Các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII – Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự (BLHS) bao gồm các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm sự tồn tại, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vậy các tội xâm phạm an ninh quốc gia có đặc điểm gì? Vì sao đây là nhóm tội có mức độ nguy hiểm cao cho xã hội ?

Hãy cùng Luật Quang Huy làm rõ vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé!


1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia là gì?

Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, có thể hiểu:

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi có tính chất và mức độ hiểm cao, gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, tức là sức mạnh và sự tồn tại của chế độ Nhà nước, chế độ xã hội, các lợi ích cơ bản của dân tộc, sự đoàn kết, thống nhất toàn dân xét trên quy mô quốc gia.


2. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại chương XIII – Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bao gồm:

  • Tội phản bội tổ quốc (Điều 108);
  • Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109);
  • Tội gián điệp (Điều 110);
  • Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111);
  • Tội bạo loạn (Điều 112);
  • Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113);
  • Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điều 114);
  • Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội (Điều 115);
  • Tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116);
  • Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (Điêu 117);
  • Tội phá rối an ninh (Điều 118)
  • Tội chống phá cơ sở giam giữ (Điều 119);
  • Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 120);
  • Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 121).
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia

3. Cấu thành tội phạm của tội xâm phạm an ninh quốc gia

3.1 Khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Xâm phạm an ninh quốc gia chính là xâm phạm tới các quan hệ xã hội thuộc an ninh quốc gia, đó là sức mạnh và sự tồn tại của chế độ Nhà nước, chế độ xã hội, các lợi ích cơ bản của dân tộc, sự đoàn kết thống nhất toàn dân, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3.2 Mặt khách quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho xã hội, biểu hiện rất đa dạng: có loại trực tiếp xâm phạm sự tồn tại của chính quyền, có loại trực tiếp xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia chủ yếu được thực hiện bằng hình thức hành động: hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, hoạt động tình báo, khủng bố… hoặc cũng có thể được thực hiện bằng hình thức không hành động như:

  • Không thực hiện công việc mình phụ trách để phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội.

Hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia có tính chất mức độ nguy hiểm cao cho xã hội nên thường là những tội có cấu thành hình thức, tội phạm được coi là hoàn thành khi hành vi phạm tội được thực hiện.

3.3 Chủ thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Chủ thể của các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, đạt độ tuổi do luật hình sự quy định và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Tuy các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất nguy hiểm cao độ, song theo chính sách hình sự mới, đối với loại tội phạm này, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 16 tuổi trở lên.

3.4 Mặt chủ quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Các tội xâm phạm an ninh quốc gia bao gồm các dấu hiệu sau: Lỗi của người phạm tội được thực hiện dưới hình thức cố ý trực tiếp.

Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, thấy trước hành vi đó có thể làm suy yếu hoặc làm lật đổ chế độ xã hội, nhưng vẫn muốn thực hiện.

Mục đích của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là mục đích chống lại hoặc làm suy yếu chính quyền nhân dân, đây là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia là dấu hiệu cho phép phân biệt giữa các tội xâm phạm an ninh quốc gia với các tội phạm khác.

Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, động cơ cũng không coi là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà chỉ căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, làm rõ được động cơ phạm tội sẽ có điều kiện để áp dụng các biện pháp xử lý đúng đắn.


4. Những điểm mới trong Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Điểm mới đáng lưu ý đầu tiên chính là Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã tách Điều 91 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, được chia tách thành hai điều luật:

  • Điều 120 quy định “Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”;
  • Điều 121 quy định “Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”;

…và có bổ sung nội dung đối với từng Điều luật.

Việc tách Điều 91 Bộ luật hình sự năm 1999 thành 02 điều luật xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn khách quan cho thấy việc gội chung tội danh trong cùng một điều luật gây ra không ít những khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tội danh và quyết định hình phat.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã bỏ quy định về tội hoạt động phỉ (Điều 83 Bộ luật hình sự năm 1999).

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định các tội xâm phạm an ninh quốc gia tại 15 điều luật (từ Điều 108 đến Điều 122 – chương XIII – Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Trong 14 tội thì 06 tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngoài những hình phạt chính đã được quy định trọng điều luật, Nhà nước còn quy định những hình phạt bổ sung tại Điều 122 để áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia:

Cụ thể: Người phạm tội quy định tại chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


5. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về thắc mắc của bạn về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc bạn có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Tạ Gia Lương
Luật sư Tạ Gia Lương
Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Nguyên là Chánh tòa hình sự tòa án nhân dân Tỉnh Phú Thọ, có gần 30 năm kinh nghiệm xét xử các vụ án lớn nhỏ.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top