Quy định pháp luật về hợp quy, hợp chuẩn

Quy định pháp luật về hợp quy, hợp chuẩn
Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ xin tất cả các loại giấy phép con, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh mà bạn cần. Vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86 để được tư vấn giải đáp miễn phí. Xin cảm ơn.

Hợp quy, hợp chuẩn là gì? Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định ra sao về hợp quy hợp chuẩn? Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ cho quý vị câu trả lời về hoạt động chứng nhận sản phẩm hàng hóa phù hợp quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam nhằm phục vụ hoạt động quản lý của nhà nước và theo yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp, hay còn gọi là hợp quy, hợp chuẩn. Đây là một khâu quan trọng trong hành trình thương mại sản phẩm và tạo dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.


Tổng quan về bài viết

1. Hợp quy, hợp chuẩn là gì?

1.1. Chứng nhận hợp chuẩn

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006:

Chứng nhận hợp chuẩn hay còn chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn là việc đánh giá xác nhận sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Chứng nhận hợp chuẩn về nguyên tắc là hoạt động tự nguyện, tuy nhiên trong một số trường hợp theo yêu cầu của khách hàng thì nó trở thành bắt buộc. Đối với đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, việc lựa chọn phương thức đánh giá nào là do tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (CBHC) quyết định nhưng phải thích hợp với đối tượng chứng nhận để đảm bảo độ tin cậy của kết quả đánh giá.

Tại Việt Nam, chứng nhận hợp chuẩn được ký hiệu: TCVN.

1.2. Chứng nhận hợp quy

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006:

Chứng nhận hợp quy – Chứng nhận phù hợp với quy chuẩn là việc đánh giá, xác nhận sản phẩm hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chứng nhận phù hợp quy được thực hiện một cách bắt buộc. Phương thức đánh giá quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho từng đối tượng cụ thể được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Theo quy định Nhà nước, chứng nhận hợp quy được ký hiệu: QCVN.

1.3. Công bố hợp chuẩn, hợp quy là gì?

Theo khoản 8, khoản 9 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành quy định:

  • Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.
  • Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Vậy có thể thấy khi thực hiện thủ tục công bố hợp chuẩn, hợp quy sau khi hồ sơ hợp lệ được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì sản phẩm, hàng hóa sẽ được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.


2. Đối tượng hợp chuẩn, hợp quy

Đối tượng cần chứng nhận hợp chuẩn – hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường theo những tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực và cả tiêu chuẩn nước ngoài hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) quy định. Đối với những đối tượng sản phẩm liên quan đến an toàn sức khỏe hay môi trường (sản phẩm hàng hóa nhóm 2) thì cần bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy.

Để thực hiện việc chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy các doanh nghiệp phải trải qua quá trình đánh giá sự phù hợp. Đánh giá sự phù hợp là hoạt động thử nghiệm, phân tích, đánh giá đối tượng sản phẩm hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn tương ứng.

Quy định pháp luật về hợp quy, hợp chuẩn
Quy định pháp luật về hợp quy, hợp chuẩn

3. Phương thức đánh giá sự phù hợp hợp quy hợp chuẩn

Theo quy định Nhà nước, 8 phương thức được đưa ra và áp dụng cho từng loại sản phẩm hàng hóa như sau:

3.1. Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình

Phương thức 1 thử nghiệm mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hoá để kết luận về sự phù hợp. Kết luận về sự phù hợp có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm, hàng hoá đã được lấy mẫu thử nghiệm.

Nguyên tắc sử dụng phương thức 1: Phương thức 1 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:

Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;

Không tiến hành xem xét được các yêu cầu đảm bảo duy trì ổn định chất lượng.

3.2. Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường

Phương thức 2 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá. Việc đánh giá giám sát sau đó được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy trên thị trường.

Nguyên tắc sử dụng phương thức 2: Phương thức 2 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:

Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ rủi ro về an toàn, sức khỏe, môi trường ở mức thấp;

Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;

Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;

Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá có khả năng bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá có các biện pháp hữu hiệu để thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.

