Chào luật sư, vừa rồi em có bị ốm phải nằm viện, khi ra viện em có nộp giấy xuất viện để được hưởng chế độ ốm đau.
Tuy nhiên, sau khi nộp giấy ra viện xong em lại nghỉ ngang công ty luôn vì lý do cá nhân.
Bình thường như lần trước sau khi nộp giấy nghỉ ốm xong em sẽ được hưởng chế độ luôn.
Vậy lần này em đã nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau nghỉ ngang thì có được bảo hiểm xã hội trả tiền không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Quang Huy.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, chúng tôi xin tư vấn về nghỉ ngang có được hưởng chế độ ốm đau không như sau:
1. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau
Điều kiện để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau bao gồm:
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
- Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
- Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp trên.
Như vậy, nếu bạn là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thuộc các trường hợp trên thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
Tuy nhiên, ngoài việc người lao động phải thuộc các trường hợp trên thì bạn còn phải đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau cho người sử dụng lao động.
2. Nghỉ ngang có được hưởng chế độ ốm đau không?
Trong trường hợp của bạn, bạn bị ốm phải nằm viện, ngoài ra bạn đã có giấy xuất viện và nộp giấy xuất viện cho công ty.
Tuy nhiên trong thời gian bạn đang chờ giải quyết hưởng chế độ ốm đau, bạn lại chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, tức là bạn đã nghỉ ngang không báo trước thời hạn cho công ty.
Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ chia ra các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Bạn đã nộp hồ sơ đầy đủ cho công ty và công ty đã nộp đầy đủ hồ sơ lên cơ quan bảo hiểm xã hội.
Hiện nay, người sử dụng lao động phải lập danh sách theo mẫu 01B-HSB cho cơ quan bảo hiểm xã hội, tại cột C có phần ghi số tài khoản, tên ngân hàng, chi nhánh nơi người lao động mở tài khoản; trường hợp người lao động không có tài khoản cá nhân thì bỏ trống.
Do đó sẽ lại có 2 tình huống có thể xảy ra:
- Nếu công ty bạn đã gửi danh sách có ghi thông tin tài khoản ngân hàng thì khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ bên cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tổ chức chi trả vào tài khoản của bạn.
- Nếu trong danh sách không có ghi thông tin tài khoản thì cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả tiền chế độ ốm đau về công ty bạn.
Về vấn đề này theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.
Do vậy, nếu bạn muốn hưởng tiền chế độ ốm đau bạn cần phải bồi thường cho công ty theo quy định tại Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019.
- Trường hợp 2: Bạn đã nộp hồ sơ đầy đủ cho công ty tuy nhiên vào thời điểm bạn tự ý nghỉ việc công ty chưa nộp hồ cho cơ quan bảo hiểm.
Vì thế công ty bạn không giải quyết chế độ ốm đau cho bạn. Do vậy trường hợp này có thể bạn sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau khi nghỉ ngang.
Như vậy, tùy thuộc vào việc khi bạn tự ý chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động của bạn đã nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội hay chưa.
Tuy nhiên, để được thanh toán các khoản liên quan đến quyền lợi của mình, được công ty trả sổ bảo hiểm xã hội thì bạn nên bồi thường cho công ty theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 và hợp đồng lao động bạn đã giao kết với công ty.
3. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động năm 2019;
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Quyết định số 166/QĐ-BHXH Ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN.
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề nghỉ ngang có được hưởng chế độ ốm đau không.
Nếu còn vấn đề thắc mắc hoặc chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi tới Tổng đài tư vấn chế độ ốm đau trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng./.