Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất

Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam
Nhằm hỗ trợ người dân thuận tiện, dễ dàng hơn khi khiếu nại, tố cáo cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan đến chứng minh nhân dân, căn cước công dân và xử phạt hành chính, Luật Quang Huy triển khai đường dây nóng tư vấn luật hành chính. Nếu bạn có nhu cầu được tư vấn, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí 24/7.

      Xin chào luật sư, hiện tại em có một vấn đề cần nhờ luật sư tư vấn như sau: người yêu em trước đây là người Việt Nam nhưng sau theo bố mẹ ra định cư nước ngoài và đã nhập quốc tịch Mỹ. Nay anh ấy mới về Việt Nam làm việc và kết hôn với em nên có mong muốn bỏ quốc tịch bên kia đi để nhập quốc tịch Việt Nam trở lại. Vậy trong trường hợp của anh ấy thì có thể nhập tịch Việt Nam không và nếu có thì trình tự, thủ tục như thế nào? Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ luật sư!


      Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Quang Huy. Về thắc mắc của bạn liên quan tới vấn đề xin nhập quốc tịch Việt Nam, chúng tôi tư vấn cho bạn cụ thể như sau:


Căn cứ pháp lý

  • Luật Quốc tịch năm 2008
  • Nghị định số 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam
  • Thông tư số 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam, lệ phí quốc tịch

Điều kiện nhập tịch Việt Nam

      Theo luật quốc tịch Việt Nam mới nhất quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì điều kiện được nhập tịch Việt Nam. Theo đó, công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được đồng ý cho mang quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
  • Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

      Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam của người muốn mang quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó.

  • Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

      Người muốn có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú.

      Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú.

  • Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

      Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Trường hợp đặc biệt, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được đồng ý mang quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện biết tiếng Việt, thường trú ở Việt Nam và có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

  • Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
  • Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
  • Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

      Lưu ý:       

      Người nhập tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này,trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

      Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch.

      Người xin nhập quốc tịch không được mang quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

      Điều kiện để trở thành công dân Việt Nam được luật quốc tịch 2008 quy định cụ thể như trên. Trong trường hợp của người yêu bạn, bởi vì anh ấy mới trở về Việt Nam nên không thể đủ điều kiện như Khoản 1 Điều 8 Luật Quốc tịch quy định (Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập tịch). Nên trong trường hợp này, muốn này thì người yêu bạn phải thuộc trường hợp là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam.

      Như vậy, để được nhập tịch vào Việt Nam, hai bạn nên thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn để trở thành vợ chồng theo quy định của pháp luật, trường hợp này sẽ thuộc trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Sau khi đăng ký kết hôn, hai bạn trở thành vợ chồng thì người yêu bạn sẽ đủ điều kiện để được nhập tịch Việt Nam.


Thẩm quyền giải quyết

      Để xin nhập quốc tịch Việt Nam thì cần phải gửi hồ sơ đến đúng cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục nhập quốc tịch. Theo đó Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam mới nhất quy định như sau:

1. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

      Nơi cư trú được Luật Cư trú quy định là nơi người đó đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Như vậy, khi làm thủ tục để trở thành công dân Việt Nam người yêu bạn sẽ phải nộp đơn đến Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mà anh ấy đang cư trú.


Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam

      Về hồ sơ cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục để mang quốc tịch Việt Nam, Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định bao gồm các giấy tờ như sau:

  • Đơn xin nhập quốc tịch;
  • Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
  • Bản khai lý lịch;
  • Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch đang định cư nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
  • Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
  • Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
  • Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.

Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam

      Đối với những người được miễn một số điều kiện theo quy định thì được miễn các giấy tờ tương ứng với điều kiện được miễn, nhưng phải nộp giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được miễn điều kiện đó.

  • Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn chứng minh quan hệ hôn nhân;
  • Người là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con;
  • Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải nộp bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam;
  • Người mà việc có quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải nộp giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận về việc mang quốc tịch Việt Nam của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển của một trong các lĩnh vực nêu trên.

Thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam

      Trình tự thủ tục để trở thành công dân Việt Nam được Điều 21 Luật Quốc tịch 2008 quy định cụ thể như sau:

  • Bước 1: Người xin nhập tịch Việt Nam chuẩn bị hồ sơ và nộp lên Sở Tư pháp nơi cư trú
  • Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và xác minh điều kiện nhập tịch Việt Nam

      Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin nhập tịch Việt Nam.

      Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập tịch Việt Nam.

      Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

      Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

      Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch.

      Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam

  • Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

      Theo thủ tục nêu trên thì thời gian giải quyết theo quy định hiện hành là khoảng 3 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.


Chi phí

      Theo Thông tư số 281/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu hộ tịch, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam, lệ phí quốc tịch thì lệ phí xin nhập quốc tịch trong trường hợp này là 3.000.000 VNĐ (ba triệu đồng)/ trường hợp.


      Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề xin nhập quốc tịch Việt Nam. Mọi thắc mắc bạn vui lòng liên hệ tới Luật sư tư vấn hôn nhân và gia đình qua Tổng đài 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp cụ thể hơn.

      Trân trọng./.


 

5/5 - (1 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top