Quy định pháp luật về ban kiểm soát

Quy định pháp luật về ban kiểm soát
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo tuân theo những quy định tùy theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh,... Để giải đáp được cho bạn đọc về tất cả các vấn đề liên quan đến các vấn đề này, Luật Quang Huy đã bổ sung đường dây nóng tư vấn luật doanh nghiệp. Nếu bạn đang có nhu cầu được hỗ trợ, hãy liên hệ ngay cho Luật sư của chúng tôi qua hotline 09.678910.86 để được hỗ trợ tư vấn giải đáp!

Ban kiểm soát là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp.

Vậy ban kiểm soát là gì, chức năng của ban kiểm soát là gì, quy chế hoạt động của ban kiểm soát như thế nào?

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc có liên quan đến ban kiểm soát.


1. Ban kiểm soát là gì?

Ban kiểm soát là một bộ phận trong cơ cấu bộ máy quản lý của công ty do chủ sở hữu hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu của công ty thành lập để giúp chủ sở hữu kiểm tra, giám sát tính hợp lý, hợp pháp trong hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty cũng như giám sát và đánh giá việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thành viên của các thành viên trong bộ máy quản lý, điều hành công ty.

Thực tế, trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có quy định về khái niệm của ban kiểm soát. Việc đưa ra khái niệm trên dựa trên nhiệm vụ, chức năng của ban kiểm soát được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020.


2. Chức năng của ban kiểm soát

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, ban kiểm soát có những chức năng chính sau đây:

Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.

  • Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.
  • Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Rà soát hợp đồng, giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông và đưa ra khuyến nghị về hợp đồng, giao dịch cần có phê duyệt của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
  • Giám sát, đánh giá hiệu lực và mức độ tuân thủ quy chế kiểm toán nội bộ, quy chế quản lý và phòng ngừa rủi ro, quy chế báo cáo, quy chế quản trị nội bộ khác của công ty;
  • Giám sát tính hợp pháp, tính hệ thống và trung thực trong công tác kế toán, sổ sách kế toán, trong nội dung báo cáo tài chính, các phụ lục và tài liệu liên quan;
  • Giám sát hợp đồng, giao dịch của công ty với các bên có liên quan;
  • Giám sát thực hiện dự án đầu tư lớn; hợp đồng, giao dịch mua, bán; hợp đồng, giao dịch kinh doanh khác có quy mô lớn; hợp đồng, giao dịch kinh doanh bất thường của công ty.
Quy định pháp luật về ban kiểm soát
Quy định pháp luật về ban kiểm soát

3. Quy chế hoạt động của ban kiểm soát

Thứ nhất, về quy mô, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, ban kiểm soát có thể có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên.

Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế (nếu là công ty cổ phần) hoặc có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại cùng một công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn).

Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam.

Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn.

Thứ hai, kiểm soát viên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

  • Không thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020 (các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp);
  • Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
  • Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

Về nhiệm vụ, trưởng Ban kiểm soát xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý và hằng năm của Ban kiểm soát; phân công nhiệm vụ và công việc cụ thể cho từng Kiểm soát viên. Kiểm soát viên chủ động và độc lập thực hiện nhiệm vụ và công việc được phân công; đề xuất, kiến nghị thực hiện nhiệm vụ, công việc kiểm soát khác ngoài kế hoạch, ngoài phạm vi được phân công khi xét thấy cần thiết.

Ban kiểm soát họp ít nhất mỗi tháng một lần để rà soát, đánh giá, thông qua báo cáo kết quả kiểm soát trong tháng trình cơ quan đại diện chủ sở hữu; thảo luận và thông qua kế hoạch hoạt động tiếp theo của Ban kiểm soát.

Quyết định của Ban kiểm soát được thông qua khi có đa số thành viên dự họp tán thành.

Các ý kiến khác với nội dung quyết định đã được thông qua phải được ghi chép đầy đủ, chính xác và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.


4. Một số thắc mắc liên quan đến ban kiểm soát

4.1 Công ty cổ phần có bắt buộc có ban kiểm soát không?

Công ty cổ phần không bắt buộc phải có ban kiểm soát.

Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty cổ phần có thể lựa chọn tổ chức, quản lý hoạt động theo mô hình gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Trong trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

4.2 Mô hình không có ban kiểm soát trong công ty cổ phần như thế nào?

Đối với trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì có thể lựa chọn tổ chức, quản lý hoạt động theo mô hình không có ban kiểm soát như sau: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

4.3 Công ty tnhh có từ 2 thành viên trở lên phải có ban kiểm soát khi nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2020, đối với trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp thì phải thành lập Ban kiểm soát.

Đối với trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn không phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì tổ chức theo mô hình gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.


5. Thủ tục miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát

Theo quy định, kiểm soát viên bị miễn nhiệm trong trường hợp:

  • Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 103 của Luật này;
  • Có đơn xin từ chức và được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận;
  • Được cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan có thẩm quyền khác điều động, phân công thực hiện nhiệm vụ khác.

Thẩm quyền miễn nhiệm kiểm soát viên thuộc về Hội đồng thành viên (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc Đại hội đồng cổ đông (nếu là công ty cổ phần). Như vậy, để miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát, phải tiến hành triệu tập họp Hội đồng thành viên (Đại hội đồng cổ đông).


6. Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Trên đây là toàn bộ nội dung về vấn đề ban kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến của HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top