Thủ tục xin giấy phép sàn thương mại điện tử

Thủ tục xin giấy phép sàn thương mại điện tử
Luật Quang Huy có cung cấp dịch vụ xin tất cả các loại giấy phép con, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh mà bạn cần. Vui lòng liên hệ hotline 09.678910.86 để được tư vấn giải đáp miễn phí. Xin cảm ơn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân tăng cao thì ngày càng nhiều các sàn thương mại điện tử ra đời để phục vụ cho việc giao dịch hàng hóa được thuận tiện, nhanh chóng. Vậy, sàn thương mại điện tử là gì?

Sàn thương mại điện tử và website thương mại điện tử bán hàng khác nhau như thế nào? Các thủ tục, giấy tờ cần thiết để xin cấp giấy phép sàn thương mại điện tử ra sao? Bài viết dưới đây Luật Quang Huy sẽ cung cấp thông tin cần thiết để giải đáp những thắc mắc trên cho quý bạn đọc.


Tổng quan về bài viết

1. Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?

Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử thì sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Sàn giao dịch thương mại điện tử trong Nghị định này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.

Ngoài ra, sàn giao dịch thương mại điện tử còn là một thị trường trực tuyến, một địa điểm trung gian trên mạng internet. Ở đó những người tham gia có thể tự mình tìm kiếm thông tin về thị trường và sản phẩm, thiết lập mối quan hệ cũng như tiến hành đàm phán khi giao dịch. Để sàn giao dịch thương mại điện tử có thể hoạt động, thương nhân cần tiến hành thủ tục xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hiện nay các sàn thương mại điện tử đang phủ sóng rộng rãi, được nhiều người tin tưởng sử dụng và đem lại lợi nhuận khổng lồ là Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Chotot (ở Việt Nam) và trên thế giới là Amazon, Alibaba,…

Các mặt hàng xuất hiện trên các sàn này rất đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã và đặc biệt việc thiết kế giao diện cũng như việc quảng bá thương hiệu rất được người thành lập chú trọng. Vì vậy, có thể nói sàn thương mại điện tử đang là hình thức sàn giao dịch được nhiều doanh nghiệp/tổ chức hướng tới thành lập vì các ưu điểm của nó.


2. Sàn giao dịch thương mại điện tử và website thương mại điện tử bán hàng khác nhau như nào?

Sàn giao dịch thương mại điện tử và website thương mại điện tử là hai thuật ngữ dễ nhầm lẫn bởi sự tương đồng về mặt câu chữ cũng như giữa chúng có một số đặc điểm giống nhau. Để phân biệt được hai thuật ngữ này, chúng ta cùng tìm hiểu các tiêu chí sau đây:

2.1. Về định nghĩa

Website thương mại điện tử bán hàng (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

2.2. Về đặc điểm

Từ định nghĩa trên ta thấy rằng:

Thứ nhất, Website thương mại điện tử bán hàng là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Website thương mại điện tử sử dụng mô hình kinh doanh là bán trực tiếp với khách hàng (Direct sale D2C). Bởi vì sử dụng mô hình kinh doanh tiếp cận và bán trực tiếp với khách hàng nên được nhiều doanh nghiệp triển khai để chủ động hơn trong việc phân phối và kiểm soát đơn hàng…

Một số doanh nghiệp tiếng tăm hiện nay đã triển khai hình thức website thương mại điện tử như: Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh, BigC… Bên cạnh đó, các shop quà tặng, thời trang, mỹ phẩm… cũng thường xây dựng cho mình một website riêng có chức năng mua hàng, thanh toán.

Tuy không có quy mô lớn và xây website chuyên nghiệp như các thương hiệu trên nhưng những cửa hàng kinh doanh các mặt hàng cụ thể khi sử dụng Website thương mại điện tử để bán hàng cũng đem lại rất nhiều lợi nhuận.

Mục đích xây dựng và hình thành website thương mại điện tử sẽ phụ thuộc lớn vào chiến lược phát triển của công ty, tránh nguy cơ lệ thuộc vào các sàn thương mại điện tử.

Mặt khác, khi hoạt động theo hình thức dựa trên mô hình kinh doanh bán trực tiếp với khách hàng, không phải qua trung gian là các sàn giao dịch, nên giá cả đến tay khách hàng cũng phải chăng hơn.

Thứ hai, sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Hiểu đơn giản, đó là một nơi trung gian mà các thương nhân có thể đến thuê/mua một vị trí để mở gian hàng của mình, người mua hàng có thể tới sàn giao dịch này để lựa chọn những mặt hàng mà mình đang cần tìm kiếm.

