Lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?

Lách luật để hưởng BHTN sẽ bị xử lý như thế nào?
Nếu có vấn đề cần giải đáp thắc mắc về bảo hiểm thất nghiệp, bạn vui lòng liên hệ ngay qua số điện thoại Tổng đài hỏi đáp bảo luật bảo hiểm thất nghiệp 19006573 để được tư vấn hỗ trợ trực tuyến. Trân trọng.

Bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm đảm bảo những quyền lợi mà người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng khi thất nghiệp. Quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được nhận có thể kể đến như: được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc; được hướng dẫn, tư vấn miễn phí về lao động, việc làm; được hỗ trợ dạy nghề sơ cấp miễn phí…

Bên cạnh đó, người lao động còn được dùng thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp mà không phải đóng phí bảo hiểm y tế trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Vì đem lại rất nhiều lợi ích cho người lao động, loại trừ rủi ro khi người lao động không may mất việc làm nên có rất nhiều trường hợp các chủ thể tham gia đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật thực hiện những hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhằm mục đích chuộc lợi bảo hiểm thất nghiệp.

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ giúp bạn giải đáp rõ những trường hợp lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định.


1. Những hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Để có thể hưởng được trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời người lao động cũng cần phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lên Trung tâm dịch vụ việc làm nơi họ muốn hưởng trợ cấp để giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thủ tục cũng như quá trình hưởng trợ cấp của các chủ thể liên quan có thể có những hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Vậy những hành vi đó là gì, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu các trường hợp dưới đây:

1.1 Làm giả hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Tại khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định các hành vi bị cấm, trong đó có quy định cụ thể như sau:

Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó có thể hiểu rằng hành vi làm giả hồ sơ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật khi cá nhân, tổ chức tiến hành làm giả con dấu, tài liệu thể hiện thông tin không chính xác về quá trình tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng như các vấn đề pháp lý khác liên quan nhằm mục đích trục lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy để biết rằng hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không thì phải xác định như thể nào?

Hiện nay, các nhà làm luật chỉ yêu cầu chứng minh được rằng người đó dùng hồ sơ giả này để thực hiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhằm mục đích trục lợi mà không yêu cầu chứng minh thêm về hậu quả khi những chủ thể đó được giải quyết tiền bảo hiểm thất nghiệp.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn Quyết có tham gia làm việc tại Công ty Vina từ tháng 9/2019. Sau khi kết thúc 2 tháng thử việc, anh Quyết bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2019. Tháng 1/2021, do gia đình có việc đột xuất, anh Quyết đã tự ý nghỉ việc, không tuân thủ quy định về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (tức anh Quyết chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật). Sau khi được Công ty chốt sổ và trả sổ bảo hiểm xã hội, vì muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp nên anh Quyết đã tự mình soạn thảo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa Công ty Vina và anh Quyết. Đồng thời anh Quyết cũng làm giả con dấu của Công ty cũng như chữ ký của giám đốc công ty trong văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Tháng 3/2021, anh Quyết nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh H. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh H đã phát hiện ra bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa anh Quyết và Công ty Vina là giả. Hành vi của anh Quyết bị coi là hành vi làm giả hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

1.2 Đã có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp

Mục đích của bảo hiểm thất nghiệp là trợ giúp về mặt tài chính cho người thất nghiệp để họ ổn định cuộc sống cá nhân và gia đình trong một chừng mực nhất định, từ đó tạo điều kiện cho họ tham gia vào thị trường lao động để có những cơ hội mới về việc làm. Tuy nhiên, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động tìm được việc làm thì tại tháng người lao động có việc làm đó thì sẽ có thể bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại điểm b khoản 3 Điều 53 Luật việc làm năm 2013 như sau:

Điều 53. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

b) Tìm được việc làm;

Vấn đề xác định người lao động đã có việc làm được hướng dẫn cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Theo đó nếu người lao động đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên hoặc có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì được coi là đã có việc làm.

Nếu đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động đã có việc làm nhưng lại không khai báo thông tin tìm kiếm việc làm một cách trung thực, cố tình hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó thì bị coi là vi phạm pháp luật về hưởng bảo hiểm thất nghiệp.


Lách luật để hưởng BHTN sẽ bị xử lý như thế nào?
Lách luật để hưởng BHTN sẽ bị xử lý như thế nào?

2. Chế tài đối với hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Khi thực hiện các hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì người thực hiện hành vi đó sẽ phải chịu những chế tài sau:

2.1 Thu hồi bảo hiểm thất nghiệp

Thu hồi bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là người lao động sẽ phải chi trả lại các khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền hỗ trợ học nghề và kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm… đã được hưởng mà đáng lý ra họ không đủ điều kiện để được nhận hoặc có hành vi sai phạm khi đang hưởng các chế độ trợ cấp này.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì cơ quan ban hành quyết định về việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp phải ban hành quyết định thu hồi số tiền đã chi sai. Như vậy, khi người lao động thực hiện các hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp như: làm giả hồ sơ, đã có việc làm nhưng không khai báo trung thực mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp… thì sẽ phải hoàn trả lại các khoản trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện các hành vi vi phạm đó.

2.2 Xử phạt vi phạm hành chính

Khi thực hiện các hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc phải hoàn trả các khoản trợ cấp đã được nhận thì các chủ thể thực hiện hành vi đó còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi này được quy định rất chi tiết tại Khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Theo đó khi thực hiện các hành vi vi phạm để hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt các mức như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

(1) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (2) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; (3) Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.

2.3 Truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài việc phải hoàn trả số tiền trợ cấp đã được nhận hoặc bị phạt hành chính thì các chủ thể thực hiện những hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì khi thực hiện các hành vi vi phạm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.


3. Cơ sở pháp lý

  • Luật việc làm 2013
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Luật bảo hiểm xã hội 2014;
  • Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ 15/04/2020
  • Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Điều 52 Luật việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật việc làm 2013

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề: Lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào. Nếu nội dung tư vấn còn chưa rõ, có nội dung gây hiểu nhầm hoặc có thắc mắc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./

5/5 - (2 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top