Mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC

Mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh bcc
Lưu ý: Đây chỉ là mẫu hợp đồng áp dụng cho các trường hợp chung. Trên thực tế sẽ có nhiều điều khoản mà các bên cần thống nhất lại. Nếu bạn cần hợp đồng cụ thể, chi tiết để có thể đảm bảo quyền lợi cho mình, vui lòng gọi hotline 1900.6784 để được đội ngũ luật sư tư vấn và hỗ trợ soạn thảo hợp đồng.

Mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh là biểu mẫu được sử dụng khi có sự thỏa thuận hơp tác kinh doanh giữa các bên.

Làm thế nào để có mẫu hợp đồng đầy đủ, chính xác nhất, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên tham gia.

Dựa theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật Quang Huy xin đưa ra mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh mới nhất mời các bạn tham khảo.


1. Thế nào là hợp đồng hợp tác kinh doanh?

Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 như sau:

” Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.”

Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh là một loại hợp đồng hợp tác.

Nó thể hiện sự thỏa thuận giữa các chủ thể về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện một công việc hoặc nhiều công việc.

Thông qua đó, các bên cùng hưởng lợi và chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Luật đầu tư 2014 cũng quy định như sau:

“Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế”.

Có nghĩa là, bản chất của hợp đồng hợp tác kinh doanh vẫn là sự thỏa thuận của các bên.

Hợp đồng này được xây dựng nhằm hợp tác thực hiện một hay nhiều công việc để hưởng lợi nhuận.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh là một hợp đồng phổ biến, thuận lợi cho các chủ thể có thể thực hiện đầu tư, làm ăn lớn mà không cần thành lập tổ chức kinh tế.


2. Mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh

Dưới đây là mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh bạn có thể tham khảo:

TẢI MẪU HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH


3. Hướng dẫn điền mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh

Trên đây là mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh mới nhất mà tổng đài tư vấn Luật Quang Huy đã tiến hành soạn thảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bạn có thể download mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh về và sử dụng.

Một số lưu ý khi điền mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Thông tin trong hợp đồng phải được điền chính xác, đầy đủ.
  • Mục đích, nội dung của hợp đồng không được vi phạm đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật
  • Thời hạn hợp tác, phương thức phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ các bên là những điều khoản quan trọng nhất liên quan đến bản chất hợp đồng.

4. Chủ thể của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Chủ thể của hợp đồng hợp tác kinh doanh trước hết phải đáp ứng đủ các điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.

Chủ thể tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự, tự nguyện tham gia giao dịch.

Đối với hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, chủ thể tham gia hợp đồng phải là chủ đầu tư.

Các chủ đầu tư tự nguyện thỏa thuận, hợp tác với nhau để kinh doanh, thu lợi nhuận.

Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.


5. Nội dung và hình thức của hợp đồng hợp tác kinh doanh

5.1 Nội dung

Hợp đồng hợp tác kinh doanh thông thường phải có các nội dung theo quy định của Bộ luật dân sự như sau:

“Hợp đồng hợp tác có nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục đích, thời hạn hợp tác;

2. Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;

3. Tài sản đóng góp, nếu có;

4. Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;

5. Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;

6. Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;

7. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;

8. Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;

9. Điều kiện chấm dứt hợp tác.”

Các nội dung chính của hợp đồng phải được thỏa thuận rõ ràng và cụ thể.

Mục đích của hợp đồng không được vi phạm đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật.

Tài sản của các bên đóng góp cũng không được vi phạm các quy định về tài sản được phép giao dịch.

Nội dung của hợp đồng phải thể hiện được ý chí hợp tác giữa các bên.

Với mục đích kinh doanh thu lợi nhận chính đáng, các bên cần thỏa thuận một cách hợp lý về cách thức phân chia cũng như quyền và nghĩa vụ tương ứng.

5.2 Hình thức

Hợp đồng hợp tác phải được lập bằng văn bản theo quy định tại Khoản 2 Điều 504 Bộ luật dân sự 2015.

Việc lập bằng văn bản trở thành căn cứ pháp lý cho hoạt động hợp tác.

