Chế tài trong thương mại là gì? Quy định về chế tài thương mại

7 chế tài thương mại bạn cần phải biết
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo tuân theo những quy định tùy theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh,... Để giải đáp được cho bạn đọc về tất cả các vấn đề liên quan đến các vấn đề này, Luật Quang Huy đã bổ sung đường dây nóng tư vấn luật doanh nghiệp. Nếu bạn đang có nhu cầu được hỗ trợ, hãy liên hệ ngay cho Luật sư của chúng tôi qua hotline 09.678910.86 để được hỗ trợ tư vấn giải đáp!

Có phải bạn đang loay hoay tìm hiểu về khái niệm chế tài thương mại và các vấn đề pháp lý xoay quanh chế tài thương mại? Vậy, Luật Quang Huy sẽ giúp bạn giải đáp những điều bạn đang quan tâm về chế tài thương mại nhưng chưa có câu trả lời nhé.


1. Chế tài thương mại là gì?

Chế tài thương mại là chế tài được áp dụng do vi phạm hợp đồng trong thương mại, xác định những hậu quả pháp lý bất lợi của bên có hành vi vi phạm hợp đồng.

Hành vi vi phạm hợp đồng trong thương mại thương mại có thể là không thực hiện hợp đồng, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thương mại hoặc theo quy định của pháp luật.


2. Tại sao phải áp dụng chế tài trong hoạt động thương mại?

Trong quan hệ thương mại luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến việc giao kết, thực hiện hợp đồng. Vì vậy, để hoạt động này diễn ra một cách thuận lợi, quyền lợi của các bên trong hợp đồng thương mại được đảm bảo, pháp luật đã quy định một loạt các loại chế tài thương mại nhằm đảm bảo sự hiệu quả trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng của các bên.


3. Căn cứ để áp dụng chế tài trong hoạt động thương mại

Sau đây là những căn cứ chung để áp dụng chế tài trong hoạt động thương mại:

  • Các chế tài thương mại được áp dụng khi mà một bên trong quan hệ hợp đồng thương mại thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng thương mại.
  • Hành vi mà bên vi phạm thực hiện có thể là do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Cụ thể:

  • Có hành vi vi phạm: Bao gồm các hành vi thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Đây là căn cứ cần được đưa ra chứng minh trong việc áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài.
  • Có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra. Căn cứ này bắt buộc phải được viện dẫn khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế.
  • Có lỗi của bên vi phạm, đây là căn cứ bắt buộc phải có để áp dụng đối với tất cả các loại chế tài.

4. Các loại chế tài trong hoạt động thương mại

Tùy từng trường hợp, mức độ vi phạm khác nhau mà các chủ thể có thể phải chịu những loại chế tài khác nhau sau đây:

4.1. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Căn cứ áp dụng: Có hành vi vi phạm, có lỗi của bên vi phạm.

Biểu hiện: Bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.

Trong thời gian áp dụng chế tài này bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác. Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài này trong thời gian do bên bị vi phạm ấn định thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng chế tài khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

4.2. Chế tài phạt vi phạm

Căn cứ: Có hành vi vi phạm, có lỗi của bên vi phạm, có thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng.

Biểu hiện: Bên vi phạm sẽ trả cho bên bị vi phạm 1 khoản tiền nhất định do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Các bên có thể thỏa thuận về việc phạt vi phạm trong hợp đồng được giao kết. Tuy nhiên, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

4.3. Chế tài buộc bồi thường thiệt hại

Được áp dụng để khôi phục bù đắp những lợi ích vật chất bị mất mát của bên bị vi phạm.

  • Căn cứ: Có hành vi vi phạm, có thiệt hại thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, có lỗi của bên vi phạm.
  • Nếu các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả 2 chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.