3.3. Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 3 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp. Việc đánh giá giám sát được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy từ nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Nguyên tắc sử dụng phương thức 3: Phương thức 3 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:

Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ gây mất an toàn, sức khỏe, môi trường cao hơn so với sản phẩm, hàng hoá được đánh giá theo phương thức 2;

Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;

Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;

Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá về bản chất ít hoặc không bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;

Khó có biện pháp hữu hiệu để thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.

3.4. Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 4 căn cứ kết quả thử nghiệm điển hình  và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp. Việc đánh giá giám sát sau đó được thực hiện thông qua thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá lấy từ nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Nguyên tắc sử dụng Phương thức 4: Phương thức 4 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện sau:

Sản phẩm, hàng hoá thuộc diện có nguy cơ gây mất an toàn, sức khỏe, môi trường cao hơn so với sản phẩm, hàng hoá được đánh giá sự phù hợp theo phương thức 3;

Thiết kế của sản phẩm, hàng hoá cho phép xác định rõ sản phẩm, hàng hoá theo từng kiểu, loại đặc trưng;

Cần quan tâm tới việc duy trì ổn định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;

Chất lượng của sản phẩm, hàng hoá có khả năng mất ổn định trong quá trình sản xuất và bị biến đổi trong quá trình phân phối lưu thông trên thị trường;

Có biện pháp cho phép thu hồi sản phẩm, hàng hóa từ thị trường khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa không phù hợp trong quá trình giám sát.

3.5. Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất

Phương thức 5 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp. Việc đánh giá giám sát được thực hiện thông qua việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc mẫu lấy trên thị trường kết hợp đánh giá quá trình sản xuất.

Nguyên tắc sử dụng Phương thức 5: Phương thức 5 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện:

Cần sử dụng một phương thức có độ tin cậy cao như phương thức 4 nhưng cho phép linh hoạt trong việc sử dụng các biện pháp giám sát để giảm được chi phí;

Cần sử dụng một phương thức được áp dụng phổ biến nhằm hướng tới việc thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp.

3.6. Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý

Phương thức 6 căn cứ vào việc đánh giá hệ thống quản lý để kết luận về sự phù hợp của hệ thống quản lý với quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Nguyên tắc sử dụng Phương thức 6: Phương thức 6 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của các quá trình, dịch vụ, môi trường có hệ thống quản lý theo các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3.7. Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hoá

Phương thức 7 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hoá được lấy theo phương pháp xác suất thống kê cho lô sản phẩm, hàng hoá để ra kết luận về sự phù hợp của lô. Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa cụ thể và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo.

Nguyên tắc sử dụng Phương thức 7: Phương thức 7 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với các điều kiện:

Sản phẩm, hàng hoá được phân định theo lô đồng nhất;

Không tiến hành xem xét được các yêu cầu đảm bảo duy trì ổn định chất lượng.

3.8. Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hoá

Phương thức 8 căn cứ kết quả thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hoá để kết luận về sự phù hợp trước khi đưa ra lưu thông, sử dụng. Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho từng sản phẩm, hàng hoá đơn chiếc và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo.

Nguyên tắc sử dụng của Phương thức 8: Phương thức 8 được sử dụng để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trước khi đưa vào lưu thông, sử dụng.

Tại Việt Nam, phương thức thứ 1, thứ 5, thứ 7 được sử dụng phổ biến cho sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước và đối với hàng nhập khẩu.


4. Hồ sơ công bố hợp chuẩn hợp quy

Theo quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN về Quy định công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thì hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm như sau:

4.1. Hồ sơ công bố hợp quy

Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận hợp quy thì hồ sơ bao gồm:

  • Bản công bố hợp quy theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN;
  • Bản sao chứng chỉ chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp;
  • Bản mô tả chung về sản phẩm, hàng hoá (đặc điểm, tính năng, công dụng….).

Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thì hồ sơ bao gồm:

  • Bản công bố hợp quy theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN;
  • Bản mô tả chung về sản phẩm, hàng hoá (đặc điểm, tính năng, công dụng….);
  • Kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn (nếu có) tại phòng thử nghiệm được công nhận;
  • Quy trình sản xuất và kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng và áp dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN hoặc bản sao chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001 trong trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001;
  • Kế hoạch giám sát định kỳ;
  • Báo cáo đánh giá hợp quy gồm những nội dung:
  • Đối tượng được chứng nhận hợp quy;
  • (Số hiệu, tên) tài liệu kỹ thuật sử dụng làm căn cứ để chứng nhận hợp quy;
  • Tên và địa chỉ của tổ chức thực hiện đánh giá hợp quy;
  • Phương thức đánh giá hợp quy được sử dụng;
  • Mô tả quá trình đánh giá hợp quy (lấy mẫu, đánh giá, thời gian đánh giá,…) và các lý giải cần thiết (ví dụ: lý do lựa chọn phương pháp/phương thức lấy mẫu/đánh giá);
  • Kết quả đánh giá (bao gồm cả độ lệch và mức chấp nhận);
  • Thông tin bổ sung khác.
  • Các tài liệu có liên quan khác.

4.2. Hồ sơ công bố hợp chuẩn

Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn của tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba), hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:

  • Bản công bố hợp chuẩn (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN);
  • Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký doanh nghiệp/Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư /Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ tương đương khác;
  • Bản sao hợp lệ tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố;
  • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp kèm theo mẫu dấu hợp chuẩn.

Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất), hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:

  • Bản công bố hợp chuẩn;
  • Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký doanh nghiệp/Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư/ Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ tương đương khác;
  • Bản sao hợp lệ tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố;
  • Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn chưa được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp chuẩn của tổ chức, cá nhân phải có quy trình sản xuất kèm theo kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng, áp dụng (theo Mẫu 1. KHKSCL quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) và kế hoạch giám sát hệ thống quản lý;
  • Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì nộp kèm bản sao Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý còn hiệu lực;
  • Báo cáo đánh giá hợp chuẩn (theo Mẫu 5. BCĐG quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) kèm theo bản sao Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố hợp chuẩn của tổ chức thử nghiệm đã đăng ký.

5. Nguyên tắc công bố hợp quy và hợp chuẩn

5.1. Nguyên tắc công bố hợp chuẩn

Đối tượng của công bố hợp chuẩn là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong tiêu chuẩn tương ứng. Công bố hợp chuẩn là hoạt động tự nguyện.

Việc công bố phù hợp tiêu chuẩn tương ứng dựa trên:

  • Kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện hoặc;
  • Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.
  • Việc thử nghiệm phục vụ đánh giá hợp chuẩn phải được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm đã đăng ký.

5.2. Nguyên tắc công bố hợp quy

Đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc.

Việc công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật dựa trên một trong hai trường hợp sau:

  • Kết quả chứng nhận hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện;
  • Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy.

Việc thử nghiệm phục vụ đánh giá hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm đã đăng ký.

Trường hợp sản phẩm, hàng hóa được quản lý bởi nhiều quy chuẩn kỹ thuật khác nhau thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký bản công bố hợp quy tại các cơ quan chuyên ngành tương ứng và dấu hợp quy chỉ được sử dụng khi sản phẩm, hàng hóa đó đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý theo quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.


6. Trình tự đăng ký hợp chuẩn hợp quy

6.1. Trình tự đăng ký hợp chuẩn

Bước 1: Đánh giá sự phù hợp đối tượng của công bố hợp chuẩn với tiêu chuẩn tương ứng (sau đây viết tắt là đánh giá hợp chuẩn).

Việc đánh giá hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận có năng lực tại Việt Nam (cụ thể như tổ chức Vinacontrol CE) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (bên thứ nhất) thực hiện. Việc đánh giá hợp chuẩn được thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định phía trên.

Kết quả đánh giá hợp chuẩn là căn cứ để tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.

Bước 2: Đăng ký hồ sơ công bố hợp chuẩn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh (sau đây viết tắt là Chi cục).

