Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được rút?

Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được rút
Nếu có vấn đề cần giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội, bạn vui lòng liên hệ ngay qua số điện thoại Tổng đài hỏi đáp bảo luật hiểm xã hội 19006573 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến.

Người lao động đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì có thể rút tiền bảo hiểm xã hội của mình về?

Họ cần có những điều kiện gì để có thể rút tiền bảo hiểm?

Hồ sơ, thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần là như thế nào?

Cách tính bảo hiểm xã hội ra sao?

Đây đều là những câu hỏi thường gặp của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Vậy làm sao để có thể giải quyết vấn đề này?

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giải đáp cho bạn đọc.


1. Điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần

Để có thể rút tiền bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần thỏa mãn một trong các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần được quy định tại Điều 60, Điều 77 của Luật BHXH 2014:

  • Đến tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, là cán bộ nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội;
  • Ra nước ngoài định cư;
  • Người mắc bệnh hiểm nghèo nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ y tế;
  • Người lao động đã nghỉ việc được 01 năm nhưng không có nhu cầu đóng tiếp bảo hiểm xã hội.

Như vậy, khi thuộc một trong các trường hợp trên, người lao động có thể thực hiện thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần.


2. Đóng bảo hiểm bao lâu thì được rút bảo hiểm xã hội một lần?

Người lao động khi kí kết hợp đồng lao động sẽ được tham gia vào bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động đủ điều kiện sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được rút bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật bảo hiểm hiện hành là từ 01 tháng cho đến dưới 20 năm (trừ các trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định).

Theo đó, người lao động đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ không thể thực hiện rút bảo hiểm xã hội một lần, ngoại trừ trường hợp ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, khi tham gia bảo hiểm xã hội dưới 01 năm và trên 01 năm, mức hưởng khi rút bảo hiểm xã hội là khác nhau.

Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chưa được 01 năm thì vẫn rút được bảo hiểm xã hội một lần.

Khi rút bảo hiểm xã hội, mức hưởng của đối tượng này bằng 22% mức tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức tối đa được hưởng là 02 tháng mức bình quân tiền lương.

Theo đó, người lao động kể cả mới được được 1 hoặc 2 tháng thì vẫn được quyền rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ một năm trở lên, họ có thể rút bảo hiểm xã hội một lần khi chưa đủ 20 năm tham gia. Tức là, khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội 19 năm 11 tháng thì vẫn đủ điều kiện để hưởng một lần bảo hiểm xã hội.

Như vậy, thời gian đủ điều kiện để được rút bảo hiểm xã hội một lần là từ khi bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội cho đến dưới 20 năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.


3. Hồ sơ, thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần

3.1 Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Để được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:

  • Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính);
  • Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo mẫu 14-HSB;
  • Chứng minh nhân dân (photo công chứng);
  • Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú;
  • Trong trường hợp là ra nước ngoài định cư thì phải có một trong các giấy tờ sau: hộ chiếu do nước ngoài cấp, thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lí do định cư ở nước ngoài, giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập tịch, giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp;
  • Đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo cần có trích sao hồ sơ bệnh án.

Lưu ý: Thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần là người lao động phải nghỉ việc 1 năm trở lên.

Nếu thời gian kể từ khi nghỉ đến thời điểm người lao động có ý định nộp hồ sơ mà chưa được trên 1 năm thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chưa tiếp nhận hồ sơ.


3.2 Thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người dân mang theo hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận/huyện nơi mình cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú lâu dài) để được giải quyết rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Điều 110 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sau khi nhận đủ hồ sơ, trong thời hạn 10 ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả tiền bảo hiểm xã hội một lần cho người lao động.


4. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần như sau:

  • Hệ số 1,5 nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm trước 2014;
  • Hệ số 2 nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ 2014 trở đi;
  • Trường hợp chưa đóng đủ 01 năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng, bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương.

Cách tính bảo hiểm xã hội

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần = (1.5 x mức bình quân tiền lương x thời gian tham gia đóng bảo hiểm trước năm 2014) = (2 x mức bình quân tiền lương x thời gian tham gia đóng bảo hiểm sau năm 2014)

Lưu ý:

  • Thời gian tham gia bảo hiểm xã hội lẻ từ 01 đến 06 tháng thì làm tròn thành 0,5 năm; từ 07 đến 11 tháng thì làm tròn thành 1 năm;
  • Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (trừ trường hợp bị bệnh hiểm nghèo).

Ví dụ: Anh X tham gia bảo hiểm xã hội có 3 tháng với mức lương là 8.000.000 đồng, 3 tháng với mức lương là 10.000.000 đồng.

Nay anh X muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để ra nước ngoài định cư.

Thời gian tham gia bảo hiểm của anh X là 06 tháng.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của anh X là:

Mức hưởng = [(8.000.000 x 3) + (10.00.000 x 3)] x 22% = 11.880.000 (đồng)

Trong đó mức bình quân tiền lương của anh X là: ((8.000.000 x 3) + (10.000.000 x 3))/6 = 9.000.000 đồng

Vậy mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần của anh X là 11.880.000 đồng.


5. Cơ sở pháp lý

  • Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;
  • Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
  • Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc.

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng.

Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn Luật bảo hiểm xã hội qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

4.9/5 - (9 bình chọn)
Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top