Mẫu biên bản bắt bị can để tạm giam

Mẫu biên bản bắt bị can để tạm giam
Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ về luật hình sự, hãy liên hệ ngay cho luật sư qua hotline 1900.6784. Luật sư can thiệp càng sớm, cơ hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp càng cao!

Bạn không biết biên bản bắt bị can để tạm giam được viết theo mẫu nào? Cách viết biên bản bắt bị can để tạm giam ra sao? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Luật Quang Huy.


1. Mẫu biên bản bắt bị can để tạm giam

Mẫu biên bản bắt bị can để tạm giam là mẫu số 25/CQĐT được ban hành theo Thông tư 61/2017/TT-BCA của Bộ Công an. Bạn có thể tham khảo và tải mẫu này tại đây.

TẢI MẪU BIÊN BẢN BẮT BỊ CAN ĐỂ TẠM GIAM


2. Biên bản bắt bị can để tạm giam là gì?

Biên bản bắt bị can để tạm giam là giấy tờ pháp lý được lập ra để ghi chép lại việc bắt bị can để tạm giam. Trong biên bản nêu rõ thông tin thời gian địa điểm lập biên bản, thông tin bị can bị bắt,… nhằm phục vụ công tác điều tra.


3. Quy định liên quan đến biên bản bắt bị can để tạm giam

3.1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
  • Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
  • Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
  • Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
  • Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

  • Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
  • Tiếp tục phạm tội;
  • Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
  • Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

3.2. Đối tượng có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam

Theo quy định, thẩm quyền bắt bị can, bị cáo để tạm giam trong từng giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử là khác nhau. Quy định này nhằm phân định rõ thẩm quyền của từng cơ quan tiến hành tố tụng và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền trong các cơ quan này. Cụ thể:

3.2.1. Trong giai đoạn điều tra

Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp quyết định. Trường hợp Cơ quan điều tra ra lệnh bắt thì lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Sự phê chuẩn của Viện kiểm sát là một thủ tục pháp lý bắt buộc nhằm kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của lệnh bắt để để đảm bảo hiệu lực của lệnh bắt người cũng như sự cần thiết phải bắt tạm giam bị can. Giúp hạn chế tình trạng lạm dụng quyền được áp dụng biện pháp ngăn chặn để tác động một cách trái pháp luật đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vì những mục đích cá nhân.

3.2.2. Trong giai đoạn truy tố

Việc bắt bị can để tạm giam do Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp quyết định.

3.2.3. Trong giai đoạn xét xử

Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử quyết định.

Mẫu biên bản bắt bị can để tạm giam
Mẫu biên bản bắt bị can để tạm giam

3.3. Thủ tục bắt bị can, bị cáo để tạm giam

  • Trước hết, việc bắt bị can, bị cáo phải có lệnh. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
  • Người thi hành lệnh bắt phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Biên bản về việc bắt phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt. Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt, người chứng kiến phải cùng ký vào biên bản. Nếu có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung của biên bản thì có quyền ghi ý kiến đó vào biên bản và ký tên.
  • Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
  • Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã. Ban đêm được tính từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng.

3.4. Thời hạn tạm giam

Tùy theo từng giai đoạn mà thời hạn tạm giam của bị can, bị cáo được quy định khác nhau. Cụ thể như sau:

3.4.1. Giai đoạn điều tra

Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọngtội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì có thể gia hạn thời hạn tạm giam như sau:

  • Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 01 tháng;
  • Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng;
  • Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng, lần thứ hai không quá 02 tháng;
  • Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

3.4.2. Giai đoạn truy tố

Thời hạn tạm giam để truy tố đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, thời hạn tạm giam là không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra; đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn tạm giam là không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra.

Trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn, nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3.4.3. Giai đoạn xét xử sơ thẩm

Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử đối với tội phạm ít nghiêm trọng là không quá 30 ngày, đối với tội phạm nghiêm trọng là không quá 45 ngày, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là không quá 02 tháng, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là không quá 03 tháng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, thời hạn này có thể được gia hạn, nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.


4. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề biên bản bắt bị can để tạm giam. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)

TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Luật sư Lê Thị Oanh
Luật sư Lê Thị Oanh
Nguyên thẩm phán TAND tỉnh Tuyên Quang, Nguyên Chánh án TAND Thành phố Tuyên Quang, Luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top
Mục lục