sổ sách, chứng từ, lập chứng từ giả, tạo hiện trường giả, tiêu hủy hóa đơn, chứng từ, đốt kho chứa tài sản.
  • Nhận hối lộ: Tội nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích (vật chất hoặc phi vật chất khác) dưới bất kỳ hình thức nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người khác hoặc cho tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hay theo yêu  cầu của người đưa hối lộ.
  • Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: thủ đoạn phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn là việc người phạm tội đã làm một việc vượt quá quyền hạn của mình để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tham nhũng là gì? Phân loại tội tham nhũng?
Tham nhũng là gì? Phân loại tội tham nhũng?

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản. Phương tiện phạm tội, tương tự như các tội liên quan đến tội phạm tham nhũng, Bộ luật hình sự năm 2015 đã tăng mức định lượng giá trị tiền, tài sản bị chiếm đoạt ở tình tiết định tội và định khung tăng nặng trong tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi:
  • Hành vi tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ và các tội phạm khác, có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn; do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi gây thiệt hại đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội.
  • Nếu họ không có chức vụ, quyền hạn thì họ không thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội.
  • Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có quyền hạn, có chức vụ vì lợi ích của mình hoặc động cơ cá nhân khác vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây nên thiệt hại cho lợi ích của xã hội, của nhà nước và những lợi ích hợp pháp khác của công dân.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hành vi trực tiếp hay qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ.
  • Giả mạo trong công tác vì vụ lợi: Giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
  • Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi:
  • Tội đưa hối lộ là hành vi cố ý của một người đưa tài sản hoặc lợi ích vật chất dưới một hình thức bất kì-một cách bất chính-cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một yêu cầu của người đưa hối lộ.
  • Tội môi giới hối lộ là hành vi cố ý làm trung gian, làm cầu nối giữa người nhận và người đưa hối lộ để đạt được thỏa thuận về việc người nhận hối lộ sẽ làm hoặc không làm một yêu cầu của người đưa hối lộ để đổi lấy tài sản hoặc một lợi ích vật chất.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi. Là hành vi lợi dụng việc được giao quyền quản lý tài sản của nhà nước để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc một nhóm người nào đó thay vì phục vụ cho lợi ích công. Biểu hiện của hành vi này thường là cho thuê tài sản công nhằm vụ lợi.
  • Nhũng nhiễu vì vụ lợi: Hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi là hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm đòi hỏi, ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải nộp những khoản chi phí ngoài quy định hoặc phải thực hiện hành vi khác vì lợi ích của người có hành vi nhũng nhiễu
  • Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

  • Tham ô tài sản: Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Như vậy, theo quy định này, Tội tham ô tài sản có thể được áp dụng để xử lý đối với những người có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trong các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân.
  • Nhận hối lộ: Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”.
  • Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

4. Các yếu tố cấu thành tội phạm về tham nhũng?

4.1. Khách thể

Các tội phạm về tham nhũng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Hoạt động xâm hại ấy làm sai đi bản chất công việc mà cơ quan có thẩm quyền và hoạt động ấy đáng nhẽ không được làm.

Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là hoạt động bình thường tuân thủ các quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức.

Cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, tội phạm về tham nhũng còn xâm phạm đến quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

4.2. Mặt chủ quan

Các tội phạm về tham nhũng được thực hiện với lỗi cố ý.

Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích.

4.3. Mặt khách quan

Người phạm tội tham nhũng được quy định tại Mục 1, Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là người thực hiện một trong những hành vi sau đây:

  • Hành vi tham ô tài sản: hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, tức là người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện việc chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của cơ quan, tổ chức đang do người phạm tội quản lý thành tài sản của người phạm tội. Thủ đoạn chiếm đoạt và che dấu việc chiếm đoạt tài sản có thể rất khác nhau như công nhiên hoặc lén lút, bí mật hoặc thực hiện bằng thủ đoạn gian dối để che đậy hành vi chiếm đoạt.
  • Hành vi nhận hối lộ: người nào có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau:
  • Nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên;
  • Nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý ký luật về hành vi nhận hối lộ mà còn vi phạm. Bị coi là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ mà còn vi phạm nếu trước đó đã bị người có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành vi nhận hối lộ nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý kỷ luật mà còn thực hiện hành vi nhận hối lộ.
  • Nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
  • Nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất. Nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất như nhận hoặc sẽ nhận hối lộ tình dục (nhận hoặc sẽ nhận được sự đồng thuận giao cấu hoặc thực hiện quan hệ tình dục khác của người khác), nhận hoặc sẽ nhận được sự can thiệp của người khác để mình hoặc người thân của mình lên chức vụ cao hơn, được sắp xếp vị trí công tác thuận lợi hơn; nhận hoặc sẽ nhận được việc con cái của họ được học trường chuyên, lớp chọn, được đi du học,…
  • Người phạm tội có thể nhận tiền, tài sản, lợi ích phi vật chất trực tiếp từ người đưa hối lộ hoặc qua người môi giới. Người đưa hối lộ và người môi giới hối lộ mà tùy từng trường hợp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ theo Điều 364 bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 hoặc tội môi giới hối lộ theo Điều 365 bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
  • Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn mà sử dụng chức vụ, quyền hạn vượt quá phạm vi thẩm quyền được giao chiếm đoạt tài sản người khác. Hành vi này cấu thành tội phạm nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
  • Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 2.000.000 đồng trở lên;
  • Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  • Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội về tham nhũng sau, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
  • Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: người nào có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  • Hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ: người nào có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  • Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
  • Hành vi giả mạo trong công tác: có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một trong các hành vi:
  • Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
  • Làm, cấp giấy tờ giả;
  • Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

4.4. Chủ thể

Chủ thể của các tội phạm về tham nhũng là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và có dấu hiệu chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước).

Người có chức vụ (người có chức vụ, quyền hạn) được xác định là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có thưởng lương hoặc không thưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm:

  • Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
  • Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
  • Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Khi thực hiện hành vi tham nhũng, người tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng.

Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng.

Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.


5. Có bao nhiêu tội phạm về tham nhũng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, chúng có thể cấu kết với nhau để thực hiện hành vi phạm tội của mình bằng những phương thức vô cùng xỏa huyệt, tinh vi nhằm mục đích hoàn thành được ý đồ tham nhũng của mình.

Tội phạm về tham nhũng bao gồm các tội danh sau: Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ, Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, Tội giả mạo trong công tác (Căn cứ: Điều 353, Điều 354, Điều 355, Điều 356, Điều 357, Điều 358, Điều 359, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).


6. Trách nhiệm hình sự đối với tội tham nhũng?

Hành vi này đã xâm phạm đến hoạt động minh bạch, sự uy tín và quá trình làm việc đúng đắn của cơ quan, tổ chức nên phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo đó, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hai hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

  • Hình phạt chính: Phạt tù
  • Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

7. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Luật phòng chống tham nhũng năm 2018.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề tham nhũng là gì? Có bao nhiêu tội tham nhũng theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ qua Tổng đài tư vấn luật hình sự trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Lê Thị Oanh
Luật sư Lê Thị Oanh
Nguyên thẩm phán TAND tỉnh Tuyên Quang, Nguyên Chánh án TAND Thành phố Tuyên Quang, Luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top