Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại
Với mong muốn giúp người dân tránh hoặc giảm thiểu được những rủi ro pháp lý trong quan hệ dân sự, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn có nhu cầu tư vấn pháp luật dân sự, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay cho Luật sư qua Tổng đài 19006588 để được tư vấn miễn phí 24/7.

Bồi thường thiệt hại là chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015.

Bồi thường thiệt hại có phát sinh trong mọi trường hợp gây ra thiệt hại hay không?

Mức bồi thường thiệt hại như thế nào là hợp lý?

Bài viết dưới đây của Luật Quang Huy sẽ hướng dẫn bạn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.


Tổng quan về bài viết

1. Bồi thường thiệt hại là gì?

Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.

Trong đó:

Là loại trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc hợp đồng mà chỉ cần tồn tại một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

Thiệt hại không chỉ là nền tảng cơ bản mà còn là điều kiện bắt buộc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền cho người bị thiệt hại.


2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thỏa mãn các yếu tố:

  • Có thiệt hại thực tế xảy ra:

Thiệt hại thực tế là gì?

Thiệt hại thực tế là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức

  • Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật hoặc có hành vi vi phạm hợp hợp đồng:

Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức.

Mọi người phải tôn trọng quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào “xâm phạm” đến các quyền đó.

  • Có lỗi của người gây thiệt hại:

Người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi.

Xét về hình thức lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới dạng vô ý hay cố ý.

  • Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật:

Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay nói cách khác hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra.


3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được pháp luật quy định như sau:

3.1 Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ.

Có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm,… phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ luật Dân sự 2015 quy định trong trường hợp cụ thể đó, thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc xác định đâu là thiệt hại thực tế còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến không chỉ khó khăn trong việc xác định trách nhiệm hình sự mà còn cả trong trách nhiệm dân sự của người gây ra thiệt hại.

3.2 Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình

Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện song song với nhau, sau đây:

  • Do không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại;
  • Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.

3.3 Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường

Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó.

Hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại.

3.4 Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra

Với lý lẽ công bằng, gây thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó, nhưng trong nhiều trường hợp bên bị thiệt hại lại là bên có phần lỗi dẫn đến thiệt hại.

Luật quy định bên bị thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Vậy, thiệt hại không được bồi thường ở đây được hiểu như thế nào cho đúng?

Với trường hợp mỗi bên đều có lỗi cố ý, đều bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe,… thì không có gì đáng nói.

Nhưng với trường hợp, cả hai bên đều có lỗi cố ý, nhưng thiệt hại mà bên bị thiệt hại gây ra cho bên gây thiệt hại không đáng kể, còn thiệt hại mà bên gây ra thiệt hại cho bên bị thiệt hại tính toán được bằng con số cụ thể, thì vấn đề đặt ra, tòa án có xem xét mức độ lỗi của bên bị thiệt hại khi ấn định mức bồi thường thiệt hại đối với bên gây ra thiệt hại không?

Xoay quanh vướng mắc này, thực tế thường xảy ra hai trường hợp sau:

  • Một là, thiệt hại hoàn toàn do người bị thiệt hại gây ra, như vậy, người bị thiệt hại sẽ không nhận được bồi thường, tức là người gây ra thiệt hại không có lỗi thì họ không phải bồi thường thiệt hại.
  • Hai là, thiệt hại một phần do người bị thiệt hại gây ra, còn một phần do lỗi của người gây thiệt hại, như vậy, người bị thiệt hại vẫn được bồi thường phần thiệt hại không phải do lỗi của mình.

Nghĩa là, họ vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình.

Trong trường hợp này, tòa án cần xác định rõ mức độ lỗi của mỗi bên để ấn định trách nhiệm bồi thường cho tương xứng.

Vì người bị thiệt hại cũng có lỗi, và chính yếu tố lỗi của họ là chất xúc tác, là nguyên nhân, dẫn đến phản ứng tiêu cực của bên gây ra thiệt hại và hậu quả thực tế xảy ra, nhưng họ lại là người bị thiệt hại, do vậy, họ phải tự “bồi thường” cho mình tương ứng với mức độ lỗi đó.

3.5 Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình


4. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

4.1 Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là gì?

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khả năng của cá nhân có nghĩa vụ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khả năng thực tế của cá nhân đó bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đã nêu.

Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự quy định năng lực hành vi dân sự, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân.

4.2 Quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân mà không quy định đối với các chủ thể khác.

Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự, Bộ luật dân sự quy định năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân cụ thể như sau:

  • Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
  • Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp người gây thiệt hại dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.

  • Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình.

Trường hợp người gây thiệt hại không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường.

Trong trường hợp người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình.

Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.


5. Không có khả năng bồi thường thiệt hại phải làm sao?

Rất nhiều trường hợp đã xác định phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng thực tế người phải bồi thường không có khả năng bồi thường thiệt hại, phổ biến là trường hợp người đó không có tài sản để bồi thường.

Căn cứ quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, người có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại nếu không có khả năng bồi thường thì có thể thương lượng được với bên bị thiệt hại về việc giảm mức bồi thường.

Nếu các bên không thỏa thuận được về mức bồi thường dẫn tới việc phải làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thì có thể đề nghị Tòa án thay đổi mức bồi thường nếu:

  • Thiệt hại quá lớn so với tình hình kinh tế và bản thân không có lỗi hoặc có lỗi do vô ý;
  • Do tình hình thực tế không còn phù hợp với mức bồi thường hoặc do bên bị thiệt hại cũng có lỗi…

Nếu người gây thiệt hại mà do lỗi cố ý gây thiệt hại thì không được áp dụng nguyên tắc này bởi vì người gây thiệt hại chú ý gây ra thiệt hại mà theo lỗi cố ý gây thiệt hại là người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình là gây thiệt hại, thấy trước thiệt hại của hành vi đó và mong muốn thiệt hại xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Khi mức độ thiệt hại có thể lớn hơn khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại thì người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại.