Các bên có bằng chứng và cơ sở cho mọi sự kiện xảy ra trong quan hệ hợp đồng.

Đối với hình thức hoạt động, hợp đồng hợp tác kinh doanh có nhiều cách thức như: hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát, hình thức chia lợi nhuận sau thuế,…

Các hình thức này được xác định dựa vào sự thỏa thuận của các bên.


6. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng

Điều 507 Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các thành viên hợp tác như sau:

Điều 507. Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác

“1. Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.

2. Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

3. Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.

4. Thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.”

Quyền và nghĩa vụ của các bên chủ yếu được thỏa thuận trong hợp đồng.

Ngoài ra, còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ hưởng hoa lợi, lợi tức thu theo hoạt động hợp tác và tham gia quyết định những vấn đề liên quan đến hoạt động hợp tác.

Đây là những quyền và nghĩa vụ chủ yếu của hợp đồng hợp tác mà hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng phải có.

Tuy nhiên, tùy vào từng lĩnh vực kinh doanh khác nhau mà pháp luật chuyên ngành có những quy định cụ thể hơn nữa.


7. Đặc điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hợp đồng BCC mang đầy đủ các đặc điểm của hợp đồng nói chung.

Nó là sự thỏa thuận giữa các bên ký kết, tức là sự thỏa hiệp ý chí của các nhà đầu tư.

Các bên tham gia tự nguyện, tự do bày tỏ ý chí của mình.

Các bên chủ thể của hợp đồng chủ yếu là các chủ thể kinh doanh và có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

Người đại diện để ký kết hợp đồng phải là người đại diện hợp pháp của các bên chủ thể hợp đồng.

Nội dung của hợp đồng BCC không được trái với quy định của pháp luật.

Hình thức của hợp đồng BCC phù hợp với quy định của pháp luật.

Mặt khác, mục đích của các bên trong hợp đồng nhằm hướng đến tìm kiếm lợi nhuận, bởi lẽ, các nhà đầu tư chủ yếu là các nhà kinh doanh.

Đầu tư theo hợp đồng BCC là một hình thức đầu tư trực tiếp, được thiết lập trên cơ sở hợp đồng các nhà đầu tư không chỉ bỏ vốn mà còn trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Hoạt động đầu tư này luôn phải có sự hợp tác của hai hay nhiều nhà đầu tư với nhau.

Sự hợp tác này là kết quả của quá trình thỏa thuận, rồi đi đến ký kết hợp đồng, mọi quyền và nghĩa vụ cơ bản được ghi nhận trên văn bản có giá trị pháp lý là hợp đồng BCC.

Khác với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư theo hợp đồng BCC được thực hiện trên cơ sở pháp lý là hợp đồng.

Các bên cùng hợp tác góp vốn, cùng tiến hành hoạt động kinh doanh, cùng hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận trong hợp đồng đồng thời cùng chịu rủi ro xảy ra trong quá trình hợp tác.

Nội dung quan hệ đầu tư của hợp đồng BCC:

Bao gồm những thỏa thuận thể hiện tính “hợp tác kinh doanh”, bao gồm các thỏa thuận về bỏ vốn để cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh. Đây chính là đặc thù của hợp đồng hợp tác kinh doanh trong sự so sánh với các hợp đồng khác trong thương mại, ở các hợp đồng này, thời điểm chuyển rủi ro được các bên thỏa thuận hoặc được pháp luật quy định là cơ sở xác định rõ lợi nhuận hay rủi ro thuộc về một trong các bên trong hợp đồng.

Trong quá trình đầu tư theo hợp đồng BCC, các nhà đầu tư sử dụng tư cách pháp lý của mình một cách hoàn toàn độc lập, mặc dù trong quá trình hợp tác kinh doanh, các bên có thể thỏa thuận thành lập một Ban điều hành để giám sát việc thực hiện hợp đồng nhưng không phải là đại diện pháp lý cho các bên hợp doanh.

Chủ thể của hợp đồng BCC là các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Số lượng chủ thể trong từng hợp đồng cũng không giới hạn, chủ thể của hợp đồng có thể bao gồm hai hoặc nhiều nhà đầu tư có quan hệ hợp tác kinh doanh với nhau, tùy vào quy mô của dự án cũng như nhu cầu, khả năng và mong muốn của các nhà đầu tư.

