Lỗi cố ý gián tiếp là gì?

Lỗi cố ý gián tiếp là gì?
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Làm thế nào để xác định hành vi phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp hay trực tiếp? Lỗi cố ý gián tiếp có gì khác với lỗi cố ý trực tiếp không? Mời quý bạn đọc theo dõi bài viết sau đây của Luật Quang Huy để được làm rõ vấn đề này.


1. Lỗi là gì?

Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.


2. Cố ý gián tiếp là gì?

Cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó, không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Điều này có nghĩa là hậu quả xảy ra hay không xảy ra đối với người phạm tội đều có ý nghĩa như nhau, hậu quả nguy hiểm cho xã hội xuất hiện trên thực tế hay không, người phạm tội cũng đều chấp nhận.

Ví dụ: Hai hôm trước, gia đình ông A trong lúc thi công đổ mái nhà đã làm rơi một ván gỗ xuống dưới đường dẫn tới việc anh B bị tử vong do vô tình đi ngang qua đó và bị ván gỗ rơi trúng người. Dù biết nhà gần đường và có nhiều người qua lại nhưng ông A không làm biện pháp phòng tránh nào dẫn tới hậu quả anh B tử vong. Hành vi của ông A là hành vi cố ý gián tiếp để mặc hậu quả xảy ra dù đã biết trước.


3. Dấu hiệu về lỗi cố ý gián tiếp

Theo quy định, lỗi cố ý gián tiếp bao gồm những dấu hiệu sau:

3.1. Về lý trí

  • Về lý trí, người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp cũng ý thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Điều đó có nghĩa là việc xảy ra hay không xảy ra hậu quả không có ý nghĩa gì đối với người phạm tội, hậu quả xảy ra hay không người phạm tội vẫn chấp nhận.
  • Xét sâu hơn về phương diện lý trí, người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp chỉ tồn tại trong trường hợp người đó nhận thức được hậu quả có thể xảy ra. Vì nếu người phạm tội nhận thức được hậu quả tất yếu sẽ xảy ra thì không thể có ý chí để mặc cho hậu quả xảy ra (như lỗi cố ý trực tiếp).

3.2. Về ý chí

  • Về ý chí, người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra, nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả do hành vi của mình gây ra mặc dù họ đã được thấy trước những hậu quả đó. Khi thực hiện hành vi, người phạm tội nhằm vào một mục đích khác và chấp nhận những hậu quả do hành vi của chính mình gây ra để có thể đạt được mục đích.
  • Hiểu đơn giản, người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là nhằm mục đích khác. Chính để đạt mục đích này, người phạm tội đã chấp nhận hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra.
Lỗi cố ý gián tiếp là gì?
Lỗi cố ý gián tiếp là gì?

4. So sánh lỗi cố ý trực tiếp với lỗi cố ý gián tiếp

4.1. Điểm giống nhau

  • Về nguyên nhân gây ra hậu quả: người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp với lỗi cố ý gián tiếp đều có sự cố ý.
  • Về mặt lý trí: người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp với lỗi cố ý gián tiếp đều nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

4.2. Điểm khác nhau

Theo quy định, lỗi cố ý trực tiếp với lỗi cố ý gián tiếp có những điểm khác nhau như sau:

Tiêu chí Cố ý trực tiếp Cố ý gián tiếp
Căn cứ pháp lý Khoản 1 Điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Khái niệm Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. Người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Trách nhiệm hình sự Trách nhiệm hình sự đối với lỗi cố ý trực tiếp cao hơn lỗi cố ý gián tiếp. Trách nhiệm hình sự đối với lỗi cố ý gián tiếp thấp hơn lỗi cố ý trực tiếp.
Về mặt ý chí Sự lựa chọn hành vi phạm tội là sự lựa chọn duy nhất, chủ thể lựa chọn hành vi phạm tội vì chủ thể mong muốn hành vi đó. Người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra, tức hậu quả xảy ra không phù hợp với mục đích phạm tội. Tuy nhiên để thực hiện mục đích này, người phạm tội để mặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra.
Ví dụ C và D xảy ra mâu thuẫn, C dùng dao đâm D với ý muốn giết D. Rõ ràng C ý thức được việc mình làm là nguy hiểm và mong muốn hậu quả chết người xảy ra. B giăng lưới điện để chống trộm đột nhập nhưng không có cảnh báo an toàn dẫn đến chết người. Dù B không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên đây là lỗi cố ý gián tiếp.

5. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề cố ý gián tiếp. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Luật sư Lê Thị Oanh
Luật sư Lê Thị Oanh
Nguyên thẩm phán TAND tỉnh Tuyên Quang, Nguyên Chánh án TAND Thành phố Tuyên Quang, Luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top
Mục lục