6.2. Trình tự đăng ký hợp quy

Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước:

  • Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố hợp quy kèm theo bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của tổ chức chứng nhận được chỉ định cho cơ quan chuyên ngành để được cấp Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy;
  • Sau khi có Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân được phép lưu thông hàng hóa.

Đối với hàng hóa nhập khẩu:

  • Tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu với các thông tin sau: tên tổ chức, cá nhân nhập khẩu, địa chỉ, điện thoại, fax; tên hàng hóa, nhãn hiệu, kiểu loại; đặc tính kỹ thuật; xuất xứ, nhà sản xuất; khối lượng, số lượng; cửa khẩu nhập; thời gian nhập; hợp đồng (Contract); danh mục hàng hóa (Packing list); hóa đơn (Invoice); vận đơn (Bill of Lading); tờ khai hàng hóa nhập khẩu; số hiệu quy chuẩn kỹ thuật; cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa kèm theo bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của tổ chức chứng nhận được chỉ định;
  • Cơ quan chuyên ngành cấp thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu;
  • Sau khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tổ chức, cá nhân nộp bản sao y bản chính Thông báo này cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.

7. Tại sao phải thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm?

Đối với doanh nghiệp: thông qua hoạt động đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sẽ giúp các doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện và phát triển hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm nhằm đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất.

Việc chứng nhận hợp quy sẽ làm tăng chất lượng sản phẩm luôn được ổn định và giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa yêu cầu của quy chuẩn được sử dụng để đánh giá, chứng nhận. Vì vậy, doanh nghiệp không phải đối diện với những rủi ro do bị thu hồi sản phẩm không phù hợp với chất lượng sản phẩm theo quy định và phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy là một trong những văn bằng pháp lý làm nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Các lợi ích cụ thể doanh nghiệp sẽ được là:

  • Được sử dụng dấu CR( hợp quy) chất lượng trực tiếp trên sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường;
  • Minh chứng cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp bạn đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng đúng các yêu cầu trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
  • Minh chứng cho doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu về pháp luật, tránh các đợt kiểm tra pháp lý ban ngành;
  • Là minh chứng hữu hiệu giúp doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp và uy tín trong mắt khách hàng và đối tác;
  • Đáp ứng yêu cầu đến từ khách hàng, thuận tiện cho công tác nộp thầu dự án;
  • Giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh do hạn chế được tối đa các chi phí xử lý sai sót, lỗi hỏng trong quá trình sản xuất;
  • Nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của doanh nghiệp;
  • Tạo cơ hội lớn cho hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới.

Đối với người tiêu dùng: Khi sử dụng những sản phẩm đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy giúp cho nhà nước thuận lợi trong việc quản lý các loại sản phẩm đang lưu hành trên thị trường nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và thúc đẩy kinh tế phát triển.


8. Làm thế nào để được cung cấp các dịch vụ chứng nhận hợp chuẩn hợp quy đối với các sản phẩm hiện hành?

Các doanh nghiệp, tổ chức có thể tự mình đăng ký làm hồ sơ để nhận được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Tuy nhiên để hoàn thiện thủ tục nhanh gọn và chuyên nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể làm việc, ủy quyền cho bên thứ 3 là các tổ chức chuyên nghiệp làm dịch vụ để thay mình đi làm thủ tục cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.


9. Căn cứ pháp lý

  • Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006.
  • Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
  • Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy.
  • Thông tư số 231/2009/TT-BTC ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề hợp quy hợp chuẩn. Nếu như quý khách hàng có nhu cầu cấp giấy chứng nhận hợp quy hợp chuẩn hoặc có thắc mắc gì về quy trình, thủ tục hay những quy định pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ tới Luật Quang Huy.

Luật Quang Huy là không chỉ là địa chỉ uy tín trong việc tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà còn có bề dày kinh nghiệm trong việc xin các giấy phép con cho doanh nghiệp.

Nếu nội dung bài viết còn chưa rõ, hoặc bạn cần tư vấn, hỏi đáp thêm về dịch vụ hỗ bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top