Đây cũng là điểm để phân biệt hợp đồng BCC với hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cung ứng dịch vụ, những hợp đồng này thường chỉ có sự tham gia của hai bên.

Mục đích của các bên tham gia hợp đồng BCC là nhằm thực hiện việc hợp tác kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận thông qua hợp đồng mà không thành lập pháp nhân mới.


8. Ưu điểm và nhược điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh

8.1 Ưu điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hiện nay, ở nước ta hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC đang ngày càng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn khi tiến hành hoạt động đầu tư của mình.

Đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh Bất động sản, cung cấp dịch vụ viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí và các khoáng sản quý hiếm,… do những ưu điểm nổi trội mà nó mang lại.

Thứ nhất, hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC có thể giúp các nhà đầu tư tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, tài chính trong việc thành lập pháp nhân mới cũng như chi phí vận hành doanh nghiệp khi nó được thành lập, khi dự án đầu tư kết thúc, các nhà đầu tư cũng không phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, thời gian để cơ quan Nhà nước xem xét, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp không lâu nhưng các thủ tục liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ thì rất nhiều và tốn thời gian.

Không những thế, vấn đề về trách nhiệm liên đới còn được đặt ra đối với các thành viên sáng lập khi họ đặt bút ký kết các hợp đồng trước đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp đó lại không được thành lập.

Hình thức này luôn là ưu tiên số một cho các dự án đầu tư các khu chung cư ở các thành phố lớn.

Bởi vì, khi dự án kết thúc, các bên phân chia lợi nhuận thì không cần phải tính đến chuyện làm thủ tục giải thể doanh nghiệp nếu như các nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư khác.

Ngoài ra, ngay khi các chung cư hoàn thành, các bên có thể ngay lập tức bán phần của mình như thỏa thuận phân chia mà không phụ thuộc vào đối tác còn lại.

Thứ hai, với hình thức đầu tư này, các bên có thể hỗ trợ nhau những thiết sót, yếu điểm của nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ như đối với những thị trường đầu tư còn mới mẻ, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông qua những đối tác trong nước đã am hiểu thị trường.

Còn các nhà đầu tư nước ngoài thì có thể được các đối tác nước ngoài hỗ trợ về vốn, nhân lực, công nghệ hiện đại.

Như vậy, đối với các nhà đầu tư có thể nói là đôi bên cùng có lợi.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ.

Do đó, nhà đầu tư sẽ rất linh hoạt, độc lập, ít lệ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề của dự án đầu tư.

Nếu như đối với hình thức đầu tư thành lập pháp nhân mới, các nhà đầu tư căn cứ vào phần vốn góp để lựa chọn một hoặc một nhóm người đứng đầu lãnh đạo công ty.

Như vậy, những nhà đầu tư có nguồn vốn ít sẽ có ít cơ hội được nắm quản lý, không chủ động trong việc cũng như với số vốn mà họ đã bỏ ra.

Nhưng đối với hình thức đầu tư này, với cơ chế đàm phán để chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư, các nhà đầu tư có thể linh hoạt trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng.

Do đó, hình thức đầu tư này góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu và sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư khác nhau.

Thứ tư, việc tiến hành đầu tư theo hợp đồng BCC còn giúp các nhà đầu tưu khi ký kết được lựa chọn phương án góp vốn, phân chia kết quả kinh doanh sao cho phù hợp với mức độ đóng góp của các bên.

Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam không trường vốn nên khi tham gia liên doanh thường góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng không phải lúc nào cũng có thể góp vốn bằng đất đai.

Do đó, phương thức đầu tư theo hợp đồng BCC là khá phù hợp so với tình hình thực tế ở nước ta.

Doanh nghiệp Việt Nam chúng ta có lợi thế hơn trong hiểu biết về văn hóa tiêu dùng trong nước, về lực lượng lao động,…

Còn với các doanh nghiệp nước ngoài thường có lợi thế về vốn, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến.

