Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế

Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế
Thấu hiểu vướng mắc về thủ tục thừa kế, lập di chúc và việc phân chia tài sản, Luật Quang Huy đã bổ sung đường dây nóng tư vấn luật thừa kế. Để được tư vấn miễn phí 24/7 về vấn đề này, Quý khách hàng hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 1900.6784.

Hưởng di sản thừa kế là quyền của mỗi người thừa kế khi người thân của họ chết đi mà có để lại di sản.

Tuy nhiên, vì một vài lý do nào đó mà người đó không muốn nhận phần di sản thừa kế mà họ được hưởng.

Trường hợp này họ cần làm thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế.

Vì vậy, để tìm hiểu về thủ tục từ chối nhận di sản cũng như điều kiện để việc từ chối có hiệu lực.

Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ trình bày về thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế và các vấn đề liên quan đến từ chối nhận di sản thừa kế.


1. Quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế

Theo quy định tại khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Theo quy định trên thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản theo ý chí của mình, trừ các trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ cấp dưỡng…)


2. Hình thức của việc từ chối nhận di sản

Việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được lập thành văn bản theo quy định tại khoản 2 điều 620 Bộ luật Dân sự 2015:

Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Như vậy, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và người từ chối nhận di sản phải gửi văn bản này đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác và người được giao nhiệm vụ phân chia di sản biết.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 59 luật Công chứng 2014 thì văn bản từ chối nhận di sản có thể được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc thực hiện thủ tục chứng thực tại Ủy ban Nhân dân cấp xã theo yêu cầu của người từ chối.

Trường hợp này người từ chối nhận di sản phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.


3. Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế

3.1 Công chứng hoặc chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế

Công chứng văn bản từ chối nhận di sản tại tổ chức hành nghề công chứng

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ cho tổ chức hành nghề công chứng bao gồm các giấy tờ sau:

  • Phiếu yêu cầu công chứng
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, huyết thống, nuôi dưỡng của người khai nhận thừa kế: Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu
  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận xe, sổ tiết kiệm….
  • Bản sao Di chúc (nếu thừa kế di chúc)

Bước 2:Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

  • Trường hợp việc tiếp nhận thông qua bộ phận tiếp nhận hồ sơ thì bộ phận tiếp nhận chuyển hồ sơ cho Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng;
  • Trường hợp Công chứng viên trực tiếp nhận, thì thực hiện kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng:
  • Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng;
  • Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng chưa đầy đủ: Công chứng viên ghi phiếu hướng dẫn và yêu cầu bổ sung (phiếu hướng dẫn ghi cụ thể các giấy tờ cần bổ sung, ngày tháng năm hướng dẫn và họ tên Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ);
  • Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở pháp luật để giải quyết: Công chứng viên giải thích rõ lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ. Nếu người yêu cầu công chứng đề nghị từ chối bằng văn bản, Công chứng viên báo cáo Trưởng phòng/Trưởng Văn phòng xin ý kiến và soạn văn bản từ chối.

Bước 3: Soạn thảo và ký văn bản từ chối nhận di sản

Trường hợp văn bản đã được người yêu cầu công chứng soạn thảo sẵn:

  • Công chứng viên kiểm tra dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, nội dung của văn bản không phù hợp quy định của pháp luật, Công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa.
  • Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì Công chứng viên có quyền từ chối công chứng;

Trường hợp văn bản do Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng: Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Công chứng viên soạn thảo hợp đồng, giao dịch;

Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng. Trường hợp người yêu cầu công chứng có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Công chứng viên xem xét và thực hiện việc sửa đổi, bổ sung ngay trong ngày hoặc hẹn lại;

Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong dự thảo văn bản, Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của văn bản.

Bước 4: Ký chứng nhận và trả kết quả công chứng

Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng.

Bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng hoàn tất việc thu phí, thù lao công chứng và chi phí khác theo quy định, đóng dấu và hoàn trả lại hồ sơ cho người yêu cầu công chứng.

Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản tại Ủy ban nhân dân cấp xã/phường

Bước 1: Người yêu cầu chứng thực nộp hồ sơ yêu cầu chứng thực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã/phường.

Bước 2: Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực người từ chối nhận di sản tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.

Người từ chối nhận di sản phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực.

Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng.

Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến văn bản từ chối nhận di sản.

Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Đối với văn bản từ chối nhận di sản có từ 02 (hai) trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của văn bản từ chối nhận di sản.

Trường hợp văn bản từ chối nhận di sản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

Trường hợp phải phiên dịch thì người phiên dịch có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản từ chối nhận di sản, nội dung lời chứng cho người yêu cầu chứng thực và ký vào từng trang văn bản từ chối nhận di sản với tư cách là người phiên dịch.

Bước 3: Người yêu cầu chứng thực nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ.

3.2 Thông báo về việc từ chối nhận di sản thừa kế

Theo quy định tại khoản 2 điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Căn cứ theo quy định trên thì việc từ chối nhận di sản phải được thông báo cho những người liên quan như: người quản lý di sản, những người thừa kế khác và người được giao nhiệm vụ phân chia di sản.


4. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự 2015
  • Luật công chứng 2014
  • Nghị định số 29/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Công chứng

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn về thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nếu có thắc mắc cần được giải đáp hoặc mong muốn trợ giúp thêm về thủ tục thi từ chối nhận di sản thừa kế bạn có thể kết nối tới Tổng đài tư vấn luật dân sự qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn trực tiếp.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Luật sư Tạ Hồng Chúc
Luật sư Tạ Hồng Chúc
Trưởng Văn phòng Luật sư Phú Thọ, Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Thọ
Theo dõi
Thông báo của
guest
2 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Thuan Tran Duc
Khách
Thuan Tran Duc
05/12/2023 15:12

Kính gửi Cty Luật Quang Huy Tôi có 1 câu hỏi xin được giải đáp. Bố mẹ tôi (hiện còn sống và hoàn toàn minh mẫn) có 1 ngôi nhà. Ngôi nhà đó thuộc quyền thừa kế của 3 anh em tôi (2 trai, 1 gái) Tất cả chúng tôi… Đọc tiếp »

Luật Quang Huy
Thành viên
Luật Quang Huy
28/12/2023 10:28
Trả lời  Thuan Tran Duc

Bạn liên hệ đến tổng đài tư vấn Luật của Luật Quang Huy theo HOTLINE 1900 6588 hoặc 1900 6784 để được hỗ trợ tư vấn và trao đổi chi tiết nhé!

phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top