Quy định về chủ thể đặc biệt của tội phạm

Quy định về chủ thể đặc biệt của tội phạm
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!
[su_button url="tel:19006784" style="3d" background="#9A1C24" color="#ffffff" size="6" center="yes" radius="10" icon="icon: phone"]GỌI LUẬT SƯ NGAY![/su_button]

Ngoài các dấu hiệu cần thiết của chủ thể tội phạm nói chung, chủ thể đặc biệt của tội phạm còn bao gồm những dấu hiệu đặc biệt khác. Vậy những dấu hiệu đặc biệt này là gì? Mời bạn theo dõi bài viết sau đây của Luật Quang Huy để được giải đáp.


1. Chủ thể đặc biệt của tội phạm là gì?

Chủ thể đặc biệt của tội phạm có thể hiểu là những người mà ngoài các dấu hiệu cần thiết của chủ thể nói chung thì còn phải có những dấu hiệu riêng biệt khác về chức vụ, quyền hạn, giới tính và một số đặc điểm khác do pháp luật quy định. Chỉ những người có những đặc điểm này mới có thể thực hiện được những tội phạm tương ứng. Như vậy, hiểu một cách đơn giản, chủ thể đặc biệt của tội phạm bao gồm chủ thể tội phạm thông thường và những dấu hiệu đặc biệt.


2. Ví dụ về chủ thể đặc biệt của tội phạm

Ví dụ về chủ thể đặc biệt của tội phạm như sau:

  • Tội cung cấp tài liệu sai sự thật, tội khai báo gian dối theo Điều 307 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 yêu cầu chủ thể phải là người giám định, người phiên dịch hoặc người làm chứng;
  • Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Điều 259 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 yêu cầu chủ thể phải là người đang ở tuổi mà theo quy định của pháp luật phải thực hiện nghĩa vụ quân sự;
  • Tội tham ô tài sản theo Điều 278 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt của chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài sản;
  • Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đòi hỏi chủ thể phải là người đã thành niên (đủ 18 tuổi);…
Quy định về chủ thể đặc biệt của tội phạm
Quy định về chủ thể đặc biệt của tội phạm

3. Các dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội phạm

Dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội phạm bao gồm dấu hiệu chủ thể tội phạm thông thường và những dấu hiệu đặc biệt, cụ thể như sau:

3.1. Năng lực trách nhiệm hình sự

Năng lực chịu trách nhiệm hình sự là năng lực có thể phải chịu trách nhiệm hình sự của một người nếu thực hiện hành vi phạm tội. Điều 21 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự đó là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

3.2. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Bên cạnh đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

3.3. Những dấu hiệu đặc biệt

Trong đó, những dấu hiệu đặc biệt có thể thuộc một trong các dạng sau:

  • Các dấu hiệu liên quan đến chức vụ, quyền hạn. Ví dụ: Tội tham ô tài sản đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt của chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài sản.
  • Các dấu hiệu liên quan đến nghề nghiệp, công việc. Ví dụ: Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ thì chủ thể đặc biệt ở đây phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp khi đang làm nhiệm vụ.
  • Các dấu hiệu liên quan đến nghĩa vụ. Ví dụ: Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự yêu cầu chủ thể phải là người đang ở tuổi mà theo quy định của pháp luật phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
  • Các dấu hiệu liên quan đến tuổi. Ví dụ: Tội giao cấu với trẻ em đòi hỏi chủ thể phải là người đã thành niên (đủ 18 tuổi).
  • Các dấu hiệu liên quan đến quan hệ, họ hàng. Ví dụ: Tội hành hạ ngược đãi cha mẹ, con cái, chủ thể ở đây chỉ có thể là người con, người mẹ, người cha, những chủ thể liên quan tới quan hệ gia đình.
  • Các dấu hiệu liên quan đến quốc tịch. Ví dụ: Tội phản bội tổ quốc, chủ thể ngoài có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thì còn phải là công dân nước Việt Nam.
  • Các dấu hiệu khác. Ví dụ: Tội giết con mới đẻ đòi hỏi chủ thể phải là bà mẹ mới sinh (từ khi sinh con đến ngày thứ 7).

Như vậy, các đặc điểm của chủ thể đặc biệt là bắt buộc và có ý nghĩa quyết định trong việc định tội. Tuy nhiên, đối với các vụ phạm tội do đồng phạm, các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt chỉ đòi hỏi đối với người thực hành, những người khác không cần các dấu hiệu đặc biệt của tội phạm đó. Ví dụ: nếu A là người tổ chức cho B (người thực hành, nam giới) hiếp dâm C thì A có thể không phải là nam giới vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.