Sàn giao dịch thương mại điện tử sử dụng mô hình kinh doanh: Khách hàng với Khách hàng (C2C); Doanh nghiệp với Khách hàng (B2C); Bán trực tiếp với Khách hàng (Direct sale D2C). Hình thức này được triển khai bởi những cái tên quen thuộc như: Tiki, Sendo, Shopee, Lazada…

Vậy sự khác nhau căn bản ở đây là: Website thương mại điện tử bán hàng là website để phục vụ cho chính tổ chức, cá nhân thiết lập website bán hàng và cung cấp dịch vụ trên đó mà không cho các đơn vị khác tham gia bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ trên đó. Phạm vi của website bán hàng thường cũng chỉ chuyên để bán một hoặc một số loại sản phẩm nhất định do chính doanh nghiệp thiết lập website bán và cung cấp dịch vụ.

Còn sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Phạm vi của sàn giao dịch thương mại điện tử cũng lớn hơn và chính sách giao dịch, quy chế hoạt động cũng sẽ phức tạp và chặt chẽ hơn.


3. Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử?

Theo khoản 15 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ/CP sàn giao dịch thương mại điện tử được tổ chức hoạt động dưới các hình thức dưới đây:

  • Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
  • Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;
  • Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
  • Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

4. Vì sao phải xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện điện tử?

Việc xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử là cần thiết bởi đây là hoạt động trên không gian mạng có sự quản lý của các cấp chính quyền và chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự cũng như pháp luật hành chính.

Nếu hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử không được cấp phép có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, từ đó ảnh hưởng tới việc giao dịch của các bên cũng như nguồn thu lợi, uy tín của bên cung cấp môi trường trung gian.

Trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP có quy định:

Cấm các hành vi cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử khi chưa xin giấy phép đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử theo các quy định.

Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng nêu rõ:

Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là phải đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử (Giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử) theo quy định.

Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

  • Mức phạt sẽ từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi chưa đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử (Giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử) theo quy định.
  • Cùng với việc phạt tiền, các website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 6 – 12 tháng, bị tịch thu tang vật và phương tiện, thu hồi tên miền “.vn” được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc chủ website phải khắc phục hậu quả và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm về sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thủ tục xin giấy phép sàn thương mại điện tử
Thủ tục xin giấy phép sàn thương mại điện tử

5. Đối tượng được cấp giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử

Theo Thông tư 21/2018/TT-BCT thì đối tượng đăng ký website cung cấp thương mại điện tử được cấp giấy phép đăng ký là thương nhân hoặc tổ chức có website thương mại điện tử trên đó cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.


6. Điều kiện xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử?

Điều kiện để thực hiện thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử tương đối chặt chẽ và khi doanh nghiệp thực hiện việc xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử cần tuân thủ các điều kiện này mới có thể thực hiện được thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử. Dưới đây là các điều kiện cụ thể:

  • Điều kiện đầu tiên là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký kinh doanh. Trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải có mã ngành nghề sau: Mã ngành 6311: Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan. Mã ngành 6312: Cổng thông tin (Chi tiết: Dịch vụ thương mại điện tử)
  • Khi xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về nơi đặt máy chủ và địa chỉ đặt máy chủ.
  • Doanh nghiệp cần có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau: Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; Cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ; Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
  • Doanh nghiệp phải có Website hay App ứng dụng thuộc sở hữu của mình để thực hiện thủ tục đăng ký. Doanh nghiệp phải có tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.
  • Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký với biểu tượng đăng ký.

7. Hồ sơ xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử

Hồ sơ xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm:

  • Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  • Bản sao được chứng thực Quyết định thành lập (đối với tổ chức), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân).
  • Đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
  • Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến;
  • Cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ;
  • Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
  • Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung sau: Các nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; Cơ chế xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
  • Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.
  • Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).

8. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh thương mại điện tử

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ online.gov.vn.

Để khai báo hồ sơ và cấp giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử, doanh nghiệp truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và lần lượt tiến hành các bước sau:

8.1. Bước 1: Doanh nghiệp đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:

  • Tên doanh nghiệp;
  • Số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;
  • Địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp;
  • Các thông tin liên hệ.

8.2. Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, doanh nghiệp nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  • Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, doanh nghiệp được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;
  • Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung thông tin, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

8.3. Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, doanh nghiệp tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký.

8.4. Bước 4: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, doanh nghiệp nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  • Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tiếp Bước 5;
  • Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó doanh nghiệp quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.

8.5. Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, doanh nghiệp gửi về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy).

Doanh nghiệp cần theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4, nếu doanh nghiệp không có phản hồi thì hồ sơ đăng ký trên hệ thống sẽ bị chấm dứt và doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký lại từ đầu.

Như vậy, thời hạn để đăng ký thiết lập Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hợp lệ là 10 ngày làm việc.

8.6. Bước 6: Kết quả của việc đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử

Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin đăng ký tương ứng của thương nhân, tổ chức tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.