Đối với hai hình thức chế tài Phạt vi phạm và chế tài Buộc bồi thường thiệt hại chúng ta cần có sự phân biệt nếu không các chủ thể sẽ áp dụng không đúng:

  • Về cơ sở để áp dụng:
  • Đối với việc phạt hợp đồng phải có sự thỏa thuận của các chủ thể về việc áp dụng biện pháp phạt hợp đồng và không cần có thiệt hại do hành vi vi phạm cũng có thể áp dụng.
  • Đối với việc bồi thường thiệt hại không cần có sự thỏa thuận và biện pháp này sẽ được áp dụng khi có hành vi vi phạm gây ra thiệt hại cho chủ thể bị vi phạm trên thực tế.
  • Mục đích:
  • Việc phạt hợp đồng chủ yếu là ngăn ngừa vi phạm.
  • Bồi thường thiệt hại là khắc phục hậu quả thiệt hại do vi phạm.
  • Mức độ thiệt hại về vật chất của chủ thể bị áp dụng:
  • Việc phạt hợp đồng do thỏa thuận của các bên. Tối đa không quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
  • Bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ thiệt hại. Thiệt hại được tính bao gồm cả thiệt hại thực tế và trực tiếp do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra, những khoản lợi mà người bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

4.4. Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Căn cứ áp dụng:

  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
  • Trong trường hợp này, các hành vi vi phạm đã các bên dự liệu, thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng, để khi xảy ra hành vi vi phạm đó, bên bị vi phạm nghiễm nhiên có thể áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

Hậu quả pháp lý:

  • Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005.
  • Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng theo quyết định của một bên khi có hành vi vi phạm hợp đồng.

4.5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Căn cứ pháp lý của chế tài này nằm tại Điều 310 Luật Thương mại 2005, theo đó đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với bên còn lại.

Điều kiện áp dụng:

  • Thứ nhất, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật Thương mại 2005, chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau:
  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ thực hiện hợp đồng;
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
  • Thứ hai, khi tiến hành áp dụng chế tài thì bên yêu cầu phải thông báo ngay cho bên còn lại biết về đình chỉ thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo mà gây ra thiệt hại cho bên còn lại thì bên yêu cầu phải bồi thường thiệt hại.

Hậu quả pháp lý

  • Khi một bên nhận được thông báo đình chỉ thực hiện hợp đồng từ bên còn lại thì hợp đồng sẽ bị chấm dứt thực hiện.
  • Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

4.6. Hủy bỏ hợp đồng

Điều kiện áp dụng

  • Thứ nhất, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của luật thương mại 2005, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
  • Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
  • Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
  • Thứ hai, khi tiến hành áp dụng chế tài thì bên yêu cầu phải thông báo ngay cho bên còn lại biết về việc hủy bỏ thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo mà gây ra thiệt hại cho bên còn lại thì bên yêu cầu phải bồi thường thiệt hại.

Hậu quả pháp lý của chế tài hủy bỏ hợp đồng

  • Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết;
  • Các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp;
  • Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng;
  • Nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền;
  • Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

4.7. Các biện pháp khác do các bên thỏa thuận

Bên cạnh các chế tài được quy định nêu trên các bên thỏa thuận về các biện pháp chế tài khác. Tuy nhiên, việc thỏa thuận đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

7 chế tài thương mại bạn cần phải biết
7 chế tài thương mại bạn cần phải biết

5. Các trường hợp không áp dụng chế tài trong hoạt động thương mại

Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
  • Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
  • Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
  • Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Bên vi phạm hợp đồng sẽ có nghĩa vụ chứng minh trong các trường hợp trên.


6. Đặc điểm chế tài trong thương mại

Với cách hiểu là chế tài do vi phạm hợp đồng trong thương mại, chế tài trong thương mại có đặc điểm pháp lý sau đây:

