Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
Với mong muốn giúp người dân tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro pháp lý trong quan hệ dân sự, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn pháp luật dân sự, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Súc vật theo cách hiểu thông dụng nhất là những loài động vật được con người nuôi trong nhà.

Chúng có thể được thuần hóa một phần hoặc được thuần dưỡng, huấn luyện nhằm những mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, súc vật không thể có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi như con người.

Và những trường hợp súc vật gây thiệt hại cho chủ thể khác xảy ra trên thực tế là rất phổ biến.

Ví dụ như chó cắn người thì ai sẽ phải bồi thường?

Nguyên tắc và mức bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra xác định như thế nào?

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ thông tin đến bạn quy định của pháp luật về vấn đề này.


1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bị chó cắn

Để người bị thiệt hại được bồi thường do bị chó cắn cần phát sinh những căn cứ sau:

1.1 Có thiệt hại thực tế xảy ra

Bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần.

Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định.

Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Người bị chó cắn ngoài tổn thương về thể xác như nhiễm bệnh dại, thân thể có nhiều thương tích còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần, luôn trong trạng thái lo sợ, ám ảnh kéo dài thời gian sau đó.

1.2 Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật và có lỗi của chủ sở hữu chó

Trong trường hợp này người chủ khi thả rông chó hoặc dẫn chó đi dạo thường không dùng các biện pháp phòng ngừa mà luật đã quy định rõ ràng như đeo rọ mõm, dùng dây xích…

Việc không áp dụng các biện pháp phòng tránh dẫn đến việc người bị thiệt hại bị tấn công mà hậu quả xảy ra ở đây trực tiếp ảnh hưởng đến thân thể hoặc tinh thần.

Chủ sở hữu, người chiếm đoạt hợp pháp hoặc trái phép có lỗi vô ý hoặc cố ý.

Mặc dù biết việc thả rông, không đeo rõ mõm cho chó gây nguy hiểm nhưng người đó cho rằng việc này sẽ không xảy ra và không gây thiệt hại.

1.3 Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra

Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Ví dụ như bạn bị thương do chó nhà hàng xóm cắn. Việc bạn bị thương sẽ không xảy ra nếu như nhà hàng xóm sử dụng rọ mõm chó hoặc nhốt chú chó đó cẩn thận.


2. Ai phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra?

Súc vật không phải là con người, không có nhận thức, ý chí cũng như không thể điều khiển hành vi theo ý chí của con người. Vậy nên không ai có thể bắt súc vật phải bồi thường.

Nếu vậy ai mới là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra?

Câu trả lời là tùy từng trường hợp mà xác định là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp buộc phải thực hiện trách nhiệm này.

Điều này được quy định rõ tại Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

  • Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
  • Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Nguyên tắc và mức bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại do súc vật nói chung, nguyên tắc và mức bồi thường thiệt hại cho chó nói riêng, cũng áp dụng nguyên tắc chung quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015.

Thứ nhất, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại xảy ra cho bên bị thiệt hại.

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thứ hai, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Thứ ba, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Thứ tư, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Về mức bồi thường thiệt hại, có thể xác định tùy vào thiệt hại thực tế, về sức khỏe, tính mạng hay thiệt hại về tài sản do súc vật gây ra.

Trường hợp thiệt hại về sức khỏe, mức bồi thường thiệt hại được xác định trên căn cứ sau:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.
  • Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, không quá 50 lần mức lương cơ sở do pháp luật quy định.

Trường hợp thiệt hại về tính mạng, cần xác định mức bồi thường theo thiệt hại thực tế dựa trên căn cứ sau:

  • Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như đã liệt kê ở trên (nếu có);;
  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Thiệt hại khác do luật quy định
  • Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, không quá 100 lần mức lương cơ sở do pháp luật quy định.

Trường hợp có thiệt hại về tài sản, cần xác định mức bồi thường căn cứ trên yếu tố sau:

  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
  • Thiệt hại khác do luật quy định

4. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật dân sự năm 2015

Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về các quy định của pháp luật liên quan tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Nếu có vướng mắc cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật dân sự trực tuyến của Luật Quang Huy qua HOTLINE 19006588 để được tư vấn cụ thể.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Tạ Hồng Chúc
Luật sư Tạ Hồng Chúc
Trưởng Văn phòng Luật sư Phú Thọ, Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Thọ
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top