Có phải cấp dưỡng bù khoảng thời gian không cấp dưỡng không?

Có phải cấp dưỡng bù khoảng thời gian không cấp dưỡng không
Nhằm giải đáp thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ hôn nhân và quan hệ trong gia đình như tảo hôn, quyền và nghĩa vụ các bên, Luật Quang Huy bổ sung đường dây nóng tư vấn về vấn đề này. Nếu bạn đọc có thắc mắc liên quan đến luật hôn nhân và gia đình hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Tổng đài 19006588.

Thưa Luật sư, tôi và vợ kết hôn năm 2012, và có với nhau một bé gái 2 tuổi. Do mâu thuẫn vợ chồng nên năm 2015 chúng tôi ly hôn và vợ tôi giành được quyền nuôi con, còn tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mỗi năm là 24 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực (ngày 15/3/2015), tôi vẫn cấp dưỡng đầy đủ trong 2 năm đầu, tuy nhiên do kinh tế khó khăn nên tôi ngừng việc cấp dưỡng và cũng không nói gì với vợ cũ. Cô ấy không nhận được tiền nhưng cũng không liên lạc gì lại với tôi. Tuy nhiên gần đây tôi có nhận được cuộc điện thoại của vợ cũ. Cô ấy yêu cầu tôi phải gửi tiền cấp dưỡng cho con và cấp dưỡng bù khoảng thời gian không cấp dưỡng tức gửi bù cả những khoản trong 3 năm qua tôi không gửi. Tôi muốn hỏi là vợ cũ của tôi yêu cầu như vậy có đúng không? Mong Luật sư tư vấn giúp.

      Trước tiên, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của mình đến chúng tôi. Về vấn đề này, Luật Quang Huy xin được tư vấn cụ thể như sau.


Cơ sở pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014
  • Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con khi ly hôn

      Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.

      Theo đó, tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

Cha mẹ không trực tiếp sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi sống mình.

       Khi giải quyết ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận về mức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho con. Trong trường hợp không thỏa thuận được về vấn đề cấp dưỡng cho con khi ly hôn, Tòa án sẽ giải quyết và căn cứ vào thu nhập thực tế của người không trực tiếp nuôi con mà phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cũng như mức chi phí hợp lý phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con.


Có được tự ý chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng hay không?

      Theo quy định tại Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động và có tài sản để tự nuôi mình;
  • Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
  • Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
  • Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
  • Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn.
  • Trường hợp khác theo quy định của luật.
Có được tự ý chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

      Như vậy, xét vào tình huống của bạn với lý do vì tài chính lâm vào khó khăn không thuộc một trong các trường hợp bạn có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình. Do đó, việc bạn tự ý chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng mà không hề thông báo với vợ cũ có thể coi là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của con.

      Theo đó, nếu bạn đang rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn mà không thể tiếp tục cấp dưỡng cho con với mức cấp dưỡng như bản án/quyết định ly hôn của Tòa án, bạn có thể thỏa thuận lại với vợ cũ của mình về việc thay đổi mức cấp dưỡng sau ly hôn hoặc đề nghị được tạm ngừng nghĩa vụ cấp dưỡng cho đến khi có đủ điều kiện. Trong trường hợp vợ cũ của bạn không đồng ý thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn.


Có phải cấp dưỡng bù khoảng thời gian không cấp dưỡng không?

      Theo như bạn đã trình bày, vợ bạn có yêu cầu bạn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và phải gửi bù những khoản trước đây bạn chưa gửi, tức cấp dưỡng bù khoảng thời gian không cấp dưỡng. Điều này hoàn toàn có căn cứ. Bởi vì bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con trong suốt thời gian không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con theo bản án/quyết định của Tòa án đã ra khi ly hôn.

      Về việc thi hành bản án/quyết định dân sự của Tòa án, tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án như sau:

Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Có phải cấp dưỡng bù khoảng thời gian không cấp dưỡng không

       Theo quy định này thì thời hiệu có thể yêu cầu thi hành án được ấn định là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án thì thời hiệu 5 năm này được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Trường hợp bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 5 năm sẽ được áp dụng cho từng định kỳ và được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

      Xét vào trường hợp của bạn, ngày bản án quyết định ly hôn của bạn với vợ cũ của bạn có hiệu lực là ngày 15/3/2015. Nghĩa vụ cấp dưỡng của bạn đối với con được tính theo định kỳ là từng năm, tức vào đúng ngày 15/3 của những năm tiếp theo sẽ là ngày nghĩa vụ đến hạn và bạn phải gửi tiền cấp dưỡng cho con của bạn là 24 triệu đồng. Tuy nhiên, bạn chỉ thực hiện việc cấp dưỡng cho con 2 năm đầu (2015 và 2016) sau khi bản án ly hôn có hiệu lực và những năm 2017, 2018, 2019 bạn ngừng việc cấp dưỡng cho con và không có thông báo gì cho vợ cũ của bạn.

      Như vậy, tính từ thời điểm bạn ngừng việc cấp dưỡng cho con là năm 2017 cho đến nay thì thời hiệu để vợ cũ bạn yêu cầu thi hành án vẫn còn, do đó vợ cũ bạn hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án yêu cầu bạn tiếp tục thực hiện việc cấp dưỡng theo như bản án đã đề ra. Thời hiệu yêu cầu thi hành án của vợ cũ bạn là 5 năm tính từ ngày 15/3 cho mỗi lần nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn qua từng năm.

     Chính vì thế, việc cấp dưỡng bù khoảng thời gian không cấp dưỡng cho con trong 3 năm qua bạn vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ. Nếu hiện nay, do tình hình kinh tế của bạn rơi vào khó khăn và không thể tiếp tục thực hiện việc cấp dưỡng như trước thì bạn có thể thỏa thuận lại với vợ cũ về việc thay đổi mức cấp dưỡng sau ly hôn hoặc tạm ngừng nghĩa vụ cấp dưỡng cho đến khi bạn có đủ điều kiện hoặc yêu cầu Tòa án xem xét về việc thay đổi mức cấp dưỡng hợp lý.


      Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về thắc mắc liên quan tới việc có phải cấp dưỡng bù khoảng thời gian không cấp dưỡng. Bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được tư vấn cụ thể và giải đáp thắc mắc.

      Trân trọng./.


    

5/5 - (1 bình chọn)
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Đội ngũ tác giả Công ty Luật Quang Huy
Với phương châm "Luật sư của mọi nhà", Luật Quang Huy đang nỗ lực không ngừng để tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho Quý khách hàng!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
phone-call

GỌI HỎI MIỄN PHÍ NGAY

Scroll to Top