Tất nhiên, điều kiện này luôn đi cùng với điều kiện lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Trong thực tiễn xét xử các vụ án về bồi thường thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm, để xác định như thế nào là: “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình” là một vấn đề khá phức tạp.

Như vậy, không phải trong trường hợp nào người gây thiệt hại cũng được giảm mức bồi thường.

Người đó phải đảm bảo được hai điều kiện là không có lỗi hoặc do lỗi vô ý mà gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài như trên thì họ mới được giảm mức bồi thường thiệt hại.


6. Mức bồi thường thiệt hại

6.1 Mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng sẽ được xác định dựa trên sự thỏa thuận của các đương sự.

Bộ luật Dân sự 2015 luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên miễn sao thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp các bên không thể thỏa thuận và thống nhất được một mức bồi thường hợp lý thì mức bồi thường sẽ được xác định dựa theo các quy định của pháp luật.

Theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 2015 thì:

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Thiệt hại thực tế được xác định dựa theo các căn cứ sau:

  • Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
  • Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
  • Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.

Ngoài ra chủ thể bị thiệt hại còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

6.2 Mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Giống như bồi thường thiệt hại trong hợp đồng Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc xác định mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định như sau:

Thứ nhất, việc xác định mức bồi thường theo thỏa thuận của các bên:

Pháp luật dân sự luôn tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên miễn sao thỏa thuận đó không vi phạm quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Khi hai bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại đã thỏa thuận và thống nhất về mức bồi thường thiệt hại thì pháp luật sẽ công nhận mức bồi thường đó.

Trường hợp hai bên không thể thống nhất về mức bồi thường thiệt hại thì tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để xác định mức bồi thường thiệt hại theo các căn cứ sau

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm:

  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
  • Thiệt hại khác do luật quy định.

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.
  • Tổn thất về tinh thần

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:

  • Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.
  • Tổn thất về tinh thần

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:

  • Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
  • Thiệt hại khác do luật quy định
  • Tổn thất về tinh thần

7. Phương thức thực hiện bồi thường thiệt hại

Phương thức bồi thường thiệt hại là cách thức mà theo đó người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện để bù đắp các tổn thất vật chất cho người bị thiệt hại hoặc cho thân nhân của người bị thiệt hại.

Hiện nay có 2 phương thức thực hiện bồi thường thiệt hại như sau:

  • Phương thức cấp dưỡng một lần:

Là việc dựa vào mức cấp dưỡng và thời gian hưởng cấp dưỡng của người được cấp dưỡng để xác định thành một khoản tiền cụ thể và buộc người gây thiệt hại phải giao khoản tiền đó cho người được cấp dưỡng vào một lần, quan hệ cấp dưỡng giữa họ chấm dứt kể từ thời điểm người phải bồi thường đã giao đủ khoản tiền đó.

Như vậy, phương thức này chỉ có thể áp dụng được trong những trường hợp có thể xác định được cụ thể về thời gian hưởng tiền cấp dưỡng.

  • Phương thức cấp dưỡng định kỳ:

Là việc người gây thiệt hại phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo tháng, theo quý hoặc theo năm cho người được cấp dưỡng.

Phương thức này thường được áp dụng trong các trường hợp không xác định được cụ thể về thời gian hưởng tiền cấp dưỡng vì người được cấp dưỡng được hưởng khoản cấp dưỡng đó cho đến suốt đời.

Chẳng hạn, trong trường hợp người được cấp dưỡng đã già yếu, người mắc bệnh tâm thần, người tàn tật không có khả năng lao động thì việc xác định thời gian hưởng cấp dưỡng là điều không thể.


8. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

8.1 Quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với trường hợp bồi thường thiệt hại phát sinh từ thỏa thuận trong hợp đồng là khác nhau.

8.1.1 Với trường hợp bồi thường thiệt hại phát sinh trong quan hệ hợp đồng

Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ quan hệ hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người có quyền biết hoặc phải biết có hành vi gây thiệt hại của chủ thể và quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Hết thời hạn 03 năm như đã nêu, chủ thể bị thiệt hại bị mất quyền khởi kiện nếu không có lý do chính đáng cho việc khởi kiện quá thời hạn pháp luật cho phép.

8.1.2 Với trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Như vậy, trong trường hợp này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng là 03 năm kể từ thời điểm người có quyền khởi kiện biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Quy định về thời hiệu trong trường hợp này tương tự như quy định về thời hiệu khởi kiện bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

8.2 Khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại

Pháp luật hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Tuy nhiên, có thời gian nhất định mà pháp luật quy định không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

  • Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

  • Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân hoặc người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

9. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật dân sự năm 2015

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Nếu còn bất kỳ vấn đề gì chưa rõ hoặc thắc mắc, vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn luật dân sự trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được hỗ trợ giải đáp.

Trân trọng./.

5/5 - (3 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Luật sư Nguyễn Huy Khánh
Giám đốc điều hành của Công ty Luật TNHH Quang Huy và Cộng sự. Có nhiều kinh nghiệm tư vấn và tranh tụng trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hành chính.
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HOTLINE 1900.6588

Scroll to Top