  • Thứ nhất, chế tài trong thương mại luôn mang tính cưỡng chế nhà nước đối với người vi phạm pháp luật thương mại. Tuy nhiên, các biện pháp cưỡng chế này chỉ áp dụng đối với các nhà kinh doanh, các thương nhân và những người có quan hệ hợp đồng với họ khi vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng và theo pháp luật.
  • Thứ hai, chế tài trong thương mại được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật thương mại.
  • Việc quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính cưỡng chế nhà nước của các chế tài này thông qua các thiết chế nhất định trong trường hợp không được bên vi phạm hợp đồng tự nguyện thi hành.
  • Các chế tài trong thương mại chỉ được áp dụng khi có đủ các căn cứ do pháp luật quy định.
  • Các chế tài trong thương mại được áp dụng theo mức bằng nhau đối với những vi phạm cùng loại, không phân biệt chủ thể hành vi vi phạm là ai, nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng của các chủ thể quan hệ pháp luật thương mại.
  • Thứ ba, chế tài trong thương mại là hình thức trách nhiệm của một bên trong quan hệ hợp đồng trong thương mại đối với bên kia của hợp đồng, trách nhiệm của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
  • Quan hệ hợp đồng trong thương mại được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên với nhau, việc vi phạm nghĩa vụ của bên này chính là vi phạm quyền của bên kia và ngược lại.
  • Chế tài trong thương mại chỉ có thể được áp dụng khi có yêu cầu của một bên trong hợp đồng, đó là bên có quyền và lợi ích bị vi phạm.
  • Các chế tài hình sự hay hành chính có thể được áp dụng dựa trên yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng đối với chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại điều kiện đầu tiên để xem xét áp dụng phải là có yêu cầu của một bên trong hợp đồng.
  • Thứ tư, chế tài trong thương mại chủ yếu mang tính tài sản.
  • Vì các quan hệ được điều chỉnh bởi pháp luật thương mại là quan hệ tài sản nên chế tài trong thương mại trước hết thực hiện chức năng tác động về tài sản đối với bên vi phạm.
  • Các chế tài tài sản áp dụng đối với bên vi phạm dưới hình thức khác nhau, đều dẫn đến việc bên vi phạm phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về tài sản như: tiền phạt, lãi suất tiền chậm thanh toán, khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ,…
  • Tuy nhiên, cũng có những chế tài không mang tính tài sản như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng.

7. Mục đích của chế tài trong thương mại

  • Các chế tài trong thương mại trước hết thúc đẩy các nhà kinh doanh tuân thủ khung pháp lý gồm các quy định, thủ tục, tiêu chuẩn, yêu cầu đã được xác định trước và thực hiện hoạt động thương mại trong khuôn khổ đó.
  • Chế tài trong thương mại có khả năng trừng phạt đối với nhà kinh doanh không thực hiện các nghĩa vụ của mình. Sự trừng phạt do vi phạm hợp đồng này chủ yếu mang tính tài sản, tính bằng tiền, được áp dụng nhằm buộc bên vi phạm phải trả giá cho hành vi vi phạm hợp đồng của mình.
  • Chế tài trong thương mại có mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại. Đây là mục đích chủ yếu của chế tài trong thương mại vì quan hệ hợp đồng thương mại được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi của các bên; do hợp đồng bị vi phạm dẫn đến quyền và lợi ích của bên bị vi phạm không được đảm bảo nên chế tài được đặt ra chủ yếu nhằm hướng tới khôi phục các quyền và lợi ích bị vi phạm, bù đắp những thiệt hại chứ không phải nhằm mục đích chính là trừng phạt.
  • Ngoài ra, chế tài trong thương mại còn nhằm ngăn ngừa và hạn chế vi phạm hợp đồng từ phía các nhà kinh doanh cũng như những người có quan hệ hợp đồng với họ. Các chủ thể hợp đồng lường trước được hậu quả bất lợi dự kiến sẽ được áp dụng nếu mình có hành vi vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tuân thủ hợp đồng và chủ động phòng tránh vi phạm.

8. Cơ sở pháp lý

  • Luật Thương mại 2005.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về chế tài thương mại. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Để được tư vấn đầy đủ và chính xác nhất, mời quý khách hàng liên hệ tới Tổng đài tư vấn Luật hình sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để nhận tư vấn thêm về vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Luật sư Nguyễn Văn Tình
Có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hình sự, đất đai, hành chính,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top