4. Vấn đề nhân thân người phạm tội trong luật hình sự

Không phải ngẫu nhiên mà các yếu tố nhân thân tội phạm được liệt kê bao gồm độ tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, thái độ trong quan hệ với những người khác, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo hay tiền án tiền sự là các đặc điểm của nhân thân tội phạm. Bởi lẽ, đây đều là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hành vi của người phạm tội trong luật hình sự. Cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, yếu tố về độ tuổi ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi thực hiện của người phạm tội. Pháp luật nước ta chia độ tuổi của con người thành nhiều giai đoạn để xem xét trách nhiệm hình sự. Bởi ở mỗi độ tuổi thì khả năng nhận thức và hiểu biết là khác nhau.
  • Thứ hai, yếu tố về môi trường học tập và làm việc của người phạm tội. Việc môi trường tốt hay xấu ảnh hưởng đến hành vi và nhận thức của chủ thể cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng gây ra những tác động tới người phạm tội. Do vậy, khi xem xét mức độ phạm tội, trong trường hợp người phạm tội được sinh ra và lớn lên trong môi trường nhiều tệ nạn, không được giáo dục tốt thì sẽ được xem xét trên một khía cạnh pháp luật khác so với chủ thể phạm tội được sinh ra trong môi trường giáo dục tốt nhưng vẫn phạm tội, biết được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.
  • Thứ ba, yếu tố về trình độ văn hóa và lối sống của người phạm tội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên khi xem xét về hành vi phạm tội đối với người phạm tội. Bởi lẽ, trong trường hợp trình độ văn hóa thấp kém, việc hiểu biết và tuân thủ pháp luật thường sẽ bị hạn chế dẫn đến việc người phạm tội dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm mà không lường trước được hậu quả sẽ xảy ra nghiêm trọng. Về lối sống của người phạm tội cũng là một trong những yếu tố quan trọng của người phạm tội. Việc người phạm tội bị ảnh hưởng từ môi trường xấu dẫn đến lối sống bê tha, không quy chuẩn cũng khiến cho hành vi của người phạm tội bị ảnh hưởng theo lối sống và hành vi đó.

5. Vai trò của nhân thân người phạm tội

Nhân thân người phạm tội tuy không phải là yếu tố cấu thành tội phạm nhưng nó lại có vai trò rất quan trọng được thể hiện qua các khía cạnh sau:

  • Thứ nhất, việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội có ý nghĩa đối với việc định tội. Ví dụ: Tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 177 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là hành vi vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này. Theo quy định này, để có thể định tội danh này cho người phạm tội, đòi hỏi đồng thời thỏa mãn 02 tiêu chí: người đó phải thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản có giá trị theo luật định và có nhân thân xấu (đã từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này). Nếu trên thực tế những dấu hiệu này không thỏa mãn thì người này có thể sẽ thuộc vào trường hợp phạm tội khác hoặc có thể không phạm tội.
  • Thứ hai, do mối liên hệ chặt chẽ giữa nhân thân người phạm tội với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội là một trong những căn cứ định khung hình phạt, quyết định tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Để quyết định hình phạt đúng một trong những đòi hỏi quan trọng là phải làm rõ những đặc điểm về nhân thân người phạm tội. Những đặc điểm về nhân thân người phạm tội được thể hiện trong lý lịch bị can, bị cáo và các tài liệu khác có liên quan. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo. Ví dụ: Khi xem xét nhân thân người phạm tội của A cho thấy A tuy chưa bị kết án, chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng A thường có hành vi gây rối trật tự công cộng, không có công ăn việc làm. Còn khi xem xét nhân thân người phạm tội của B cho thấy B cũng chưa bị kết án, chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào, có công ăn việc làm ổn định, chấp hành tốt các nghĩa vụ công dân. Cân nhắc nhân thân giữa hai người cho thấy nhân thân của A xấu hơn nhân thân của B. Do đó, việc quyết định hình phạt đối với A phải nặng hơn đối với B, nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.
  • Thứ ba, việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội có vai trò rất lớn trong việc làm sáng tỏ động cơ, mục đích của người phạm tội. Ví dụ: A thất nghiệp, lúc nào cũng thiếu tiền tiêu nên đã đi ăn trộm và B có công ăn việc làm đàng hoàng nhưng cũng đi ăn trộm.Vậy động cơ mục đích của A và B là không giống nhau. Đây cũng chính là đầu mối để cơ quan điều tra xác định đúng phương hướng điều tra, phá án và quyết định hình phạt.

6. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề chủ thể đặc biệt của tội phạm. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top