Quy định về chế độ nghỉ ốm đau của giáo viên mới nhất

Quy định về chế độ nghỉ ốm đau của giáo viên mới nhất
Nhằm đáp ứng mong muốn người lao động được hưởng đầy đủ trợ cấp khi ốm đau, con ốm, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn về chế độ ốm đau cho đối tượng này. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn về chế độ ốm đau, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006573 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Bạn đang thắc mắc về chế độ nghỉ ốm đau của giáo viên?

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giải đáp cho bạn về vấn đề này.


1. Điều kiện hưởng chế độ nghỉ ốm đau của giáo viên

Theo Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
  • Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
  • Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp hai trường hợp trên.

Nếu bạn thuộc 1 trong số những trường hợp dưới đây thì sẽ không được hưởng chế độ ốm đau:

  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy;
  • Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, nếu bạn là giáo viên đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đáp ứng các điều kiện trên và không thuộc các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau thì bạn sẽ được hưởng chế độ nghỉ ốm của giáo viên theo quy định của pháp luật.


2. Thời gian hưởng chế độ nghỉ ốm đau của giáo viên

2.1 Trường hợp giáo viên nghỉ ốm không nằm trong danh mục bệnh chữa trị dài ngày

Khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định theo thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:

Thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội Dưới 15 năm Từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm Từ đủ 30 năm trở lên
Làm việc trong điều kiện bình thường 30 ngày 40 ngày 60 ngày
Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0.7 trở lên 40 ngày 50 ngày 70 ngày

Ví dụ:

Chị Lam là giáo viên đóng bảo hiểm xã hội đã được 3 năm.

Chị Lam bị ốm đau bệnh tật phải nghỉ việc điều trị 5 ngày trong đó có 1 ngày chủ nhật.

Vậy chị Lam sẽ được hưởng bao nhiêu ngày hưởng chế độ ốm đau?

Thời gian hưởng chế độ ốm đau ngắn ngày của chị Lam là 4 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là chủ nhật thì không tính vào thời gian hưởng chế độ ốm đau).

2.2 Trường hợp giáo viên nghỉ ốm nằm trong danh mục bệnh chữa trị dài ngày

Khoản 2 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối với trường hợp người lao động nghỉ ốm do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành sẽ được nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau như sau:

  • Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
  • Trường hợp người lao động đã hưởng hết 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Chị A là giáo viên, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 tháng, mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa của chị A như sau:

  • Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
  • Trường hợp sau khi hưởng hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng 03 tháng.

Như vậy, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa của chị A là 180 ngày trong trường hợp sau khi hưởng hết thời hạn 180 ngày mà có xác nhận bên bác sĩ vẫn tiếp tục điều trị thì được nghỉ tiếp chế độ ốm đau nhưng thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.


3. Mức hưởng chế độ nghỉ ốm đau của giáo viên

3.1 Trường hợp giáo viên nghỉ ốm không nằm trong danh mục bệnh chữa trị dài ngày

Khoản 1 Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức hưởng đối với chế độ ốm đau ngắn ngày như sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 75% x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau
24 ngày

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.


3.2 Trường hợp giáo viên nghỉ ốm nằm trong danh mục bệnh chữa trị dài ngày

Khoản 2 Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức hưởng đối với chế độ ốm đau dài ngày như sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Trong đó, tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) được tính như sau:

Sau khi hưởng hết thời gian 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau cho thời gian tiếp theo được tính như sau:

  • 65% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;
  • 55% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
  • 50% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

4. Thủ tục hưởng chế độ nghỉ ốm đau của giáo viên

4.1 Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 100 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH bao gồm danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập và các giấy tờ sau:

Trường hợp điều trị nội trú:

  • Bản sao giấy ra viện của người lao động. Trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thay bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.
  • Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

Trường hợp nghỉ chế độ ốm đau tiến hành điều trị ngoại trú:

  • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (bản chính).
  • Trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của một trong hai người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

4.2 Nộp hồ sơ

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

4.3 Giải quyết hồ sơ và trả kết quả

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.


Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề chế độ nghỉ ốm đau của giáo viên.

Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật bảo hiểm xã hội trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

4/5 - (2 bình chọn)
Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top