Những điều này khi kết hợp với nhau sẽ mang lại thuận lợi cho cả hai bên.

8.2 Nhược điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội của mình, hợp đồng BCC cũng tồn tại những hạn chế.

Thứ nhất, việc không thành lập pháp nhân mới như phân tích ở trên là một ưu điểm nổi bật nhưng nó cũng chính là mặt hạn chế của hình thức đầu tư này.

Chính vì không thành lập doanh nghiệp mới, do đó dự án đầu tư sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hợp đồng phục vụ cho việc đầu tư theo hợp đồng BCC.

Cũng chính vì không có một doanh nghiệp mới ra đời giữa các nhà đầu tư, mà sẽ không có con dấu riêng.

Và đương nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải thỏa thuận việc chọn một con dấu của các nhà đầu tư để phục vụ cho các hoạt động của dự án đầu tư.

Việc không thành lập pháp nhân mới trong nhiều trường hợp nếu các nhà đầu tư không nghiên cứu kỹ, lựa chọn sai thì nó lại trở thành một hạn chế rất lớn, gây ra nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư không lường trước được.

Đó là chưa kể đến trường hợp nếu do bất đồng mà một bên không cho sử dụng con dấu như đã thỏa thuận thì điều gì sẽ xảy ra? Đương nhiên, dự án sẽ phải dừng lại.

Ngoài ra thành lập một pháp nhân mới thì quyền quản lý pháp nhân mới đó sẽ được phân chia theo tỷ lệ số vốn góp do các nhà đầu tư bỏ ra.

Nhưng vì không có doanh nghiệp mới ra đời, do đó, quyền quản lý dự án đầu tư có thể sẽ được chia đều cho các nhà đầu tư, như vậy sẽ có lợi cho các nhà đầu tư bỏ ra ít vốn và không công bằng với các nhà đầu tư bỏ ra nhiều vốn hơn.

Thứ hai, pháp luật chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên và bên thứ ba khi một bên giao kết hợp đồng với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC.

Đây cũng là một hạn chế cần phải chú ý tới nếu các bên lựa chọn hình thức đầu tư này.

Như vậy, có thể thấy hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC hiện nay trở nên phổ biến do tính chất linh hoạt, hiệu quả.

Tuy nhiên, từng loại dự án đầu tư cụ thể, các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu cả ưu điểm và hạn chế của từng hình thức đầu tư để lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

Thứ ba, đầu tư theo hợp đồng BCC sẽ khó thu hút đầu tư đối với những lĩnh vực còn khó khăn và cần phát triển lâu dài, chỉ thực hiện được đối với một số lĩnh vực dễ sinh lợi và sinh lợi nhanh.

Đầu tư theo hợp đồng BCC thường được áp dụng để thực hiện một dự án cụ thể, nên việc quản lý, kinh doanh đối với các dự án lâu dài sẽ là không phù hợp khi lựa chọn hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC.

Thứ tư, đôi khi quan hệ hợp tác với đối tác nước sở tại còn thiếu tính chắc chắn làm các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Điều này xuất phát từ văn hóa kinh doanh và nhận thức của nhiều doanh nghiệp trong nước còn yếu kém.

Vẫn có nhiều trường hợp hợp tác làm ăn nghiêm túc thì ít mà nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi hay trốn thuế thì nhiều, khiến các nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều băn khoăn khi bắt tay hợp tác.


9. Dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh

  • Tư vấn luật dân sự qua tổng đài về hợp đồng nguyên tắc: 19006588.
  • Công ty Luật Quang Huy cung cấp mọi dịch vụ soạn thảo các mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh
  • Dịch vụ công chứng, chứng thực hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Công ty Luật Quang Huy chuyên tư vấn, soạn thảo hồ sơ và tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến việc công chứng của hợp đồng hợp tác kinh doanh nhanh nhất.


Trên đây là bài viết viết về mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Nếu còn chưa rõ hoặc có thắc mắc khác cần giải đáp trực tiếp, bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn luật dân sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ cụ thể và chi tiết nhất.

Trân trọng./.

5/5 - (4 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top