Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Nhằm giải đáp thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ hôn nhân và quan hệ trong gia đình như tảo hôn, quyền và nghĩa vụ các bên, Luật Quang Huy bổ sung đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến luật hôn nhân và gia đình hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng vô sinh ngày càng nhiều, số lượng các cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng tăng, do đó mà nhu cầu mang thai hộ ngày càng tăng. Pháp luật Hôn nhân và gia đình đã có quy định về vấn đề này, phần nào đáp ứng được nhu cầu sinh con cho gia đình hiếm muộn. Trên thực tế gặp không ít vướng mắc khi áp dụng các quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Với bài viết này, Luật Quang Huy xin cung cấp tới bạn các quy định mới nhất của pháp luật về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.


Cơ sở pháp lý

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Nghị định số 10/2015/NĐ-CP Quy định về sinh con bằng kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?

      Căn cứ vào quy định tại khoản 22 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

      Trong đó mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Sự tự nguyện của các bên

      Khoản 1 điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

      Sự tự nguyện ở đây hoàn toàn xuất phát từ ý chí của cả hai bên: người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ mà không bị đe dọa, ép buộc, lừa dối bởi bất kì bên thứ ba nào. Ngoài ra, pháp luật còn quy định hình thức thỏa thuận phải được lập thành văn bản mới có giá trị pháp lý.

Điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ

  • Phải là cặp vợ chồng vô sinh và là cặp vợ chồng hợp pháp.

      Quy định này nhằm đảm bảo ràng buộc pháp lý giữa các bên trong quá trình thực hiện mang thai hộ cũng như đứa trẻ trong tương lai. Do đó, người phụ nữ độc thân hay các cặp đôi đồng tính, song tính và chuyển giới cũng không được phép nhờ mang thai hộ do pháp luật vẫn chưa thừa nhận hôn nhân của họ là hợp pháp.

  • Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản.

      Theo quy định này thì mang thai hộ là giải pháp cuối cùng để có thể có con. Quy định này đặt ra nhằm tránh việc nhờ người khác mang thai hộ một cách bừa bãi, hạn chế việc lợi dụng vì mục đích thương mại khi người phụ nữ vẫn còn khả năng làm mẹ.

  • Vợ chồng đang không có con chung.

      Có nghĩa là việc mang thai hộ sẽ chỉ được thực hiện một lần nếu thành công. Trong trường hợp nhờ mang thai hộ mà thai bị hỏng, bị sẩy, đứa trẻ sinh ra bị chết…thì sẽ tiếp tục được nhờ mang thai hộ. Trường hợp cặp vợ chồng đã có con chung nhưng đã chết và đáp ứng đủ các điều kiện khác theo luật định về quyền nhờ mang thai hộ thì vẫn có quyền nhờ mang thai hộ. Đối với những cặp vợ chồng đã có một con mà con mắc bệnh down, các bệnh liên quan đến thần kinh, bệnh hiểm nghèo,…hoặc bị dị tật thì không có quyền nhờ mang thai hộ.

  • Được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý

      Cặp vợ chồng nhờ mang thai phải được tư vấn về y tế, tâm lý và pháp lý để đảm bảo họ hiểu rõ bản chất của vấn đề mang thai hộ, tránh xảy ra sai sót cũng như tranh chấp trong tương lai vì thiếu hiểu biết.

Điều kiện đối với người mang thai hộ

  • Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

    Theo khoản 19 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.

       Trong khi đó, “người thân thích” được hiểu theo quy định tại khoản 7 điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP như sau:

Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

  • Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.

      Mang thai và sinh con là một quá trình đặc biệt, việc đã từng sinh con sẽ giúp người phụ nữ chuẩn bị về mặt tâm lí, tinh thần, cũng như có kinh nghiệm, kĩ năng trong việc chăm sóc bản thân và thai nhi nhằm đảm bảo thực hiện việc mang thai hộ. Quy định chỉ mang thai hộ một lần nhằm tránh tình trạng lợi dụng để đạt đạt được mục đích thương mại.

  • Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền.

      Pháp luật lại chưa có quy định thế nào là độ tuổi phù hợp. Có thể suy đoán đó là độ tuổi sinh đẻ nói chung theo các nghiên cứu khoa học và quan điểm xã hội. Thông thường độ tuổi sinh đẻ tốt nhất là từ 20 tuổi đến 30 tuổi, lúc này cơ thể người phụ nữ đã phát triển đầy đủ về cả tâm sinh lí cho việc làm mẹ.

      Điều kiện có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền không chỉ nhằm đảm bảo cho sức khỏe người nhận mang thai hộ mà còn đảm bảo sức khỏe cho đứa trẻ, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

  • Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

      Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đặt ra nguyên tắc xây dựng gia đình tiến bộ, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Việc mang thai hộ không chỉ làm cho người vợ có nguy cơ với một số biến chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lí người thân trong gia đình, các mối quan hệ gia đình. Chính vì vậy, vấn đề này cần phải được sự bàn bạc, thống nhất, thỏa thuận và đồng ý bằng văn bản của người chồng.

  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

      Các nội dung y tế cần được tư vấn như các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai như sẩy thai, thai ngoài tử cung, băng huyết, khả năng đa thai, em bé dị tật phải bỏ thai,…Việc tư vấn này nhằm cung cấp những thông tin về nguy cơ, tai biến ảnh hưởng tới sức khỏe mà người nhận mang thai có thể mắc phải.

      Liên quan tới nội dung pháp lí được tư vấn là những hậu quả pháp lí cơ bản và quan trọng nhất là mối quan hệ phát sinh hay việc xác định cha, mẹ, con giữa con sinh ra và các bên liên quan.

      Ngoài ra, người nhận mang thai cũng cần được tư vấn về tâm lí, tình cảm gia đình, bạn bè trong thời gian mang thai hộ, tâm lí đối với con ruột của mình.


      Trên đây là những quy định của pháp luật về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mọi thắc mắc bạn vui lòng liên hệ tới tư vấn hôn nhân và gia đình qua  Tổng đài tư vấn 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp cụ thể hơn.

      Trân trọng ./.


5/5 - (1 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top