9. Sửa đổi, bổ sung giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử

Thương nhân, tổ chức đã xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử phải thông báo sửa đổi, bổ sung thông tin đăng ký khi có một trong những thay đổi sau:

  • Thay đổi tên thương nhân, tổ chức;
  • Thay đổi người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với website cung cấp dịch vụ;
  • Thay đổi địa chỉ trụ sở giao dịch hoặc thông tin liên hệ;
  • Thay đổi tên miền;
  • Thay đổi quy chế và điều kiện giao dịch trên website cung cấp dịch vụ;
  • Thay đổi các điều khoản của hợp đồng cung cấp dịch vụ;
  • Thay đổi hoặc bổ sung dịch vụ cung cấp trên website;
  • Các thay đổi khác do Bộ Công Thương quy định.

Thương nhân, tổ chức phải thông báo về Bộ Công Thương trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có sự thay đổi các thông tin nêu trên.

Việc thông báo được thực hiện trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp hoặc bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin), kèm theo bản sao các giấy tờ, tài liệu chứng minh sự thay đổi (nếu có).

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo đầy đủ, chính xác của thương nhân, tổ chức, Bộ Công Thương tiến hành xem xét việc xác nhận hoặc không xác nhận thông tin sửa đổi, bổ sung và phản hồi lại cho thương nhân, tổ chức qua tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp; trường hợp không xác nhận phải nêu rõ lý do.


10. Hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử

Bộ Công Thương hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử trong các trường hợp dưới đây:

  • Theo đề nghị của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  • Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ngừng hoạt động hoặc chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho thương nhân, tổ chức khác;
  • Thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;
  • Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và tiếp tục tái phạm sau khi đã được nhắc nhở;
  • Bị đình chỉ hoạt động thương mại điện tử theo quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Không thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT Quy định về quản lý Website thương mại điện tử và tái phạm sau khi đã được nhắc nhở.

Thương nhân, tổ chức đã được cấp giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử khi ngừng hoạt động hoặc chuyển nhượng website phải thông báo cho Bộ Công Thương trước 7 ngày làm việc để chấm dứt đăng ký.

Thông tin về các giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử bị hủy bỏ đăng ký sẽ được công bố trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.


11. Đăng ký lại giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử

Đăng ký lại đối với giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện trong trường hợp thương nhân, tổ chức khi nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc các Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bị hủy bỏ đăng ký thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản 3 Điều 18 Thông tư 47/2014/TT-BTC được làm thủ tục đăng ký lại khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Đã khắc phục các hành vi vi phạm dẫn đến bị hủy bỏ đăng ký hoặc đã hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động thương mại điện tử theo quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đáp ứng các điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

Thương nhân, tổ chức khi nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tiến hành đăng ký lại theo quy trình như sau:

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.

Để khai báo hồ sơ, thương nhân, tổ chức truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và tiến hành các bước sau:

Bước 1: Thương nhân, tổ chức đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:

  • Tên thương nhân, tổ chức;
  • Số đăng ký kinh doanh của thương nhân, số quyết định thành lập của tổ chức;
  • Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;
  • Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức;
  • Các thông tin liên hệ.

Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  • Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;
  • Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung thông tin, thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.
  • Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký quy định tại Điều 14 Thông tư 47/2014/TT-BTC.

Bước 4: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  • Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5;
  • Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.

Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, thương nhân, tổ chức gửi về Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy) theo quy định tại Điều 14 Thông tư 47/2014/TT-BTC.

Thương nhân, tổ chức có trách nhiệm theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4 theo quy định tại Khoản 2 Điều này, nếu thương nhân, tổ chức không có phản hồi thì hồ sơ đăng ký trên hệ thống sẽ bị chấm dứt và thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại từ đầu.


12. Sau khi xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử có phải báo cáo định kỳ hàng năm không?

Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó theo quy định tại Điều 8 Nghị định Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.


13. Chi phí xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử cụ thể ra sao?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thủ tục xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào nếu tổ chức, thương nhân trực tiếp đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên nếu tổ chức, doanh nghiệp ủy quyền cho một đơn vị khác thay mình đăng ký sẽ phải trả một khoản phí dịch vụ để đơn vị đó thực hiện công việc.


14. Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
  • Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
  • Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về các vấn đề liên quan đến giấy phép sàn thương mại điện tử. Nếu như quý khách hàng có nhu cầu xin cấp giấy phép sàn thương mại điện tử hoặc có thắc mắc gì về quy trình – thủ tục hay những quy định pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ tới Luật Quang Huy.

Luật Quang Huy là không chỉ là địa chỉ uy tín trong việc tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà còn có bề dày kinh nghiệm trong việc xin các giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nếu nội dung bài viết còn chưa rõ, hoặc bạn cần tư vấn, hỏi đáp thêm về dịch vụ hỗ bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Nguyễn Quang Huy
Nguyễn Quang Huy
Cố vấn cao cấp, giảng viên khoa pháp luật kinh tế – trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Đại học Duke (Hoa Kỳ), có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các công ty luật lớn trên thế giới.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
chat-zalo
phone-call

GỌI 09.678910.86 NGAY

Scroll to Top