Thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương

Thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương
Bạn muốn ly hôn nhanh chóng và đơn giản?

Nếu quá mệt mỏi với thủ tục ly hôn, bạn có thể sử dụng dịch vụ luật sư hỗ trợ ly hôn nhanh chỉ trong O1 ngày với chi phí chỉ từ 9.999.999đ. Liên hệ ngay hotline 0369.246.588 để được báo giá chi tiết. Trân trọng.

Ly hôn là vấn đề luôn rất khó giải quyết bởi nó đặc biệt hơn các mối quan hệ khác là chứa đựng yếu tố tình cảm.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi ly hôn, vợ hoặc chồng gửi đơn khởi kiện nhưng sau đó, họ lại không muốn ly hôn nữa và xin rút đơn ly hôn.

Vậy vợ hoặc chồng có quyền thay đổi ý kiến và xin rút đơn ly hôn không?

Thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương theo quy định hiện hành cụ thể như thế nào?

Để giúp bạn có những thông tin đầy đủ về vấn đề này, Luật Quang Huy chúng tôi xin tư vấn về thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương theo quy định của pháp luật hiện hành.


1. Rút đơn ly hôn đơn phương là gì?

Rút đơn ly hôn đơn phương là gì?

Rút đơn ly hôn đơn phương là việc người nộp đơn khởi kiện ly hôn thay đổi quyết định không muốn ly hôn nữa vì các lý do khác nhau.

Sau khi đã nộp đơn ly hôn đơn phương lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền, người yêu cầu ly hôn xin rút lại yêu cầu của mình.


2. Ai là người được rút đơn ly hôn đơn phương?

Ai là người được rút đơn ly hôn đơn phương?

Khi tham gia vào quá trình tố tụng, một trong những quyền đặc trưng của đương sự là quyền quyết định và tự định đoạt yêu cầu của mình.

Khoản 4 điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định, đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng và đương sự có quyền:

Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.

Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đương sự có quyền rút đơn khởi kiện.

Cụ thể trong trường hợp giải quyết vụ án ly hôn đơn phương, nguyên đơn có quyền được rút đơn ly hôn nếu việc rút đơn là tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối.


3. Có thể rút đơn ly hôn đơn phương ở giai đoạn nào?

Có thể rút đơn ly hôn đơn phương ở giai đoạn nào?

Trong quá trình giải quyết một vụ án ly hôn, đương sự có thể rút đơn ly hôn theo đúng quy định của pháp luật. Vậy khi nào được rút đơn ly hôn?

3.1 Rút đơn khi tòa án chưa thụ lý vụ án

Khoản 2 điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Đương sự có quyền chấm dứt hoặc thay đổi yêu cầu của mình ở thời điểm Tòa án chưa thụ lý vụ án ly hôn.

Tức là khi chưa bắt đầu thủ tục tố tụng giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án, người nộp đơn xin ly hôn hoàn toàn được rút đơn ly hôn khi Tòa án chưa thụ lý để cân nhắc thêm khi đưa ra quyết định cuối cùng.

3.2 Rút đơn trước khi mở phiên tòa sơ thẩm

Trước khi mở phiên tòa là thời gian tính từ khi thụ lý vụ án ly hôn cho đến trước khi mở phiên tòa sơ thẩm.

Trong thời gian này, nguyên đơn có được rút đơn khởi kiện ly hôn hay không?

Theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

Như vậy, ngay sau khi có quyết định thụ lý vụ án, người yêu cầu ly hôn được quyền rút đơn ly hôn.

Nếu nguyên đơn rút hết toàn bộ yêu cầu của mình và không còn yêu cầu của các đương sự khác thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Tòa án tiến hành xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu.

Như vậy, trong giai đoạn này, nguyên đơn hoàn toàn có quyền rút đơn ly hôn đã được Tòa án thụ lý.

3.3 Rút đơn tại phiên tòa sơ thẩm

Căn cứ theo quy định tại điều 243, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn, khi chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.

Nếu đương sự muốn rút yêu cầu khởi kiện ly hôn thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử vụ án nếu thấy việc rút đơn là tự nguyện.

3.4 Rút đơn ly hôn trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm

Khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc rút đơn trước hoặc tại phiên tòa phúc thẩm như sau:

1.Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;

b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu có việc kháng cáo bản án sơ thẩm thì thủ tục ly hôn sẽ được tiếp tục giải quyết ở cấp phúc thẩm.

Và trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm giải quyết việc ly hôn thì nguyên đơn có thể rút yêu cầu ly hôn và được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu bị đơn đồng ý cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện ly hôn.

Khi đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn.

Trường hợp bị đơn không đồng ý cho nguyên đơn rút đơn yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và vẫn tiến hành giải quyết tranh chấp ly hôn theo thủ tục phúc thẩm.


4. Các bước tiến hành thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương

Các bước tiến hành thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương

Theo quy định của pháp luật hiện hành trên thì người khởi kiện được rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện ở thời điểm phù hợp mà pháp luật cho phép.

Thủ tục rút đơn ly hôn thực hiện như sau:

4.1 Viết và nộp đơn xin rút đơn theo mẫu

Nguyên đơn viết đơn yêu cầu rút đơn theo mẫu gửi lên Tòa án nhân dân mà vợ chồng đã nộp đơn để Tòa án trả lại đơn và hồ sơ.

Trong đơn xin rút yêu cầu khởi kiện về việc ly hôn, cần trình bày rõ thông tin và tư cách của người làm đơn xin rút yêu cầu và trình bày về lý do xin rút đơn ly hôn.

4.2 Nhận lại tài liệu, chứng cứ

Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về trường hợp Tòa án quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo khi có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện về việc ly hôn.

Khi đó, người khởi kiện nhận lại tài liệu, chứng cứ đã cung cấp cho Tòa án.


5. Lệ phí ly hôn khi rút đơn

Lệ phí ly hôn khi rút đơn
Khoản 3 Điều 218 quy định về Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:

Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.

Vì vậy, nếu vụ án bị đình chỉ giải quyết do nguyên đơn rút đơn xin ly hôn thì tiền tạm ứng án phí sẽ được trả lại.


6. Rút đơn ly hôn rồi có được nộp lại hay không?

Rút đơn ly hôn rồi có được nộp lại hay không?

Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, đương sự đã rút đơn ly hôn thì có nộp lại được hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:

b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.

Theo quy định này, đối với yêu cầu ly hôn mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu thì đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, trước đây bạn đã rút đơn ly hôn thì Tòa án đã đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của bạn.

Bây giờ nếu có căn cứ để ly hôn và muốn yêu cầu Tòa án giải quyết thì bạn hoàn toàn có thể nộp lại đơn ly hôn.

Tòa án vẫn sẽ xem xét đơn và giải quyết yêu cầu của bạn theo thủ tục tố tụng dân sự.


7. Mẫu đơn xin rút đơn ly hôn đơn phương

Tải mẫu tại đây:


TẢI MẪU ĐƠN XIN RÚT LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG



Trên đây là toàn bộ thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Thủ tục rút đơn ly hôn đơn phương theo pháp luật hiện hành.

Để được tư vấn cụ thể hơn các bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến Hôn nhân và gia đình qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ giải đáp.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top