Mẫu hợp đồng thuê nhà ở

Mẫu hợp đồng thuê nhà ở
Lưu ý: Đây chỉ là mẫu hợp đồng áp dụng cho các trường hợp chung. Trên thực tế sẽ có nhiều điều khoản mà các bên cần thống nhất lại. Nếu bạn cần hợp đồng cụ thể, chi tiết để có thể đảm bảo quyền lợi cho mình, vui lòng gọi hotline 1900.6784 để được đội ngũ luật sư tư vấn và hỗ trợ soạn thảo hợp đồng.

Nhà ở luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi tầng lớp dân cư.

Nó là một trong những nhu cầu cơ bản không thể thiếu đối với mỗi gia đình, cá nhân.

Tốc độ đô thị hóa nhanh càng làm cho vấn đề về nhà ở trở nên cấp thiết.

Việc thuê nhà ở tồn tại từ rất lâu đời trong đời sống xã hội và ngày càng trở nên phổ biến trong nền kinh tế thị trường thì càng có nhiều vấn đề phức tạp cần được điều chỉnh bởi những quy định cụ thể và chặt chẽ của pháp luật.

Bài viết sau đây của Luật Quang Huy sẽ đưa ra hướng dẫn soạn thảo một hợp đồng thuê nhà ở đúng, chuẩn


1. Hợp đồng thuê nhà ở là gì?

Hợp đồng thuê nhà ở là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao lại nhà cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Nhà ở năm 2014 và quy định khác của pháp luật có liên quan.


2. Mẫu hợp đồng thuê nhà ở mới nhất

Dưới đây là mẫu hợp đồng thuê nhà ở mới nhất các bạn có thể tham khảo:

TẢI MẪU HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ Ở


 

3. Hướng dẫn cách điền mẫu hợp đồng thuê nhà ở đơn giản nhất

Khi điền mẫu hợp đồng thuê nhà ở đơn giản, bạn lưu ý các vấn đề như sau:

  • Thông tin trong hợp đồng phải được điền đầy đủ, chính xác.
  • Hợp đồng này được công chứng, chứng thực theo quy định tại Điều 122 Luật nhà ở năm 2014;
  • Các bên tham gia hợp đồng phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 119 Luật nhà ở năm 2014;
  • Nhà ở tham gia giao dịch phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 118 Luật nhà ở năm 2014;
  • Giá thuê nhà ở và phương thức thanh toán được quy định tại Điều 129 Luật nhà ở năm 2014;
  • Thời hạn thuê được quy định tại Điều 129 Luật nhà ở năm 2014.

4. Giá trị pháp lý của hợp đồng thuê nhà ở

Trong thực tế có rất nhiều trường hợp, do chưa nắm vững các quy định của pháp luật về hợp đồng nên khi xác lập, thực hiện hợp đồng, các bên chủ thể không đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật nên thường làm cho hợp đồng rơi vào tình trạng không có hiệu lực.

Đồng thời, việc xác lập một hợp đồng thuê nhà ở không phù hợp về hình thức hay nội dung cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các bên trong hợp đồng gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng.

Bởi hợp đồng thuê nhà có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng như vậy nên việc có thể soạn thảo một hợp đồng thuê nhà ở hoàn thiện là điều thực sự cần thiết.


5. Đối tượng của hợp đồng thuê nhà ở

Đối tượng của hợp đồng thuê nhà là nhà ở, là diện tích nhà dùng để ở mà bên cho thuê chuyển quyền sử dụng cho bên thuê.

Từ đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 thì nhà ở được định nghĩa như sau:

Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Nhà ở được xác định thông qua các yếu tố như diện tích chính để ở và sinh hoạt, diện tích cho công trình phụ như nhà bếp, loại nhà, chất lượng nhà, thiết bị nội thất kèm theo (nếu có).

Để nhà ở có thể tham gia giao dịch thuê nhà ở thì theo quy định tại điều 118 Luật nhà ở 2014 thì nhà ở cho thuê phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn (không áp dụng với nhà ở hình thành trong tương lai);

Thứ hai, không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng với nhà ở hình thành trong tương lai);

Thứ ba, không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền;

Thứ tư, bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, đối với nhà ở tại Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài thuê thì pháp luật hiện hành có quy định riêng về điều kiện nhà ở cho thuê. Cụ thể:

  • Bên cho thuê nhà ở phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về dân sự.
  • Nếu bên cho thuê là cá nhân, phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự;
  • Nếu bên cho thuê là tổ chức, phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
  • Bên thuê nhà ở là cá nhân nước ngoài thì phải:
  • Có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này;
  • Không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

Theo quy định tại Điều 159 Luật nhà ở 2014, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm:

  • Cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
  • Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

6. Chủ thể của hợp đồng thuê nhà ở

Chủ thể của hợp đồng thuê nhà ở là các bên tham gia vào quan hệ thuê nhà ở, có các quyền và nghĩa vụ nhất định phát sinh từ quan hệ đó gồm bên thuê và bên cho thuê nhà ở.

