Hướng dẫn chi tiết thủ tục ghi chú kết hôn

Ghi chú kết hôn
Với mong muốn giải đáp ngay lập tức các vướng mắc về kết hôn cho người Việt Nam và người nước ngoài, Luật Quang Huy đã triển khai đường dây nóng tư vấn luật kết hôn. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi thông qua Tổng đài 19006588.

Năm kia, tôi và chồng là người Nhật Bản đã đăng ký kết hôn tại Nhật Bản.

Nay vợ chồng tôi quyết định về Việt Nam sinh sống.

Vậy khi về Việt Nam, vợ chồng tôi phải ghi chú kết hôn ở đâu?

Trình tự, thủ tục ghi chú kết hôn ở Việt Nam như thế nào?

Mong Luật sư tư vấn!


Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về Luật Quang Huy.

Với bài viết này, chúng tôi hướng dẫn về thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam như sau:


1. Ghi chú kết hôn là gì?

Ghi chú kết hôn là việc cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Như vậy, khi bạn đã đăng ký kết hôn với chồng là người Nhật Bản tại cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản, vợ chồng bạn có thể tiến hành thủ tục ghi chú kết hôn ở cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Việc ghi chú kết hôn như vậy là để quan hệ hôn nhân được công nhận theo pháp luật Việt Nam.

Đó chính là việc cơ quan có thẩm quyền Việt Nam ghi nhận lại sự kiện đăng ký kết hôn đã được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản vào sổ hộ tịch của Việt Nam.

Sau khi hoàn tất thủ tục này, quan hệ hôn nhân của bạn được công nhận trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.


2. Điều kiện ghi chú kết hôn

Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Theo đó, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch ở Việt Nam nếu:

Tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trường hợp vào thời điểm đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, nam nữ không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc kết hôn vẫn sẽ được ghi vào Sổ hộ tịch nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp:

  • Vào thời điểm thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam hậu quả đã được khắc phục;
  • Việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em.

3. Trình tự, thủ tục ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn

3.1 Hồ sơ ghi chú kết hôn

Căn cứ khoản 1 Điều 35 Nghị định 123/2015, hồ sơ ghi chú kết hôn bao gồm các giấy tờ phải nộp sau đây:

  • Tờ khai ghi chú kết hôn theo mẫu;
  • Bản sao giấy tờ chứng nhận việc kết hôn với người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của cả hai bên nam, nữ nếu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính.
  • Nếu công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì phải nộp trích lục về việc đã ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn.
  • Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc ghi chú kết hôn. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

Bên cạnh những giấy tờ phải nộp nêu trên, người có yêu cầu ghi chú kết hôn phải xuất trình thêm các giấy tờ bao gồm:

  • Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu ghi chú kết hôn;
  • Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).
  • Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

3.2 Thẩm quyền ghi chú kết hôn

Căn cứ Điều 48 Luật Hộ tịch năm 2014, thẩm quyền ghi chú việc kết hôn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Người có yêu cầu ghi chú kết hôn nộp hồ sơ như đã hướng dẫn tới Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú để tiến hành thủ tục ghi chú kết hôn.

3.3 Giải quyết việc ghi chú kết hôn

Sau khi nhận hồ sơ, xét thấy hồ sơ đầy đủ và đáp ứng đủ điều kiện ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.

Nếu thấy yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn thuộc một trong các trường hợp vi phạm điều cm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam thì Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để từ chối.

Thời hạn giải quyết ghi vào sổ Hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ.

Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.


4. Cơ sở pháp lý

  • Luật Hộ tịch năm 2014
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch năm 2014

Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề làm thế nào để ghi chú kết hôn tại Việt Nam.

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ tới Luật sư tư vấn luật trực tuyến qua TỔNG ĐÀI 19006588 của Luật Quang Huy.

Trân trọng./.

4.2/5 - (5 bình chọn)
Luật sư Nguyễn Thị Kim Lan
Luật sư Nguyễn Thị Kim Lan
Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Nguyên là Chánh tòa kinh tế, phó chánh tòa hình sự tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top