Hội đồng quản trị của công ty cổ phần

7 lưu ý bạn cần biết về hội đồng quản trị
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo tuân theo những quy định tùy theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh,... Để giải đáp được cho bạn đọc về tất cả các vấn đề liên quan đến các vấn đề này, Luật Quang Huy đã bổ sung đường dây nóng tư vấn luật doanh nghiệp. Nếu bạn đang có nhu cầu được hỗ trợ, hãy liên hệ ngay cho Luật sư của chúng tôi qua hotline 09.678910.86 để được hỗ trợ tư vấn giải đáp!

Hội đồng quản trị là một cụm từ mà chúng ta rất quen thuộc khi nhắc đến hoạt động điều hành của doanh nghiệp, cụ thể là trong công ty cổ phần.

Vậy hội đồng quản trị là gì, chức năng, quyền hạn của nó ra sau và phải làm sao mới có thể trở thành một thành viên của hội đồng quản trị công ty?

Để giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và chính xác hơn về Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Luật Quang Huy xin gửi đến bạn bài viết về vấn đề này như sau:


1. Hội đồng quản trị là gì?

Hội đồng quản trị là một phần nằm trong cơ cấu quản lý của công ty cổ phần.

Theo khoản 1 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020:

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Số lượng thành viên Hội đồng quản trị là từ 03 đến 11 thành viên, được quy định cụ thể trong Điều lệ công ty.

Tùy vào cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần mà Hội đồng quản trị có các thành viên thuộc Hội đồng quản trị và cũng có thể có thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị.


2. Tiêu chí trở thành thành viên hội đồng quản trị

Để trở thành thành viên hội đồng quản trị cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:

  • Không thuộc đối tượng là Tổ chức, cá nhân không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm:
  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân.
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
  • Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
  •  Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
  • Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
  • Thành viên Hội đồng quản trị công ty này có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.
  • Đối với doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

Về thành viên độc lập của Hội đồng quản trị cũng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

  • Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.
  • Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định.
  • Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty.
  • Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
  • Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.

Thành viên độc lập Hội đồng quản trị nếu không còn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện quy định trên thì phải thông báo với Hội đồng quản trị về việc không còn đủ điều kiện và chấm dứt việc là thành viên độc lập của Hội đồng quản trị.


3. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị

Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị công ty cổ phần được quy định tại Điều 154 Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó:

  • Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
  • Một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập Hội đồng quản trị của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.

Trong trường hợp tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành viên đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

7 lưu ý bạn cần biết về hội đồng quản trị
7 lưu ý bạn cần biết về hội đồng quản trị

4. Chức năng, nhiệm vụ của hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:

  • Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty.
  • Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại.
  • Quyết định bán cổ phần chưa bán trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác.
  • Quyết định giá bán cổ phần và trái phiếu của công ty.
  • Quyết định mua lại cổ phần theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 133 của Luật này.
  • Quyết định phương án đầu tư và dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định của pháp luật.
  • Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ.
  • Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng, giao dịch khác có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác và hợp đồng, hoặc giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
  • Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó.
  • Giám sát, chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty.
  • Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác.
  • Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết.
  • Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông.
  • Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh.
  • Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể công ty; yêu cầu phá sản công ty.
  • Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

5. Quyền của hội đồng quản trị

Về cơ bản, hội đồng quản trị nắm quyền hạn khá lớn trong việc quyết định các chính sách của công ty cổ phần.

Tuy quyền lực không lớn bằng Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần nhưng có thể thấy hội đồng quản trị chính là những người quyết định những vấn đề quản lý công ty, một số quyền hạn tiêu biểu của hội đồng quản trị như:

  • Quyết định các vấn đề liên quan đến giá cổ phần và trái phiếu được phát hành.
  • Các giải pháp phát triển hoạt động trung và ngắn hạn của công ty như: Chiến lược phát triển hàng năm, mở rộng thị trường, các hoạt động marketing, đổi mới công nghệ.
  • Quyết định phương án đầu tư và các dự án đầu tư trong thẩm quyền.
  • Quyết định việc thành lập các công ty con, chi nhánh hay việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp khác.
  • Đưa ra các kiến nghị trong những quyết định lớn như tổ chức lại hay giải thể công ty.

Hội đồng quản trị còn có quyền quyết định cơ cấu tổ chức công ty; bầu cử, miễn nhiệm, hoặc bãi nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do điều lệ công ty quy định.


6. Quy chế hội đồng quản trị công ty cổ phần

Quy chế hoạt động của hội đồng quản trị công ty cổ phần do công ty tự ban hành và được Chủ tịch hội đồng quản trị thay mặt hội đồng ký.

Nội dung cụ thể của quy chế tuỳ thuộc vào việc lấy ý kiến của các thành viên trong công ty nhưng về cơ bản quy chế hội đồng quản trị công ty cổ phần bao gồm một số nội dung bạn có thể tham khảo như sau:

  • Những quy định chung: Đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc làm việc của hội đồng quản trị..
  • Tổ chức và hoạt động của hội đồng quản trị:
  • Cơ cấu tổ chức.
  • Tiêu chuẩn thành viên.
  • Nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị.
  • Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch hội đồng quản trị.
  • Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên hội đồng quản trị.
  • Phân công các tiểu ban giúp việc hội đồng quản trị: Trong từng thời kỳ thực hiện dự án, hội đồng quản trị có thể thiết lập hoặc giải thể các tiểu ban giúp việc.
  • Chương trình hoạt động.
  • Các cuộc họp.
  • Biên bản họp và nghị quyết.
  • Lấy ý kiến thành viên.
  • Điều kiện làm việc và thù lao của các thành viên hội đồng quản trị.
  • Điều khoản thi hành.

Quy chế hội đồng quản trị có thể được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế của công ty cổ phần.


7. Miễn nhiệm bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị

Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị sẽ do Đại hội đồng cổ đông thực hiện.

Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:

  • Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành thành viên Hội đồng quản trị.
  • Thành viên hội đồng quản trị có đơn từ chức và được chấp thuận.
  • Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:

  • Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng.
  • Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

8. Cơ sở pháp lý

  • Luật doanh nghiệp 2020.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề Hội đồng quản trị.

Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp qua HOTLINE 19006588 Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top