6.1 Bên cho thuê nhà ở

Theo quy định tại khoản 1 Điều 199 Luật nhà ở 2014 quy định về điều kiện của bên cho thuê nhà ở như sau:

a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;

b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

Nếu bên cho thuê là cá nhân thì người đó phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mới đáp ứng về điều kiện chủ thể khi tham gia giao dịch thuê nhà ở.

Theo quy định của pháp luật, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi từ đủ 18 tuổi và không thuộc một trong các trường hợp bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Nếu bên cho thuê là tổ chức thì tổ chức phải có tư cách pháp nhân.

Trường hợp chủ thể cho thuê nhà ở thuộc sở hữu chung, việc cho thuê nhà ở phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu nhà ở đó, trừ trường hợp chủ sở hữu chung cho thuê phần nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình.

Các chủ sở hữu chung có thể ủy quyền cho người đại diện ký hợp đồng thuê nhà ở.

Trường hợp chủ thể cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 83 Luật nhà ở 2014 như sau:

1. Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải bảo đảm công khai, minh bạch; ngoài yêu cầu phải tuân thủ quy định tại Điều 82, Điều 84 và các quy định về giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở tại Chương VIII của Luật này thì còn phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Trường hợp thuê nhà ở công vụ thì phải thực hiện quy định tại Điều 33 của Luật này;

b) Trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở để phục vụ tái định cư thì phải thực hiện quy định tại Điều 35 và Điều 41 của Luật này;

c) Trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội thì phải thực hiện quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật này;

d) Trường hợp cho thuê, bán nhà ở cũ thì nhà ở đó phải không có khiếu kiện, tranh chấp về quyền sử dụng và thuộc diện được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà ở.

2. Hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở phải có các nội dung theo quy định tại Điều 121 của Luật này. Việc ký kết hợp đồng được quy định như sau:

a) Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở xã hội hoặc mua bán nhà ở cũ thì hợp đồng được ký giữa bên mua, bên thuê mua với cơ quan quản lý nhà ở;

b) Trường hợp thuê, thuê mua, mua bán nhà ở để phục vụ tái định cư thì hợp đồng được ký giữa người được tái định cư với đơn vị được giao bố trí tái định cư;

c) Trường hợp thuê nhà ở bao gồm thuê nhà ở cũ, thuê nhà ở công vụ, thuê nhà ở xã hội thì hợp đồng được ký giữa bên thuê với cơ quan quản lý nhà ở hoặc đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở đó.

6.2 Bên thuê nhà ở

Bên thuê nhà ở là mọi cá nhân có nhu cầu sử dụng nhà thuê để ở và pháp nhân trong trường hợp thuê nhà cho thành viên của mình ở.

Trường hợp bên thuê là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam thì phải:

  • Có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014;
  • Không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

Trường hợp bên thuê là đối tượng được thuê nhà ở xã hội thì phải tuân theo các quy định tại Điều 53 Luật Nhà ở như sau:

  • Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
  • Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
  • Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
  • Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
  • Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
  • Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật Nhà ở 2014;
  • Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
  • Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Trường hợp bên thuê là đối tượng được thuê nhà ở công vụ được quy định tại Điều 32 Luật Nhà ở 2014 là:

  • Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;
  • Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên;
  • Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không thuộc diện quy định tại điểm b khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang;
  • Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;
  • Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;
  • Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

7. Giá thuê nhà ở, thời hạn thuê nhà ở

Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà theo định kỳ hoặc trả một lần.

Thỏa thuận về giá thuê có thể được ghi nhận trong hợp đồng thuê nhà ở hoặc phụ lục hợp đồng thuê nhà ở (nếu có).

Trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở, các bên phải thực hiện theo quy định đó.

Trường hợp chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà ở mà bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở.

Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được, bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật.

Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình thuê và cho thuê nhà ở.


8. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thuê nhà ở

8.1 Bên cho thuê nhà ở

8.1.1 Quyền của bên cho thuê nhà ở

Thứ nhất, bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê phải trả tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận và có thể yêu cầu kí cược thế chấp. Nếu các bên không thỏa thuận được thời hạn trả tiền thì thời hạn đó được xác định theo mục đích thuê.

Thứ hai, bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong những trường hợp sau:

  • Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở 2014;
  • Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
  • Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;
  • Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;
  • Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;
  • Trường hợp chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà ở mà bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở, nếu các bên không thể thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà.

Thứ ba, hết hạn của hợp đồng, bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê phải trả lại đúng tài sản đã thuê trong tình trạng như khi nhận.

