Đối tượng tác động của tội phạm là gì?

3 loại đối tượng tác động của tội phạm
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Đối tượng tác động của tội phạm là gì? Bộ Luật Hình sự quy định như thế nào về đối tượng tác động của tội phạm? Trong bài viết này, Luật Quang Huy sẽ giải đáp cho quý khách về vấn đề này.


1. Đối tượng tác động của tội phạm là gì?

Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận trong khách thể của tội phạm mà khi tác động đến nó người phạm tội gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho khách thể.

Đối tượng tác động của tội phạm bao gồm các dạng sau đây:

  • Con người đối với tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự;
  • Các vật thể như tài sản, phương tiện thuộc quyền sở hữu hợp pháp của con người;
  • Sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.

Đối tượng tác động của tội phạm khác khách thể của tội phạm. Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, có tính trừu tượng.

Việc quy định quan hệ xã hội nào là khách thể của tội phạm tùy thuộc vào lợi ích của giai cấp thống trị, vì thế khách thể tội phạm mang tính chất giai cấp.

Các tội phạm đều xâm phạm và gây thiệt hại cho khách thể, tuy nhiên không phải tội phạm nào cũng gây thiệt hại cho đối tượng tác động, như tội trộm cắp tài sản chỉ làm chuyển dịch quyền sở hữu từ người này sang người khác, chứ tài sản chưa chắc đã bị hư hỏng.

Đối tượng tác động của tội phạm khác công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm.

Đối tượng tác động của tội phạm là đối tượng chịu sự tác động của hành vi phạm tội, còn công cụ, phương tiện phạm tội là những công cụ, phương tiện được người phạm tội sử dụng vào việc phạm tội, để tác động đến đối tượng tác động của tội phạm. Công cụ, phương tiện của tội phạm có tác dụng hỗ trợ cho việc phạm tội thuận lợi.


2. Đối tượng tác động của tội phạm tiếng Anh là gì?

Đối tượng tác động của tội phạm trong tiếng Anh được hiểu là Objects of the impact of crime.

Đối tượng tác động của tội phạm được định nghĩa trong tiếng Anh như sau:

“The subject of the crime is an integral part of the object of the crime that only through its influence can a criminal harm social relations protected by the Criminal Law.”


3. Quy định chung về đối tượng tác động của tội phạm

Các bộ phận của khách thể của tội phạm có thể bị tác động là:

  • Chủ thể của quan hệ xã hội;
  • Nội dung của quan hệ xã hội (là hoạt động của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ xã hội);
  • Đối tượng của quan hệ xã hội (là sự vật hoặc lợi ích mà qua đó quan hệ xã hội phát sinh và tồn tại).

Bất cứ tội phạm nào cũng đều tác động làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động cụ thể. Sự làm biến đổi tình trạng này là phương thức gây thiệt hại cho quan hệ xã hội. Sự làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động trong chừng mực nhất định cũng có thể được gọi là sự xâm phạm đối tượng tác động như thực tế hiện nay vẫn gọi tên một số nhóm tội theo đối tượng tác động.

Ví dụ: Các tội xâm phạm tài sản; các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ… Cách gọi này tuy chưa thể hiện được bản chất của tội phạm nhưng có thể chấp nhận được nếu hiểu sự xâm phạm đối tượng tác động luôn luôn có nghĩa là sự xâm phạm bộ phận của quan hệ xã hội và qua đó xâm hại quan hệ xã hội.

Luật hình sự Việt Nam bảo vệ các quan hệ xã hội thông qua việc bảo đảm tình trạng bình thường của các bộ phận cấu thành quan hệ xã hội. Sự bảo vệ đối tượng tác động cụ thể luôn luôn có ý nghĩa là bảo vệ các bộ phận của quan hệ xã hội và qua đó để bảo vệ quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự.


4. 3 loại đối tượng tác động của tội phạm

Ba loại đối tượng tác động của tội phạm bao gồm:

Thứ nhất, con người – chủ thể của quan hệ xã hội

Con người với ý nghĩa vừa là thực thể tự nhiên vừa.là thực thể xã hội có thể là chủ thể của nhiều quan hệ xã hội khác nhau. Quan hệ nhân thân là quan hệ xã hội thuộc loại này. Các tội phạm được quy định trong Chương XIV Bộ Luật Hình sự đều có đối tượng tác động là con người. Những hành vi phạm tội của nhóm tội phạm này có thể là hành vi tước đoạt tính mạng, hành vi gây tổn hại cho sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.

Thứ hai, đối tượng vật chất – khách thể của quan hệ xã hội

Trong các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ có quan hệ xã hội bị tội phạm gây thiệt hại qua việc làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng vật chất như quan hệ sở hữu…

Các hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng bình thường của tài sản một cách trái pháp luật đều là những hành vi gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu. Sự làm biến đổi tình trạng này có thể do nhiều loại hành vi khác nhau gây ra như hành vi chiếm đoạt, hành vi chiếm giữ, hành vi sử dụng trái phép, hành vi huỷ hoại hay làm hư hỏng…

Thứ ba, hoạt động bình thường của chủ thể – nội dung của quan hệ xã hội

Luật hình sự bảo vệ quan hệ xã hội không chỉ qua việc đảm bảo tính mạng bình thường cho con người là chủ thể của quan hệ xã hội, cho đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội mà ở những quan hệ xã hội nhất định, còn qua việc bảo đảm hoạt động bình thường của chủ thể với ý nghĩa là nội dung của quan hệ xã hội.

Trong những trường hợp đó, hoạt động bình thường của chủ thể được coi là đối tượng tác động của tội phạm. Sự làm biến đối tình trạng của đối tượng tác động ở đây là sự cản trở hoạt động bình thường của chủ thể hoặc dưới hình thức làm biến dạng xử sự của người khác hoặc dưới hình thức tự làm biến dạng xử sự của chính mình.

