Quy định về quỹ ốm đau thai sản

Quy định về quỹ ốm đau thai sản
Thai sản không chỉ là quyền lợi của người lao động nữ mà còn là của người lao động nam có vợ sinh con. Với mong muốn hỗ trợ đảm bảo cho người lao động nhận đủ số tiền trợ cấp này, Luật Quang Huy bổ sung thêm đường dây nóng tư vấn chế độ thai sản. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn chế độ thai sản, hãy liên hệ ngay cho Luật sư chúng tôi qua Tổng đài 19006573 để được tư vấn.

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Song, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của quỹ ốm đau thai sản thuộc bảo hiểm xã hội.

Vậy nên, qua bài viết này, Luật Quang Huy sẽ cung cấp thông tin chi tiết đến bạn đọc về Quy định của pháp luật về quỹ ốm đau thai sản.


1. Quỹ ốm đau thai sản là gì

Chế độ ốm đau, thai sản là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn cao cả.

Mục đích của chế độ này là bảo đảm thu nhập cho người tham gia tạm thời bị gián đoạn do phải nghỉ việc vì ốm đau, tai nạn hay người lao động mang thai hoặc nghỉ sinh con.

Chế độ này có tác dụng to lớn không chỉ với người lao động, gia đình của họ mà còn với người sử dụng lao động.

Đối với bản thân người lao động, chế độ hỗ trợ một phần kinh phí điều trị, duy trì cuộc sống hàng ngày, giúp người lao động nhanh chóng trở lại làm việc, ổn định đời sống.

Đối với người sử dụng lao động, bằng việc đảm bảo thu nhập cho người lao động, chế độ ấy góp phần không nhỏ trong việc ổn định tâm lý, tăng năng suất lao động, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đối với chế độ ốm đau người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp khi ốm đau ngắn hoặc dài ngày, khi có con dưới 07 tuổi ốm thì họ sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày nghỉ tương ứng với số năm họ tham gia đóng bảo hiểm với từng trường hợp cụ thể.

Chế độ thai sản sẽ đặc biệt hơn và chủ yếu được áp dụng đối với lao động nữ khi họ tham gia bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp hoặc chồng có vợ sinh con nếu người vợ không đủ điều kiện hưởng mà người chồng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội hiện hành.

Chế độ thai sản sẽ bao gồm: chế độ nghỉ khám thai, chế độ cho người lao động khi thực hiện các biện pháp tránh thai, chế độ khi người lao động bị sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu về chế độ nghỉ khi sinh con.


2. Nguồn gốc hình thành quỹ ốm đau thai sản

Từ khi hình thành quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ ốm đau thai sản cũng được quan tâm rất nhiều qua các lần sửa đổi luật bảo hiểm xã hội, quy định nội dung về quỹ ốm đau thai sản cũng có nhiều thay đổi tích cực hơn.

Quỹ ốm đau thai sản hình thành dựa trên mức đóng bảo hiểm hàng tháng của người sử dụng lao động.

Song ở quy định tại Điều 92 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 thì hằng tháng, người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên quá trình thực hiện do phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực về quản lí và thực hiện trên thực tiễn, đến Luật bảo hiểm xã hội 2014 mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động có sự thay đổi.

Cụ thể tại khoản 1 Điều 86 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

1.Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

b) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất”.

Như vậy, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 không còn quy định về vấn đề 2% giữ lại của doanh nghiệp.

Tức là các trường hợp trước ngày 31/12/2015 người sử dụng lao động sẽ giữ 2% để tạm chi ốm đau thai sản.

Còn từ ngày 01/01/2016 thì các doanh nghiệp sẽ nộp toàn bộ tiền bảo hiểm lên trên cơ quan bảo hiểm xã hội.

Sau đó, cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả tiền cho người lao động khi hưởng thai sản hay ốm đau.

Việc quản lí và thực hiện sẽ do trực tiếp bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thi hành, như vậy sẽ giúp người lao động an tâm hơn cũng như khách quan và độc lập hơn so với việc để người sử dụng lao động trực tiếp quản lí.


3. Vai trò của quỹ ốm đau thai sản

Ốm đau, bệnh tật là điều không một ai mong muốn xảy ra với bản thân mình.

Song đây là những sự kiện khi xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và nguồn kinh tế của doanh nghiệp quản lý.

Vậy nên, việc hình thành và duy trì quỹ ốm đau thai sản vừa là nguồn hỗ trợ, động viên đến trực tiếp người lao động và gia đình họ thì đây cũng là một trong những hình thức giúp người sử dụng lao động ổn định tâm lý để họ yên tâm công tác, nâng cao sự gắn bó và năng suất trong công việc.

Việc quản lý và thực hiện nghiêm chỉnh quỹ ốm đau thai sản cũng sẽ giúp mọi người có thêm lòng tin với Đảng và các cơ quan chính quyền Nhà nước trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.


4. Cơ sở pháp lý

  • Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
  • Luật bảo hiểm xã hội năm 2006

Trên đây là toàn bộ thông tin cần thiết mà chúng tôi cung cấp về vấn đề quy định của pháp luật về quỹ ốm đau thai sản.

Nếu bạn đọc còn thông tin chưa hiểu rõ hoặc có thắc mắc về các vấn đề liên quan của chế độ bảo hiểm xã hội, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến Tổng đài tư vấn về bảo hiểm xã hội của Luật Quang Huy hotline 19006588 để được hỗ trợ.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)
Nguyễn Thị Huyền
Nguyễn Thị Huyền
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Huyền. Hiện đang là Trưởng phòng Quản lý Nhân sự tại Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm,...
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

HOTLINE TƯ VẤN BHXH

Scroll to Top