Nếu các bên có thỏa thuận về tỉ lệ hao mòn thì tài sản phải trong tình trạng như đã thỏa thuận.

Trường hợp bên thuê làm mất, hư hỏng tài sản thuê thì phải bồi thường thiệt hại.

Thứ tư, khi bên thuê chậm trả tài sản thuê, bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê hoàn trả tài sản thuê và trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại. Bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.

8.1.2 Nghĩa vụ của bên cho thuê nhà ở

Thứ nhất, bên cho thuê có nghĩa vụ giao tài sản cho bên thuê đúng thời hạn, địa điểm.

Phải bảo đảm tài sản cho thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích cho thuê.

Trường hợp tài sản thuê bị hư hỏng mà không phải do lỗi của bên thuê thì bên cho thuê phải sửa chữa, đổi tài sản khác hoặc phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê.

Trong trường hợp bên thuê đã thông báo việc hư hỏng của tài sản và yêu cầu bên cho thuê sửa chữa nhưng bên cho thuê không thực hiện yêu cầu đó, nếu bên thuê phải tự mình sửa chữa hư hỏng thì bên cho thuê phải chịu chi phí.

Thứ hai, bên cho thuê có nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê trong suốt thời gian thuê.

Khi có tranh chấp về quyền sở hữu đối với nhà ở thuê mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp này, do lỗi của bên cho thuê nên bên thuê không sử dụng tài sản hết thời hạn của hợp đồng và có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.

Thứ ba, trong trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm hoàn trả tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp tài sản thuê là gia súc, bên thuê phải hoàn trả gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê nếu không có thỏa thuận khác.

Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.

8.2 Bên thuê nhà ở

8.2.1 Quyền của bên thuê nhà ở

Thứ nhất, bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý.

Thứ hai, trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:

  • Sửa chữa tài sản;
  • Giảm giá thuê;
  • Đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết hoặc tài sản thuê không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được.

Thứ ba, trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời, bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê với chi phí hợp lý, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa.

8.2.2 Nghĩa vụ của bên thuê nhà ở

Thứ nhất, bên thuê tài sản có nghĩa vụ trả tiền thuê như đã thỏa thuận, phải bảo quản tài sản thuê, sử dụng tài sản thuê cẩn thận như của mình, đúng với công suất, tính năng tác dụng của tài sản.

Nếu trong thời gian sử dụng tài sản bị hư hỏng nhỏ thì phải tự mình sửa chữa.

Khi cho thuê lại tài sản, mọi sự hư hỏng, mất tài sản do người thuê lại gây ra thì bên thuê phải chịu trách nhiệm với bên cho thuê;

Thứ hai, khi hết hạn của hợp đồng thuê tài sản, bên thuê phải trả lại tài sản trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên.

Chất lượng của tài sản bị hao hụt đi phụ thuộc vào thời gian sử dụng. Nếu thời gian sử dụng lâu, sự hao mòn càng lớn, giá trị của tài sản còn lại được trừ đi phần khấu hao khi sử dụng;

Thứ ba, bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.


9. Chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở

Thứ nhất, trường hợp thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà được thực hiện khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 của Luật Nhà ở 2014.

Thứ hai, trường hợp thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

  • Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà cho bên thuê nhà ở biết;
  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
  • Nhà ở cho thuê không còn;
  • Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;
  • Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác. Bên cho thuê phải thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Chấm dứt trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà theo quy định tại Điều 132 Luật Nhà ở 2014.

Trường hợp một trong hai bên chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn không theo các quy định tại Điều 132 Luật nhà ở 2014 mà gây thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, khi đã hết thời hạn thuê được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng hợp đồng thuê nhà ở không bị chấm dứt mà được hai bên thỏa thuận tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê nhà.


10. Dịch vụ tư vấn soạn thảo mẫu hợp đồng thuê nhà ở

  • Tư vấn luật dân sự qua tổng đài về hợp đồng thuê nhà ở: 19006588.
  • Công ty Luật Quang Huy cung cấp mọi dịch vụ soạn thảo các hợp đồng thuê nhà ở.
  • Dịch vụ công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà ở.

Công ty Luật Quang Huy chuyên tư vấn, soạn thảo hợp đồng và tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến việc công chứng trong hợp đồng thuê nhà ở nhanh nhất.


Trên đây là mẫu hợp đồng thuê nhà ở mới nhất các bạn có thể tham khảo cách soạn thảo, trình bày và cách viết hợp đồng thuê nhà ở.

Nếu còn gì thắc mắc hay chưa rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn luật dân sự trực tuyến của Luật Quang Huy để được hỗ trợ cụ thể.

Trân trọng ./.

5/5 - (2 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top