Ví dụ: Hành vi đưa hối lộ (Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) là hành vi làm biến dạng xử sự của người có chức vụ, quyền hạn; hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 332 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017) là hành vi tự làm biến dạng xử sự của chính mình.

3 loại đối tượng tác động của tội phạm
3 loại đối tượng tác động của tội phạm

Việc xâm hại quan hệ xã hội bằng cách tác động đến đối tượng tác động của tội phạm không có nghĩa là đối tượng tác động của tội phạm cũng luôn luôn bị hư hại cùng với các quan hệ xã hội. Trong nhiều trường hợp, đối tượng tác động của tội phạm không rơi vào tình trạng xấu hơn so với trước khi tội phạm xảy ra.

Ví dụ: Người trộm cắp tài sản thường không gây hư hỏng cho tài sản trộm cắp là đối tượng tác động của tội phạm mà còn có thể có biện pháp bảo vệ giá trị vật chất của tài sản đã chiếm đoạt…

Với vai trò là bộ phận của khách thể của tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm có thể được phản ánh là dấu hiệu trong cấu thành tội phạm.

Ví dụ: Điều 303 Bộ Luật Hình sự quy định đối tượng tác động của tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia phải là công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, kinh tế, khoa học – kĩ thuật, văn hoá và xã hội.

Đối với những trường hợp này, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm là bắt buộc khi định tội.

Ở một số tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm có thể được phản ánh trong cấu thành tội phạm tăng nặng là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng.

Ví dụ: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội trộm cắp tài sản.

Đổi với những trường hợp này, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt tăng nặng.

Trong những trường hợp khác, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm có thể có ý nghĩa trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và và do vậy cũng có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.


5. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm ra bên ngoài thế giới khách quan bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, hoàn cảnh, địa điểm phạm tội,…

Những dấu hiệu trong mặt khách quan thường được mô tả chi tiết trong các điều khoản phần các tội phạm cụ thể. Một phần, vì các dấu hiệu trong mặt khách quan biểu hiện ra bên ngoài dễ nhận biết hơn các yếu tố khác. Mặt khác, giữa các tội phạm khác nhau chúng khác nhau chủ yếu ở các dấu hiệu trong mặt khách quan.


6. Hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm là những biểu hiện của con người ra bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể.

Theo khái niệm này thì hành vi khách quan của tội phạm được hiểu là hành vi bất hợp pháp của con người. Chỉ có xuất phát từ việc nghiên cứu, chỉ ra các đặc điểm của hành vi khách quan của tội phạm mới có thể đưa ra khái niệm này thể hiện tính khoa học.

Hành vi khách quan của tội phạm có các đặc điểm sau:

  • Hành vi khách quan của tội phạm có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội;
  • Hành vi khách quan của tội phạm có tính trái pháp luật hình sự (được quy định trong Bộ Luật Hình sự phần các tội phạm cụ thể);
  • Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi có ý thức và có ý chí. Tức là người phạm tội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, có khả năng nhận thức được hậu quả có thể xảy ra khi thực hiện hành vi phạm tội và có khả năng kiềm chế không thực hiện hành vi phạm tội. Hay nói cách khác, hành vi khách quan của tội phạm phải được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển.

Một người thực hiện một hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong trường hợp bị cưỡng bức về tinh thần – bị đe doạ (bị khống chế về tư tưởng) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự có thể không?

Trường hợp thứ nhất: nếu người thực hiện hành vi gây hậu quả thiệt hại cho xã hội khi bị khống chế toàn bộ về tư tưởng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: A giơ súng dí vào đầu B và ra điều kiện phải ném lựu đạn vào nhà M, nếu không thì A bắn chết B. Sự đe doạ này đặt trong hoàn cảnh cụ thể đó sẽ là hiện thực nếu B không tuân thủ và B làm theo sự khống chế của A gây hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại về tài sản thì B không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, hành vi của B là hành vi có ý thức nhưng không có ý chí.

Trường hợp thứ hai: nếu người thực hiện hành vi gây hậu quả thiệt hại cho xã hội khi bị khống chế một phần về tư tưởng thì được miễn trách nhiệm hình sự một phần. Mức độ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ bị đe doạ.

Ví dụ: A và B là đối tượng sống lang thang ở bến xe (B không còn cha mẹ và không nơi nương tựa). Vào lúc 8 giờ ngày 22/03/2020, A khống chế B cướp giật hành lý của hành khách trên xe đưa cho A, nếu không A sẽ trục xuất B ra khỏi băng nhóm. Nếu B thực hiện theo sự khống chế của A thì B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản với tình tiết giảm nhẹ phạm tội do bị người khác đe doạ, cưỡng bức.

Một người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong trường hợp bị cưỡng bức thân thể không phải chịu trách nhiệm hình sự vì thực tế họ chỉ là công cụ trong tay kẻ cưỡng bức. Việc thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội hoàn toàn do sức mạnh bạo lực bên ngoài.

Ví dụ: B đang đứng cạnh A xem A chặt chuối. Trong lúc A đang giơ dao hướng về phía buồng chuối để chặt thì bất ngờ M chạy tới bắt tay A chém B. Trường hợp này, A gây thương tích cho B trong trường hợp bị cưỡng bức về thể chất, A không phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả thương tích của B..


7. Cơ sở pháp lý

  • Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về đối tượng tác động của tội phạm.

Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật hình sự trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Lê Thị Oanh
Luật sư Lê Thị Oanh
Nguyên thẩm phán TAND tỉnh Tuyên Quang, Nguyên Chánh án TAND Thành phố Tuyên Quang, Luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top